1. Sáng mai Phạm đi. Huy tiễn Phạm được chứ?
Đấy là dòng chữ, thứ duy nhất liên quan tới Phạm mà tôi giữ được. Chưa bao giờ trong tôi có ý nghĩ cần phải giữ cái gì đó liên quan tới Phạm cho riêng mình. Bởi chẳng gì hiện hữu nhất, thật nhất, bằng chính Phạm. Mà điều ấy thì đã có câu trả lời. Nhà Phạm ngay cạnh nhà tôi, cách nhau mỗi bờ rào bằng hàng chè tàu. Trên lớp, Phạm ngồi cạnh tôi, cách nhau hai cái cặp bất đắc dĩ, vì gầm bàn hỏng. Tôi luôn nghĩ Phạm ở bên tôi, hay tôi ở bên Phạm, là kết quả của một trường phái nghệ thuật sắp đặt tự nhiên, vô hình. Vĩnh viễn.
Nếu như không có cái ngày…
Bàn tay búp măng thon thon quen hứng mưa và nhặt nắng chiều trên thung lũng vẫy vẫy qua cửa kính ố vàng, tôi biết, Phạm đã xa. Xa thật. Xa như nắng qua đèo. Ngày mai nắng sẽ lại lên. Nhưng nắng ngày mai có giống nắng chiều nay không? Tôi quay đầu. Không phải đi tìm câu trả lời. Ngẩn ngơ. Xe đổ dốc. Nghe văng vẳng giọng Phạm, nhè nhẹ như gió chiều thở qua vách núi mà sao như thảng thốt, như nằng nặng: “Huy chờ thư Phạm nhé!”
2. Mặt trời như cái mộc đóng mốc son đỏ au lên đỉnh núi phía cuối làng. Không cần chữ ký. Tôi vẫn tin. Vẫn biết. Chiều chuẩn bị tắt.
Tôi dắt xe lên lưng chừng dốc, định bụng về nhà ăn cơm, trùm chăn, cho mọi sự lăn vào ngăn ký ức, gói lại, và ngủ. Nhưng lẩn thẩn một hồi lại lạc ra bãi đá nơi bờ suối hồi nào không hay. Nhặt mấy viên sỏi ném lia thia. Những viên sỏi rời tay lao đi theo một đường căng, rồi nhảy lật đật trên mặt nước. Mặt nước chênh chao bởi nước bắn lên theo nhịp, thật đẹp. Và viên sỏi va vào bờ đá bên kia, chìm nghỉm.
Phạm đi. Phạm về phố. Phố có gì cơ chứ? Người ta đồn phố chỉ có nhà, xe máy, tắc đường và bụi. Không khí dưới ấy như cô lại, vón cục, phả vào người, ran rát. Nếu sống ở đấy lâu dài chắc phải cần đến ba hoặc bốn lá phổi mới có thể trụ được. Rồi ai cũng giống ai, khẩu trang, mắt kính, y như đội quân vào trận, hăm hở tranh nhau từng khúc đường, dù chỉ lọt nửa bánh xe.
Sao ai cũng về phía ấy? Phạm cũng đang nhảy, chấp chới. Phạm nhảy về phía tương lai, như lời bố mẹ Phạm hôm tối qua nhà chào gia đình tôi, nói thế. Liệu thành phố có cứng và sừng sững như vách đá bên bờ suối kia? Liệu Phạm có va vào mà kêu “á” và rớt cái “bủm” như viên sỏi tôi vừa ném. Không biết nữa. Nhưng chắc là không. Tôi tin dù ở đâu thì không một ai, không cái gì nỡ làm tổn thương một người như Phạm. Bởi Phạm thánh thiện quá, và cũng mong manh quá.
Một viên sỏi tôi ném bị lố tay lao ngay vào bụi rậm kề sát mặt suối. Nhìn theo. Tóe lửa. Không phải. Mà là một chùm bông trang lấp ló cười e lệ nhú xuống vách đá. Vậy là đã tới mùa hoa bông trang. Phạm lỗi hẹn với mùa bông trang rồi.
Cái ngày hái bông trang cho Phạm để dưới gầm bàn hay cắm trên bàn học, đã xa. Cái ngày kết bông trang cho Phạm đóng giả làm cô dâu, lại càng xa. Định bơi qua ngắt một chùm. Nhưng nghĩ chẳng để làm gì. Bên kia hàng chè tàu giờ là bà dì Phạm qua trông nhà giúp, chứ không phải Phạm nữa. Đành vậy. Để hoa thế. Đỏ nữa đi bông trang!
3. Phạm viết thư về, nói xin lỗi đã để tôi chờ thư lâu. Phạm bảo bận quá. Phải học cả ngày. Hết chính khóa đến học phụ đạo, qua phụ đạo là học thêm, học ngoại khóa, thực tế picnic, tham quan. Ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ chính còn thêm tiếng Trung nữa. Phạm bận tập giao lưu với bạn bè qua internet để tìm thông tin và học ngoại ngữ.
Phạm có cả thế giới trong nhà. Phạm bây giờ như một cái máy, thời khóa biểu như giây cót đã lên sẵn trước cả năm, cả tháng, thậm chí cả tương lai trước mặt, cứ vậy mà quay theo, không thể khác. May mà Phạm học thuộc dạng “đinh” nên vẫn theo kịp bạn bè dưới ấy.
Đọc thư thấy mừng cho Phạm. Vậy là Phạm đã thích nghi được với môi trường mới. Phạm là vậy mà. Tôi tin chứ. Mong manh đấy mà cũng giàu nội lực lắm đấy. Nhưng sao thấy buồn buồn. Liệu trong cả thế giới mà Phạm có trong nhà có những chiều hai đứa đi học về, thả dốc bụi mù mà vẫn cười ngắm hoa dại ven đường, hay gặp mưa ướt sũng mà thương cỏ may xao xác, dù người lạnh căm căm không?
