[size=2]Bốn năm liền, người đàn ông đi ăn xin đã dành dụm tiền để nuôi cô bé ăn học. Trong một lần túng bấn, ông đã đi ăn trộm để lấy tiền trang trải cho cô bé này, thật trớ trêu, người bị hại là mẹ của cô bé.[/size]
Vụ án diễn ra đã khá lâu, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa giờ chỉ còn nhớ mỗi tên bị cáo nhưng tình tiết trong vụ án thì ông không quên bởi đó là một câu chuyện cảm động, kết cục có hậu.
Theo lời kể của vị thẩm phán, câu chuyện đầy ân tình diễn ra tại một huyện nghèo ven sông Chu ở tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo ấy tên Thung, khoảng 50 tuổi. Năm 2004, khi đang ăn xin trong chợ, ông Thung nhìn thấy một phụ nữ từ tiệm vàng bước ra nên theo dõi. Lúc người phụ nữ mua rau, ông lén lấy trộm của nạn nhân hơn 2 triệu đồng. Định tẩu thoát nhưng ông vướng vào một em bé vấp ngã nên bị phát hiện, bắt giữ. Sau một tuần bị tạm giam, ông được hai người đến bảo lãnh. Thật ngạc nhiên, người bảo lãnh đó lại là nạn nhân và con gái bà.
Cũng từ đó, người bị hại kể ông Thung chính là ân nhân của con gái bà, gia đình bà. Ông chính là người bốn năm ròng lo cho con gái bà ăn học Đại học nên người…
Ông Thung không vợ con, thuê phòng trọ sống một mình. Năm 2000, Hà - con gái của nạn nhân đến trọ học cùng khu với ông. Ba của Hà không muốn cho con học hành lên cao vì quan điểm “con gái học làm gì cho nhiều” nên bắt về lo chuyện chồng con. Dù ham học và muốn thoát cảnh nghèo nhưng Hà đành chấp nhận. Ngày chuẩn bị thu dọn đồ về quê, Hà qua chào cha Thung (ở xóm trọ ai cũng gọi ông Thung là cha Thung) và khóc.
Hà khóc vì muốn được tiếp tục theo học nhưng không thể cãi lời ba và cũng không thể tự lo cho bản thân khi thiếu tiền chu cấp từ phía gia đình. Thương cô gái, ông đã bày ra kế: “Con về xin ba cho đi làm ăn xa vài năm kiếm tiền để về lấy chồng rồi tự đi học”.
Thấy cô gái băn khoăn, cha Thung trấn an: “Cha có tiền, cha lo được cho con mà”. Thế nhưng cô gái đã không dám nhận lời ngay vì cho rằng “chẳng có người dưng nào tốt với mình”.
Khi Hà bỏ học, ông Thung đã gặp ba cô gái. Không lay chuyển được định kiến của ba Hà, người đàn ông đi ăn xin quyết âm thầm hỗ trợ cho cô gái này.
Một ngày nọ, Hà đến trường, ông dúi vào tay cô bé một bọc tiền được gói ghém cẩn thận trong mảnh vải. Toàn tiền lẻ nhưng đồng nào cũng được vuốt thẳng. Ông nói đó là những đồng tiền từ tình thương người khác dành cho ông và ông muốn đem nó vào những việc làm có ích.
Kể câu chuyện, vị thẩm phán bảo, trong khi mẹ của Hà biết rõ sự tình, không dám nói ra thì ba của cô gái cứ tưởng con gái đi làm ăn xa để kiếm tiền lấy chồng. Và lần gặp trớ trêu trên đã khiến cha Thung chuẩn bị đứng trước bản án tù.
Trong thư gửi vị thẩm phán, Hà thống thiết mong tòa đừng xử tội cha Thung. Cô gái viết: “Ngày cha Thung trộm tiền của mẹ là ngày con chuẩn bị về thăm nhà. Cha nói sẽ gửi tiền cho con lấy vé xe. Con nói không cần nhưng cha lo con thiếu tiền và rồi cha phạm tội”. Trong thư Hà còn kể những ân tình cha Thung dành cho mình.
Dù tình cảnh đáng thương nhưng vị thẩm phán bảo với hành vi vi phạm trên không thể không truy tố trách nhiệm hình sự với Thung. Trước vành móng ngựa, bị cáo không hề nói vì muốn có tiền cho con ăn học mà một mực: “Vì tôi không dằn lòng nên nảy tham tà”. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tòa tuyên phạt Thung chín tháng tù treo về tội trộm cắp…
Hai ngày sau diễn ra vụ án, phòng làm việc của vị thẩm phán có tiếng gõ cửa. Ông Thung và Hà bước vào. Trong buổi trò chuyện hôm đó, ông Thung đã tự trách mình vì một phút nông nổi mà nổi lòng tham và làm trái với những lời mình từng dạy con “nghèo cho sạch…”. Nhưng ông cũng kể cho vị thẩm phán một tin vui, con nuôi của ông đã xin được về dạy tại trường miền núi, dù xa nhà, khó khăn, lương thấp nhưng sống bằng con chữ và ổn định.
Câu cuối cùng trước khi rời phòng vị thẩm phán ông Thung tâm sự: “Tôi sống dựa vào tình thương của người khác nên tôi đáp lại tình thương đó cho người cần nó”. Và câu nói của người đàn ông này, đến nay vị thẩm phán vẫn coi như một lẽ sống. Ở đời, sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình…
Theo lời kể, khi biết chuyện, ba của Hà đến cảm ơn cha Thung. Thế nhưng ông mừng không phải vì một lời cảm ơn của người cha này mà mừng vì hóa giải định kiến của một người cổ hủ.
Theo Pháp Luật TP HCM