Vì khá cầu kỳ nên chả nướng thường được người dân trong vùng dành làm trong dịp giỗ chạp, lễ tết. Chả được làm bằng thịt nạc vai heo. Thịt sau khi luộc vừa chín tới, cắt lát mỏng ướp cùng hành tím, tỏi đã được thái lát, phi thơm dậy mùi. Sau đó, thịt heo được cho vào tô lớn, đánh tan cùng trứng vịt, tiêu hạt, nước mắm ngon và hạt nêm. Để nướng chả bạn tôi “nằng nặc” dùng nồi gang và nướng trên than hồng vì theo anh nồi gang giữ nhiệt lâu giúp cho chả chín tận bên trong mà vẫn giữ được vị thơm béo của cả ổ chả. Sau khi nguyên liệu đã được chuẩn bị, dầu ăn được phết lên lớp lá chuối lót kín đáy nồi, hỗn hợp trứng thịt được trút vào chảo gang lắc đều trộn lẫn, sau đó cho một lớp lòng đỏ trứng vịt tráng lên trên mặt. Nhờ lớp lá chuối, miếng chả nướng vừa dễ lấy ra khỏi khuôn vừa quyện mùi lá chuối thơm lạ. Chả nướng chợ Gạo đúng điệu phải được nướng bằng than. Bởi vậy, công canh chả được tính luôn vào những yếu tố làm nên món chả này. Canh bếp lửa khoảng nửa giờ, thấy chả khô mặt, dùng đầu đũa xăm thấy không dính là chín.
Vị trứng beo béo, thịt nạc vai ngọt dai hòa trong vị the nồng rau sống giòn lạ, thơm tho khiến thực khách ăn mãi không thôi.
Chả chín lấy ra khỏi khuôn, cắt miếng ăn kèm rau thơm, bánh tráng cùng nước mắm chua ngọt. Để ngon mắt và thuận tiện, người vùng này còn chọn cách dùng bánh tráng cuốn rau sống, xà lách thành từng cuộn khoảng 5cm, ăn cùng chả nướng. Vị trứng beo béo, thịt nạc vai ngọt dai hòa trong vị the nồng rau sống giòn lạ, thơm tho khiến thực khách ăn mãi không thôi.
Khi có cơ hội thưởng thức món đặc sản do chính những người dân nơi đây thực hiện, tôi đã nhanh chóng bị mê hoặc và nghĩ rằng mình phải mang những cảm nhận vị giác tuyệt vời này đến thực khách. Và như mọi lần tôi vẫn cho phép mình được thay đổi đôi chút nhưng luôn “cố ý” không thay đổi “bản gốc” hương vị để làm sao đem cái hồn của ẩm thực địa phương đến thật gần với thực khách. Ví dụ như món chả nướng Chợ Gạo, về bản chất món chả nướng không thay đổi nhiều về vị mà được tôi cải tiến thêm về cách thức chế biến, trang trí để trở nên tiện lợi hơn với nhịp sống phố thị.
Tôi nghĩ làm nghề gì cũng cần học hỏi từ những người mình có cơ hội tiếp xúc, tôi luôn tìm hiểu những đặc điểm ẩm thực vùng miền để từ đó có thể phối hợp nguyên liệu, sáng tạo nên những món ăn mới.
[/justify]
Theo Đỗ Quang Long (Món ngon Việt Nam)