Sao Phạm không nhắc tới mấy bài thơ tôi nhét vội vào ngăn ngoài balô khi đưa balô lên xe cho Phạm? Không lẽ bị rớt? Tôi nhớ là đã kéo khóa cẩn thận mà. Hay thơ tôi chẳng có gì đáng nói? Chỉ có vài vạt hoa dại, vài xâu nắng chiều hay trăng treo thung lũng buồn như tiếng chuông chùa cũ kỹ thẳm sâu u tịch. Vút lên và lặn vào thinh không. Tĩnh mịch.
4. Dần dần những lá thư của Phạm cũng như nước ở con suối vào mùa hạn, ít dần. Bà dì Phạm kêu: “Phạm nó về phố học mà rộc người đi, thương quá. Giá như cứ ở đây rồi cũng thành người, cứ hồn nhiên như cây cỏ có phải hơn không. Ai lại bắt tội con bé thế?”.
Tôi bảo: “Phạm xuống phố mới có điều kiện để tiến xa chứ ạ. Rồi Phạm còn phải đi du học nữa”. “Du học du hiếc gì chẳng biết. Nó cứ ở đây, học giỏi như anh rồi thì thi gì mà chẳng đậu”. Tôi nói với bà vậy nhưng vẫn nghĩ giá như Phạm và ba mẹ Phạm đều làm như bà nói thì sẽ tuyệt biết bao. Dù vẫn biết Phạm về thành phố là lựa chọn không thể tốt hơn cho tương lai.
Bà đưa cho tôi xem những bức ảnh Phạm gởi về. Ảnh Phạm giữa bạn bè, nô đùa; ảnh Phạm giữa gia đình quây quần; ảnh Phạm ngồi bên bàn học; ảnh Phạm đang lướt nét… Phải! Trông Phạm gầy hơn. Và thay đổi nhiều quá. Duy chỉ ánh mắt là vẫn vậy. Sáng. Trong. Một chút buồn. Một chút thôi. Như mang cả vầng trăng của thung lũng, mà có lần tôi đã nói với Phạm thế.
5. Rồi tôi cũng vào đại học. Cái ngày tôi đi cả thung lũng tiễn xuống chân dốc. Bà dì Phạm dí vào tay tôi địa chỉ gia đình Phạm, bảo xuống đấy, lớ ngớ có gì kêu cô chú và Phạm giúp đỡ. Bà thật như những người già miền sơn cước. Chiều ấy, nắng cũng đổ qua đèo tiễn bánh xe tôi đi.
Lần lữa mãi, tôi cũng tìm tới nhà Phạm. Cô chú vồ vập tôi như những người thân sau bao nhiêu năm gặp lại, giống như ở chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đang nóng lên bởi gây được sự chú ý của độc giả truyền hình. Cô mắng yêu: “Mới hai năm mà trông cháu ra dáng quá. Trông cái mặt ngang ngang như không biết sợ gì mà mắt lại thăm thẳm này, chỉ cần một hai tháng nữa bén hơi phố thì ối cô chết”.
Tôi cười ngượng nghịu. Thầm nghĩ, có quăng mình tới đâu rồi chắc cũng vậy. Phố thị ồn ào hay hải đảo xa xôi. Châu Phi nóng hổi hay Âu Châu lạnh lẽo, cũng vậy. Có chăng là bào mòn, xây xước lớp tế bào da. Còn thì mắt vẫn sẽ ánh mắt ấy. Tâm hồn vẫn tâm hồn ấy. Đặc quánh hơi thở phố núi. Rong rêu và bụi bặm. Khoáng đạt và trầm sâu.
Tôi như giọt nước cốt được chưng cất, chắt lọc từ nắng, mưa, gió, bão, hạn hán, lũ quét… cả mười tám năm trời nơi thung lũng. Vì vậy tôi thuộc về phố núi. Mãi mãi. Không thể khác. Dù mai đây tôi có dạt tới chân trời góc bể nào!
6. Ý nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi tiếng Phạm gọi tên tôi mừng rỡ. Phạm đi trên cầu thang xuống. Phạm mặc chiếc váy đầm trắng. Tôi mừng. Và thảng thốt. Phạm khác nhiều quá. Chiếc váy đầm trắng, nhưng sao tôi thấy không trắng như chiếc áo đồng phục hơi ngả màu vàng vì bụi đường phố núi năm nào. Duy có ánh mắt Phạm là vẫn vậy. Ánh mắt như mang cả vầng trăng của thung lũng.
Nhưng khi nghe Phạm nói Phạm đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ để đi du học nên không đưa tôi đi thăm thú, làm quen phố phường được thì tôi giật mình thật. Tôi không nghĩ là lời tiên đoán đùa với bà dì Phạm năm nào giờ thành hiện thực. Tôi thấy như mất một cái gì đó đã ấp ủ suốt hai năm, trong mình. Sâu lắm. Xa lắm. Không gọi được thành tên.
Ngày Phạm đi, chiếc Boeing cất cánh dưới chiều tà nhạt nắng. Nắng khô không khốc. Nóng bức. Nhưng trên máy bay có máy lạnh. Phạm sẽ không nóng. Tôi nghĩ ngớ ngẩn thế, hay nói đúng hơn là không nghĩ được gì khả dĩ hơn. Đầu trống rỗng.
Chắc lại phải hai năm nữa. Hai năm nữa lớp cử nhân tài năng của tôi mới được đi du học. Người đi như nắng qua đèo!