Do chính sách cai trị độc tài, vi phạm nhân quyền trầm trọng, chính quyền quân phiệt Miến Điện bị các quốc gia thuộc thế giới tự do lên án nặng nề và cấm vận kinh tế. Để bám ghế cai trị, các vị tướng lãnh đạo kéo dài đến đời tướng Than Shwe chọn con đường ngả theo Trung quốc. Theo năm tháng, họ dần dần rơi vào tình trạng lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Bắc Kinh, không khác gì con đường mà các lãnh đạo CSVN đang vướng vào hiện nay. Khi đã biết chắc Miến Điện khó thoát ra khỏi gọng kềm của mình, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chính sách Hán hóa một cách lộ liễu, và khai thác nước này gần như một thuộc địa ở thế kỷ 19, 20.
Không khác gì lắm tình trạng tại Việt Nam, các nhà thầu Trung quốc (đa số do các ban bộ thuộc nhà nước Trung Quốc làm chủ quản) nắm gần như trọn vẹn quyền khai thác mọi loại tài nguyên trên đất Miến Điện, từ cây rừng, than đá, đến các khoáng sản. Chính quyền của tướng Than Shwe tuy rất hung bạo với dân nhưng không dám lên tiếng phản đối khi nhiều vùng khai thác chỉ đem lợi cho Trung quốc nhưng để lại thiệt hại môi trường nặng nề cho dân Miến gánh chịu.
Một bằng chứng điển hình là việc Bắc Kinh dẫn dụ nội các Than Shwe vào kế hoạch xây dựng đập thủy điện Myitsone trên thượng lưu sông Irrawaddy thuộc tỉnh Kachin, Miến Điện. Số điện sản xuất ra được dẫn trọn vẹn về Trung quốc với “giá hữu nghị” – không khác gì chất alumina sản xuất tại Tây Nguyên, Việt Nam chỉ có một khách hàng độc nhất là Trung Quốc. Ngay sau khi tướng Than Shwe đặt bút ký khế ước với Bắc Kinh xây đập Myitsone, người dân Miến Điện đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối. Giới chuyên gia, trí thức Miến Điện cung cấp các dữ liệu cho thấy việc xây đập chắc chắn sẽ gây cảnh hủy diệt môi sinh, tàn phá các di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc thiểu số Kachin. Hơn thế nữa, con đập dự định xây nằm trong vùng hay có động đất mà phía nhà thầu Trung Quốc cố tình làm ngơ. Nếu gặp một cơn chấn động từ cấp 5 thang Richter trở lên, có xác suất cao sẽ vỡ đập, đe dọa tính mạng của hàng trăm ngàn người sống ở hạ nguồn. Một điểm vô lý khác được vạch ra là tại sao phải lo xây đập thủy điện Myitsone chỉ để cung cấp cho Trung quốc trong khi chính đất nước Miến Điện cũng đang khát điện trầm trọng.
Đã có nhiều cuộc biểu tình ôn hòa trước đại sứ quán Bắc Kinh tại Naypydaw để phản đối việc xây đập thủy điện Myitsone, nhưng lần nào cũng đều bị cảnh sát giải tán bằng vũ lực. Lần biểu tình gần đây nhất vào ngày 27/09/2011, khi một nhóm dân chúng đến trước sứ quán Trung quốc trương biểu ngữ phản đối việc xây đập, họ đã bị cảnh sát đã đến bắt đi.
Bỗng nhiên, vào sáng ngày 30/9/2011, tức chỉ 3 ngày sau cuộc biểu tình, dân Miến nghe tin tân Tổng thống Thein Sein tuyên bố trước Quốc hội Miến Điện đã tạm thời cho đình chỉ việc tiến hành xây đập Myitsone. Ông còn nói thêm đây là nguyện vọng của đa số người dân mà chính phủ phải làm theo.
Quyết định bất ngờ này khiến Bắc Kinh giận dữ. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của bộ Ngoại giao Trung quốc họp báo tuyên bố Miến Điện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định này và phải bồi thường thiệt hại cho các xí nghiệp Trung quốc tham gia dự án. Theo lời của ông Hồng Lỗi thì dự án trị giá 3,6 tỉ mỹ kim, đã qua giai đoạn khảo sát, điều tra và đang được thi công.
Mặc dù hân hoan trong thắng lợi đầu tiên, các tổ chức, đoàn thể phản đối việc xây đập vẫn chưa dám yên tâm vì họ biết đây chỉ mới là lệnh tạm hoãn chứ chưa phải quyết định hủy bỏ hoàn toàn ý định xây dựng đập thủy điện Myitsone. Ông Thein Sein vẫn có thể thay đổi ý định khi áp lực Bắc Kinh quá mạnh. Vì vậy, dân chúng Miến Điện bảo nhau tiếp tục tranh đấu cho đến khi nhà nước chính thức chấm dứt toàn bộ dự án quỉ quyệt này của Trung Quốc.
Các quan chức đứng đầu tỉnh Kachin, nơi sắp xây đập thủy điện Myitsone, cũng cho các ký giả biết rằng: “Chúng tôi điên đầu với các công nhân Trung quốc sang xây đập. Họ sang đây lao động chân tay đã là vi phạm luật pháp, thế mà còn ngang nhiên phá làng, phá xóm, chẳng coi ai ra gì. Đáng ngại nhất là họ kéo bè, kéo lũ sang đây lập khu phố Tàu. Tôi tin là Trung quốc đang áp dụng chiến thuật “tằm ăn dâu’’ đấy. Họ cứ dần dần đưa người sang đây buôn bán rồi ở lại luôn như họ đã làm trước đây tại tỉnh Shan ở mạn Bắc, giáp ranh biên giới Trung quốc”.
[Vào năm 2009, khi dân Trung Quốc kéo dần sang cư trú có hệ thống và tràn ngập tỉnh Shan, nhà nước Miến Điện đã ra quyết định bất ngờ tống xuất hầu hết số người này về lại Trung Quốc. Nhưng sau đó, chiến thuật “tằm ăn dâu” lại tiếp tục ở những tỉnh khác.]
Càng nghe chuyện Miến Điện, người Việt càng thấy quen thuộc, đặc biệt là đồng bào tại Tây Nguyên. Nền kinh tế Miến Điện còn kém xa Việt Nam, thế mà vẫn có những lãnh tụ dám nói “không” với Bắc Kinh như Tổng thống Thein Sein. Sức ép của Bắc Kinh lên đất nước Miến Điện chắc chắn còn nặng nề hơn đối với Việt Nam, thế mà vẫn có những tiếng nói công khai như Tỉnh trưởng tỉnh Kachin.
Đất nước Việt Nam anh hùng sao thế nhỉ?
daotaolaptop.com