Ngôn ngữ @ ban đầu chỉ là cách biến đổi chữ cái học theo các web nước ngoài. Chẳng hạn, số 4 là cách viết tắt cho chữ for, four từ đó suy ra các chữ khác 4ever tức forever (mãi mãi), cũng là từ forever nhưng cũng có thể viết for3v3r bởi 3 viết tắt cho chữ e.
Một đoạn chát minh hoạ
Không chỉ bắt chước các cư dân mạng Việt Nam còn làm đa dạng ngôn ngữ @ bằng cách thay thế chữ cái trong tiếng Việt bằng con số và chữ khác theo hình dáng: chữ A trông hơi giống số 4, chữ I thay bằng J… Ngôn ngữ biến dạng dần, thay đổi từng chi tiết của các chữ cái Việt, thậm chí kể cả dấu câu và cách đặt dấu câu.
Ví dụ:
4nh o? da^y giu*a~ d0‘ng -do*j‘ la.c l0ng~… ng0n’g ch0*‘ aj -da~ ba0 la^n‘ fu. ba.c… Ha^n ngu*o*i‘ Kja Nhu*ng Sa0 L0n‘g H0k the^?.. A^n Tjn‘h Naj‘ Tho^y Hen. Nhau Kiep’ Kha’c…M0^ng Hem Tha‘nh th0^y -Danh‘ Que^n –Dj
(Dịch là: Anh ở đây giữa dòng đời lạc lõng, ngóng chờ ai đã bao lần phụ bạc, hận người kia nhưng sao lòng không thể, ân tình này thôi hẹn nhau kiếp khác, mộng không thành thôi đành quên đi).
Để đọc và hiểu được ngôn ngữ của thế hệ @, hầu hết những người bình thường phải vất vả khi phải vận dụng toàn bộ khối óc để tưởng tượng, suy ngẫm, phân tích… Nhưng chưa dừng lại ở đây. Ngôn ngữ @ đã là chuyện của năm 2007 trở về trước, còn năm 2008 này, cư dân mạng đã "cải tiến" ngôn ngữ @ để cho ra đời một loại ngôn ngữ @ “phiên bản” 2 hay còn gọi là… mật mã @.
Ví dụ:
][(¬Cl¥ ]_µ(' ][Cl¥' ])Cl¥ PvF_ (Cl/v? ††|Cl¥' /v]][†|` 3Cl†' ]_µ( , ¥F_µ' ])µº]',††|]F_µ' 3Cl][? ]_]][†|~ ]<†|] ]<†|º][(¬ ††|F_? ]_º ]_Cl][(¬'(†|ºF_/v][†|µ][(¬µº]`]<†|Cl('.
(Dịch là: Ngay lúc này đây, cảm thấy mình bất lực, yếu đuối, thiếu bản lĩnh khi không thể lo lắng cho em như người khác, không thể ở bên cạnh để an ủi em, lo lắng cho em mỗi ngày, chỉ còn biết viết entry, tất cả niềm tin đều đặt vào những entry như thế này).
Đến đây, ngôn ngữ @ đã tiến xa đến mức mật mã. Cách viết cũng không khó nếu biết quy luật. Để gõ các ký tự mật mã trên có thể dùng tổ hợp phím Alt và số ở bảng Num Lock (phải bật sáng đèn Num Lock) hoặc dùng tính năng Insert Symbol trong Microsoft Word. Sử dụng dấu câu (nếu cần) sau mỗi từ. Chẳng hạn để gõ ký tự T và U phải gõ Alt+0134 và Alt+230 kết quả sẽ hiện lên những mật mã † và µ. Viết được đã khó còn để hiểu được môt đoạn văn ngắn cũng tương đương dịch… ngoại ngữ.
Xin đừng làm tiếng Việt đau!
Việc kiểm soát nội dung của các trang mạng hay blog cá nhân đã là việc bất khả thi, cách duy nhất là trông chờ vào sự tự ý thức của những người sinh hoạt trên mạng.
Về bản chất, ngôn ngữ @ cũng chỉ là một thứ “mốt” của thế hệ cư dân mạng vốn rất năng động và nhạy cảm với những xu hướng mới. Cư dân mạng viết ngôn ngữ @ chủ yếu nhằm làm đẹp, làm sinh động các trang viết trên thế giới ảo chứ không ai lại viết ngôn ngữ @ vào các trang viết ngoài cuộc sống. Song thỉnh thoảng, cư dân mạng lại “xôn xao” với những bài văn của các học sinh tuổi teen như bài văn của một học sinh lớp 10 trường Marie Curie (Hà Nội).
Bài văn lạ của bạn học sinh lớp 10 trường Marie Curie (Hà Nội).
“…Trọng Thủyrút trong túi ra 2 tờ polime 2 lít (2ook vờ nờ đờ VND) giúi vào tay mỗi con rùa 1 tờ… 2 chú rùa làm bộ: "Chú cứ wan trọng hóa vấn đề, ko có thì bảo 2 anh 1 câu chứ cần zì fai thế nài =.=' Thôi chú vào đi, cần zì cứ pm 2 anh nhớ :x"….”“…Long Vương nói: "Người đi tới hành lang bên kia, đâm thẳng xuyên thủng, rẽ lung tung, cứ thế là tới được room of Mỵ Châu" (:)<-)…”
Ngoài ra, cách viết trên mạng cũng ngầm ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt và viết đúng ngữ pháp chuẩn tiếng Việt. Hậu quả là năm nào trong các bài thi đại học (nhất là ở khối C) cũng có nhiều bài viết “kinh hoàng” dở khóc dở cười.
Trong bài thi đại học môn văn, cuộc tình của Mị (trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài) được một thí sinh viết lại như một câu chuyện thời hiện đại: “Mị đẹp hơn ai hết nên rất nhiều bồ. Một hôm trời đẹp ơi là đẹp, Mị được một cậu ấm họ Lí tên là Phá Sa con ông tá điền giàu có đeo được chiếc nhẫn kim cương vào tai và cuối cùng Mị đành vui vẻ nhận và theo về nhà làm vợ luôn. Từ đó Mị sống khổ lắm như là con ngựa nuôi trong xó bếp không ai thèm dòm tới nữa Mị đã tàn đời…”.
Tệ hơn nữa, thứ ngôn ngữ tưởng chừng chỉ để vui vẻ và thư giãn trong thế giới ảo lại bị các bạn tuổi teen lạm dụng một cách thái quá khi giao tiếp. Quen miệng khi nói chuyện và kết quả là làm nảy sinh một số phiền toái đó là hai bên không hiểu nhau dù cùng là người Việt. Như Minh Nhung (sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội) kể đã từng bị mẹ mắng khi nói: “Mẹ cho con năm mươi ka (50K tức năm mươi nghìn) nộp quỹ lớp”.
Ngôn ngữ theo thời gian không bao giờ đứng yên. Có nhiều cách để sáng tạo làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú nhưng không phải bằng cách làm biến dạng ngôn ngữ để tiếng Việt trở nên khó hiểu, xa lạ với chính người Việt.
Trần Hoàng Hoàng
Úi Giờ Ơi. Nhiều Blog Mình Ghé Qua. Mình Đọc Còn Ko Được. Hix Mong Các Teen Viết Chữ Lại Cho Em Và Những Người Khác Còn Đọc Nữa Nhé
Nguồn : Vtc