Nghi án vợ con Hoàng tử Cảnh thông dâm với nhau được coi là vụ loạn luân chấn động nhất trong lịch sử triều Nguyễn.
Cái chết sớm của người cha và nghi án vợ con thông dâm
Hoàng tử Cảnh của nhà Nguyễn (Nguyễn Phúc Cảnh, 1780 – 1801) là một người có số phận bi kịch, khi mới 3 tuổi đã bị đưa sang Pháp làm con tin, ngoài 20 tuổi đã bị bệnh đậu mùa mà mất sớm. Hoàng tử Cảnh kết duyên với Tống Thị Quyên, sinh được 2 con trai là Mỹ Đường (còn có tên khác là Đán) và Mỹ Thùy.
Chân dung Hoàng tử Cảnh. Ảnh minh họa
Sau khi hoàng tử Cảnh mất, vua Gia Long trì hoãn khá lâu việc lập thái tử mới. Về người kế vị, quần thần nhiều người ủng hộ hoàng tử Đảm (hoàng tử thứ tư và là người con trai lớn nhất của Gia Long còn sống) vì Đảm vừa tài năng vừa lớn tuổi. Số khác ủng hộ hoàng tôn Đán (tức Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con trai cả của hoàng tử Cảnh) vì chính danh dòng trưởng, vả lại hoàng tử Cảnh có công lặn lội vì hoàng triều, nay mất sớm thì ngôi thái tử nên để người con thừa kế. Cuối cùng, hoàng tử Đảm được lựa chọn và trở thành vua Minh Mạng. Có người cho rằng chỉ vì từng là “ứng cử viên” cho ngôi vua và có thể bị lợi dụng làm con bài chống lại ngai vàng của Minh Mạng mà Mỹ Đường và gia tộc của mình mới phải chịu đau khổ nhiều đến thế.
5 năm sau khi Minh Mạng lên ngôi (năm 1824), có người mật cáo với vua rằng vợ góa của hoàng tử Cảnh và con trai cả thông dâm với nhau. Sách Đại Nam thực lục ghi: “Trước có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem việc tâu kín. Vua sai bắt Thị Quyên giao cho Lê Văn Duyệt dìm chết mà cấm Mỹ Đường không được chầu hầu”.
Việt sử giai thoại cho rằng: Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn được yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tột thất đức là thông dâm với mẹ.
Đại Nam chính biên liệt truyện ghi lại: Vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị. Vua Minh Mạng đã sai tướng Lê Văn Duyệt dìm nước chết Tống thị, còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín và dây thao, đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân và chết trong nghèo khó.
Thực hư vợ con của Hoàng tử Cảnh thông dâm với nhau?
Khi có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ là Tống Thị Quyên. Vua Minh Mạng đã rất giận dữ, lệnh: “Hành vi của chúng còn hơn chó lợn. Mụ đàn bà lăng loàn ấy, đáng phải bị dìm chết. Ngươi hãy thi hành ngay lệnh của ta. Còn Mỹ Đường, ta nể tình anh trai mà tha cho nó, nhưng từ nay, ta không muốn nhìn thấy nó nữa”.
Theo một số tài liệu khác thì để thực thi lệnh của nhà vua, Hoàng thái phi Tống Thị Quyên bị mấy tên lính canh áp giải dẫn đi trong bộ dạng tóc tai rũ rượi.
Bà bị giam trong 1 phòng riêng, không bị xiềng xích, được ăn uống đầy đủ, có giường nệm tử tế, có nước tắm rửa và bô để đi đại tiểu tiện. Thế nhưng, bà hết sức đau khổ vì bị buộc tội thông dâm với con ruột.
Bà không được bày tỏ kêu oan, mà chỉ có mỗi một việc phải thừa nhận tội lỗi của mình, để rồi sau đó, bị “xử” dìm nước cho chết.
Sau khi bị kết tội thông dâm với mẹ đẻ, Mỹ Đường bị gạch tên trong sổ hoàng tộc, bị giáng làm thứ dân, con cháu chỉ được ghi chép phụ phía sau sổ tôn thất.
Thực hư vụ án Mỹ Đường - Tống Thị Quyên, đến nay vẫn có nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng nói Minh Mạng vu oan cho chị dâu và cháu để triệt hạ dòng trưởng, bảo đảm ngai vàng cho mình là không đúng, vì ông lên ngôi đường đường chính chính theo lựa chọn của Gia Long. Vả lại sau 5 năm ngồi trên ngai vàng, địa vị của ông đã quá vững trong khi những thế lực ủng hộ Mỹ Đường nối ngôi đã bị tiêu diệt. Hơn nưã, một số nhà nghiên cứu phân tích rằng việc hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) lên ngôi là do sự quyết định của vua Gia Long chứ không phải do mưu mô, giành giật mà chiếm được ngai vàng.
Chân dung Tống Thị Quyên. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, một quan điểm được nhiều người ủng hộ, đó là vua Minh Mạng đã dựng lên vụ án loạn luân để loại bỏ Mỹ Đường – người có thể sẽ tìm cách dành lại ngôi vua, đồng thời là chỗ dựa về chính trị của một số triều thần chống đối.
Mặt khác, với tính cách “ghê gớm” của Minh Mạng thì việc trừ hậu họa vẫn không phải là thừa, bởi những kẻ phiến loạn có thể lấy cớ phục hồi ngai vàng cho dòng trưởng để chống lại ông (và quả thật vào năm 1833, Lê Văn Khôi đã dùng chiêu bài tôn phò hoàng tôn Mỹ Đường để nổi loạn). Không có cớ gì để triệt hạ con cháu anh cả, Minh Mạng phải dựng nên vụ án loạn luân này để lấy lý do tế nhịn mà giải quyết êm thấm trong nội bộ hoàng gia, đỡ bị bàn tán. Người ta cho rằng, nếu như không phải là cháu đích tôn của Gia Long thì Mỹ Đường và con cháu đã được yên ấm trong vinh hoa phú quý, mẹ ông đã không phải chết thảm và mất hết danh dự như thế.
Tuy nhiên, đâu là sự thật thì cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Và vụ án thông dâm giữa vợ và con hoàng tử Cảnh vẫn là một trong những nghi án bí ẩn bậc nhất triều Nguyễn.