Dĩ nhiên là nếu có thể chữa Covid-19 bằng 1 nụ hôn, thế giới đã không có đến hơn 400.000 người tử vong vì đại dịch lần này rồi.
Chuyện xảy ra tại Ratlam, Madhya Pradesh (Ấn Độ). Theo ghi nhận của truyền thông Ấn Độ, một người đàn ông tại Ratlam tự xưng là "thánh Aslam Baba", có khả năng giải quyết virus corona chỉ bằng một nụ hôn lên bàn tay người bệnh.
Nhưng dĩ nhiên, nếu có thể diệt Covid-19 bằng một nụ hôn, thế giới hẳn đã không có đến hơn 400.000 người tử vong vì nó. Hệ quả là chẳng những không diệt được virus, người đàn ông này đã nhiễm bệnh và thiệt mạng, sau khi lây nhiễm cho 20 tín đồ của mình.
Người dân New Delhi dùng nước rửa tay nhằm ngăn ngừa khả năng virus lây lan
Theo Sở y tế Ấn Độ, "vị thánh" đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 3/6, và tử vong sau đó 1 ngày. Xét nghiệm thêm cho các tín đồ của "thánh", ít nhất 20 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính, bao gồm 7 thành viên trong gia đình ông.
Tờ Times of India ghi nhận, nhân viên xét nghiệm Ruchika Chouhan của sở y tế cảnh báo người dân không nên tin vào những thông tin sai lệch, nhất là trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới đang xảy ra. Ngoài ra, sở xác nhận có thêm 29 ca lây nhiễm liên quan đến các hoạt động mê tín dị đoan tương tự.
Tin vào các hành động mê tín dị đoan có thể gây thảm họa lây nhiễm (Ảnh minh họa)
Ấn Độ hiện tại có hơn 354.000 ca nhiễm, cùng gần 12.000 trường hợp tử vong (số liệu ngày 17/6). Những ca nhiễm đã tăng mạnh trên phạm vi cả nước sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, nhà hàng, cửa hiệu, đền thờ… tái mở cửa. Ước tính, mỗi ngày có cả chục ngàn ca nhiễm mới được xác nhận tại quốc gia này.
Mumbai, New Delhi và Chennai nằm trong số các thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất, khi các bệnh viện hiện đang chật kín người. Số ca thực tế được ước đoán còn cao hơn số liệu, bởi Ấn Độ đang thiếu hụt công cụ xét nghiệm. Dự tính, đỉnh lây nhiễm sẽ đạt tới ít nhất là vào cuối tháng 7.
Trước đó, thủ tướng Narendra Modi áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 10 tuần. Việc phong tỏa đã giúp họ kìm hãm được số ca nhiễm một cách đầy ấn tượng, nhưng đồng thời tạo ra cơn khủng hoảng về kinh tế và nhân đạo. Và giờ khi buộc phải gỡ phong tỏa, các chuyên gia cho rằng động thái này đã tới quá sớm.
"Chúng ta đang ngồi trên một quả bom nổ chậm," - bác sĩ Harjit Singh Bhatti, chủ tịch Diễn đàn Y học tiến bộ chia sẻ.
"Chỉ đến khi chính phủ tăng ngân sách dành cho chăm sóc y tế, mọi thứ sẽ không thay đổi. Rất nhiều người sẽ chết."