Việc Bụi đời Chợ Lớn bị rò rỉ chưa chắc có hại cho chủ sở hữu bộ phim. |
Từ vụ việc trên, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đang được cộng đồng mạng bàn luận sôi nổi. Nếu bộ phim này bị người nào đó leak (làm rò rỉ) từ một phiên bản chưa hoàn chỉnh như lời đạo diễn Charlie Nguyễn và hãng phim thì hành vi bị xử lý như thế nào?
Theo một số chuyên gia pháp lý, hành vi này vi phạm Khoản 6 Điều 9 Nghị định 75/2010/NĐ-CP về hành vi “phổ biến phim thuộc loại cấm phổ biến” chứ không đủ dấu hiệu khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Trung Hiếu (Công ty LexNovum Lawyers, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định này chưa chính xác. Nếu chính Hãng phim trực tiếp “làm rò rỉ” phim này thì mới là đối tượng bị phạt theo quy định trên. Trong trường hợp một ai đó không phải chủ sở hữu quyền tác giả của bộ phim, không được sự cho phép của chủ sở hữu mà tự mình phổ biến một bộ phim chưa phổ biến, người đó sẽ phạm tội xâm phạm quyền tác giả theo Khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự. Theo quy định này, hành vi công bố, phổ biến bất hợp pháp một tác phẩm văn học, nghệ thuật gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Cạnh đó, khi bộ phim bị xâm phạm đã bị cấm chiếu, người phổ biến trái phép còn xâm hại thêm một khách thể khác là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xuất bản và phát hành văn hóa phẩm. “Vì vậy, người vi phạm còn có thể đồng thời bị truy cứu thêm một tội phạm khác, đó là tội Vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác quy định tại Điều 271 Bộ luật HÌNH SỰ Người nào phạm vào tội này sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”, luật sư Hiếu phân tích.
Sau khi bộ phim được phát tán rầm rộ trên mạng, Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng để tố cáo và đề nghị các cơ quan chức năng điều tra tìm ra tổ chức hoặc cá nhân nào đang đưa bộ phim Bụi đời Chợ Lớn ra công chúng thông qua trang Youtube và một số trang khác. Đại diện công ty này cho rằng đây là một hành động vi phạm pháp luật Viêt Nam và làm tổn hại đến uy tín cũng như kinh tế của các công ty tham gia sản xuất phim Bụi đời Chợ Lớn.
Theo công văn này, với tư cách là nhà phát hành phim, công ty Thiên Ngân đã tuân thủ chặt chẽ mọi quy trình phê duyệt phim theo Luật điện ảnh Việt Nam. Sau khi có quyết định cuối cùng của Cục điện ảnh liên quan đến việc cấm phát hành bộ phimBụi đời Chợ Lớn, công ty Thiên Ngân đã hoàn toàn tuân theo quyết đinh của Cuc điện ảnh và tuân thủ mọi quy định của Luật điện ảnh nói riêng cũng như các quy đinh khác của luật pháp Việt Nam.
Thiên Ngân khẳng định: “Bản phim Bụi đời Chợ Lớn đã được người phát tán cố tình gắn tên Galaxy (là tên giao dịch tiếng Anh của công ty phim Thiên Ngân), là sự vu khống trắng trợn. Đây là bản nháp đang trong quá trình chỉnh sửa , không phải bản hoàn chỉnh của bộ phim. Công ty cổ phần phim THIÊN NGÂN sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tìm ra cá nhân hoặc đơn vị nào đang vi phạm pháp luật khi đưa bản phim bụi đời chợ lớn lên trang Youtube và các trang khác”.
[justify]Theo một cán bộ ngành văn hóa, việc làm rò rỉ một phim có kinh phí lớn như trên là điều rất khó. Cán bộ này nhận định: “Hãng phim là một trong những ông trùm tại Việt Nam trong lĩnh vực phát hành phim thương mại mà hớ hênh như thế thì có vẻ hơi khó tin. Bộ phim đầu tư 16 tỉ mà bỏ không phát hành thì xót quá. Nếu đã bị cấm chiếu hoàn toàn thì chiêu "phổ biến lụi" này có vẻ lưỡng toàn kỳ mĩ. Hãng phim nói đây là bản nháp, chưa phải bản mang đi xin phép lại càng hay. Người xem biết bản đi xin phép bị cắt, nghe bản này tuy nháp nhưng là gốc nên ai cũng hăng hái xem. Sau này nếu có sửa luật, bộ phim được cho chiếu thì đạo diễn lại tuyên bố bản này hoàn chỉnh và đầy đủ âm thâm, đánh đấm thì người hâm mộ cũng vẫn hào hứng mua vé vào rạp. Như vậy, vụ Rò Rỉ này chưa chắc đã gây bất lợi “người bị hại”.[/justify] |