(VTC News) - Người đẹp của âm nhạc Việt Nam một thời Ái Vân lần đầu tiên cho ra mắt album DVD trên đất mẹ. Album Hoa hồng Ký ức được bắt nguồn từ cảm xúc của người đàn bà đẹp này mỗi lần đặt chân lên mảnh đất Hà Nội chứa nhiều kỷ niệm vui buồn đã đi qua của chị.
Cuộc ra mắt album của Ái Vân có thể rất đặc biệt bởi lẽ nhân vật chính của sản phẩm âm nhạc này lại vắng mặt sau một thời gian dài vất vả trên từng cây số để hoàn thành nó.
Bìa Album Hoa hồng ký ức của Ái Vân |
Hiện tại, Ái Vân đang cùng gia đình sống tại California nên trong buổi ra mắt, chị gửi một bức thư về và kể lại những vất vả cũng như cảm xúc khi thực hiện album. Ái Vân cho biết, những clip trong album này được quay đi quay lại vài lần, có lúc cả ngày đội nắng, có lúc ngâm mình trong nước lạnh. Nhưng Ái Vân vui vì dường như chị được sống lại nhiều năm trước, của thời thiếu nữ được đi dọc đất nước để hát cùng đồng nghiệp.
Giúp chị thực hiện buổi ra mắt này là những bạn bè thân thiết của chị trong đó có nhạc sĩ Thụy Kha, NSND Quang Thọ, Giáo sư Nguyễn Lân Cường, nghệ sỹ Mạnh Hà, nhà giáo Thế Hùng….
Ái Vân gọi điện từ Mỹ về chào mọi người, bạn bè và báo giới, cảm ơn đã giúp chị có một cuộc ra mắt thật ấm cúng. Những câu nói cảm động của chị qua chiếc máy điện thoại không đủ lớn để tất cả mọi người cùng nghe thấy nhưng tất cả đều có cảm giác chị đang thật gần.
10 ca khúc của Hoa hồng Ký ức được Ái Vân xâu chuỗi bằng những lời tự sự được phân bổ khắp album, những câu chuyện vụn vặt về gia đình, bè bạn và đời ca sĩ. Chị bắt đầu câu chuyện ký ức của mình bằng Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, là phố Huế - nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi có người cha 9 năm liền đưa con gái đi học ở nhạc viện Ô Chợ Dừa bằng chiếc xe đạp, có em gái Ái Xuân, có người mẹ luôn ủng hộ chị trên con đường nghệ thuật.
Rồi đến ca khúc Triệu bông hồng nhạc Nga, lời Việt của Trung Kiên. Ca khúc này đã gắn bó với Ái Vân. Đồng thời đưa chị lên đỉnh cao và nhận được rất nhiều sự ái mộ. Hình ảnh trong clip là hình ảnh chị biểu diễn ca khúc này năm 2002 tại Cung Hữu nghị Việt Xô sau 12 năm xa lìa sân khấu nước nhà.
Bên cạnh đó, ký ức đẹp của Ái Vân được kể bằng Bảy ngày đợi mong (Trần Thiện Thanh), Ngậm ngùi (Phạm Duy, thơ Huy Cận) Ai ra xứ Huế, Đêm ả đào (Phú Quang), Tình cầm (Phạm Duy, thơ Hoàng Cầm), Dạ cổ hoài lang (Cao Văn Lầu)… Mỗi ca khúc một tâm trạng, ngậm ngùi, khắc khoải, đớn đau, mơ hồ và nhiều nữa những trải nghiệm day dứt…
Tại cuộc trò chuyện ra mắt album, bạn bè Ái Vân đã sẻ chia nhiều điều về cuộc đời bể dâu của chị, về những tháng năm đi diễn cùng, về cuộc ra đi đầy sóng gió, và nhiều kỷ niệm riêng tư khác nữa.
GS Nguyễn Lân Cường đã rơi nước mắt khi nhắc đến những kỷ niệm về chị. Đối với ông, Ái Vân vẫn luôn khiêm nhường, xinh đẹp và hòa đồng. Ông nhớ khi bỏ sang Đức, Ái Vân đã viết thư về nói rằng vì chuyện gia đình mà Vân phải ra đi. Trong lòng cô, luôn có chỗ cho quê hương, gia đình và bè bạn.
Nghệ sỹ Mạnh Hà, người đã hoạt động cùng đoàn với Ái Vân từ năm 1979 đến năm 1990 chia sẻ: "Trời cho Vân sắc còn giọng hát không phải thuộc dạng hiếm. Nhưng chị luôn cố gắng để khẳng định mình với sự đam mê tột độ. Cho đến nay, đã qua cái tuổi ngũ tuần, người đàn bà này vẫn giữ được cái bản sắc của mình trong khi vô số ca sĩ đã đánh mất cái tôi trong chuyến đi của nghệ thuật đầy nghiệt ngã".
Ông cũng tỏ ra khâm phục Ái Vân khi chị sống giữa một môi trường phức tạp, nhiều cám dỗ vẫn giữ được mình. Ông nhớ những tháng năm Ái Vân cùng đoàn đi dọc đất nước để biểu diễn. Chị đã cùng con nằm ngủ trên những téc xăng mà vẫn đam mê hát lạ thường. Thời ấy, khí phách của đất nước đã tỏa lan đến từng con người, ngấm vào thớ thịt từng người để họ sẵn sàng sống vì đam mê, vì hai chữ tổ quốc thật cuồng nhiệt.
Tất cả mọi người đều nhớ đến lúc Ái Vân phải đối mặt với cái chết khi biết mình mắc bệnh ung thư rồi vượt qua nó như thế nào. Lúc ấy, Vân hoang mang, sợ hãi nhưng rồi trời đã thương phận sắc hoa đẹp nên đã giúp chị vượt qua cái đận ấy một cách diệu kỳ.
Cho đến nay, mọi dư ảnh buồn đau cũng như những ký ức đẹp đẽ đã ngủ yên trong trái tim của bạn bè, người thân, công chúng và cả Ái Vân nữa, cũng có thể tạm thở phào vì sóng gió không còn đè lên chị. Kẻ hồng nhan đã không còn kể câu chuyện bạc mệnh nữa!
NSND Quang Thọ lại nhớ về những năm 1972, khi ấy, Ái Vân vừa đóng xong bộ phim Chị Nhung với tư cách là kép chính. Cánh bộ đội của ta, anh nào cũng có ảnh của chị Nhung (là Ái Vân) chứ không phải là hình một cô gái dễ thương nào đó.
Lúc đó, họ còn đổi ảnh của Ái Vân để lấy gà, lấy đồ ăn. Hẳn là hình ảnh của Ái Vân đã trở thành kỷ niệm đẹp dẽ của không biết bao nhiêu người của một thế hệ.
Trần Lê