19h30 ngày 22/10, ông Nguyễn Viết Lập (65 tuổi, bố anh Việt Anh) đứng trên nắp bể gọi song không thấy con trai trả lời. Tìm kiếm bên trong, ông thấy con bất tỉnh nên hô hoán. Nạn nhân được đưa ra khỏi bể song chết ngay sau đó.
Gia đình cho biết 30 phút trước đó anh vẫn liên lạc với bố để chuyển dụng cụ xuống phục vụ việc thau rửa bể.
Bể nước đặt ngầm dưới nền phòng khách của gia đình ông Lập. Ảnh: Tất Định. |
Nhà ông Lập cao 4 tầng, thiết kế bể nước ngầm diện tích 15 m2, sâu 2,5 m. Phần miệng bể rộng chừng một mét vuông, đậy kín.
Hai tuần trước, do nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải, gia đình ông Lập nằm trong khu vực ảnh hưởng nên được khuyến cáo súc xả bể nước. Vì thế, lần đầu tiên sau gần 5 năm sử dụng bể, bố con Lập cùng nhau thau rửa.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở các quận huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.
Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình). Dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Sự việc được một số cán bộ công ty phát hiện sáng 9/10, nhưng không báo cáo cơ quan chức năng, không ngăn chặn ô nhiễm.
Ngày 15/10, Hà Nội họp báo cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Cuộc sống của 250.000 hộ dân dùng nước sông Đà bị đảo lộn.
Ngày 22/10, Hà Nội công bố "nước sông Đà có thể ăn uống".