Người mẫu - ca sĩ Nathan Lee |
Lee đi hát từ khi còn nhỏ và luôn biết rằng mình muốn theo đuổi con đường ca hát, công việc người mẫu đến với Lee một cách tình cờ và Lee đã nắm bắt được tất cả những cơ hội có thể. Bây giờ là thời gian để Lee chinh phục mọi người bằng niềm đam mê thật sự của mình.
Định hướng cho âm nhạc của anh sẽ là gì? Anh có thể bật mí một vài chi tiết về album đầu tay sắp phát hành vào đầu năm nay không?
Album đầu tay sẽ mang âm hưởng pop US pha trộn pop Châu Âu, rất tình cảm. Lee sáng tác 12 ca khúc trong album bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, bài còn lại là một ca khúc Việt bất hủ mà Lee làm mới với phần nhạc phối tại Paris bởi nhóm 3nity. Lee tin rằng album mới sẽ mang lại sự khác biệt thú vị. Dự định tháng 3 tới albmum sẽ phát hành. Lee rất kỹ càng trong việc biên tập ca khúc cũng như phần hòa âm phối khí, hy vọng mọi người sẽ đón nhận đứa con tinh thần mà Lee đã chăm sóc bấy lâu nay.
Có điểm mới lạ trong album ra mắt kỳ này là bộ hình nude mà Lee sẽ chụp kèm theo, tất nhiên, nude nghệ thuật, đẹp, bảo đảm đúng tiêu chuẩn thẩm mỹ, không phản cảm mà sở văn hóa thông tin yêu cầu. Bộ ảnh này không hề có 'ý đồ' nào khác ngoài sự phù hợp với nội dung album.
Anh có thể sơ lược về quá trình sinh sống tại Mỹ và thành danh trên sàn người mẫu quốc tế hay không, trước khi quyết định thành ca sĩ?
Tôi bắt đầu nghề người mẫu năm 17 tuổi, khi đó tôi là một trong vài người mẫu châu Á tại Paris và là người mẫu gốc việt duy nhất. Công ty mẹ của Lee thời điểm đó là Click model management đã cho Lee nhiều cơ hội. Với hợp đồng độc quyền cho Click tại Paris, Lee cũng ký hợp đồng với nhiều công ty khác như Future tại Milan, Wilhemina tại New York, Select tại London… sau khi Click ngưng hoạt động tại Paris thì Lee ký hợp đồng với Elite Model Management.
Tôi chưa có một giải thưởng quốc tế nào cũng đơn giản vì thị trường người mẫu ở nước ngoài không hề đánh giá người mẫu bằng giải thưởng mà bằng số lượng công việc mà người mẫu đoạt được, cũng như uy tín của công ty mẹ. Có những cuộc thi dành cho người mẫu như Ford supermodels of the world hay Elite Model look để khám phá ra người mẫu nhưng Lee không cần tham gia vì đã có công ty đại diện rồi, hơn nữa, những cuộc thi đó chỉ dành cho người mẫu nữ.
Anh nghĩ gì và có so sánh gì giữa sân chơi người mẫu quốc tế và sân chơi người mẫu Việt Nam, về 3 khía cạnh: độ chuyên nghiệp, cường độ làm việc và tính đào thải?
Thị trường thời trang ở Việt Nam đang ngày càng phong phú và các bạn người mẫu cũng có nhiều đất chơi hơn. Có lẽ là không nên so sánh vì sự chênh lệch rất lớn và khác biệt, thị trường chúng ta còn trẻ so với quốc tế. Người mẫu ở ta thì rất có tâm huyết với nghề, ngoại hình đẹp, cách làm việc chuyên nghiệp nhưng môi trường ở đây theo Lee nhận thấy thì khá dễ dàng, khách hàng đòi hỏi không quá khắt khe và các người mẫu rất dễ thành sao.
Tôi chỉ cần nói thế này cho dễ hình dung. Ở Paris chẳng hạn, người mẫu nữ có hơn chục ngàn người, đến từ khắp thế giới và họ phải di chuyển liên tục, từ nước này qua nước khác, chiều cao tối thiểu để diễn show là 1m78, phải nặng dưới 50kg và vòng 3 phải nhỏ hơn 90cm. Thông thường, đến 24 tuổi, họ đã trở thành 'hàng quá đát' và phải bỏ nghề, họ phải ăn kiêng kinh khủng, tập thể dục 4 tiếng một ngày, họ phải làm việc từ sớm đến tối trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt vì khách hàng (designer, editor.. ) luôn có những ý tưởng 'quái chiêu' cho mỗi buổi chụp hình hay trình diễn.
Không hề có chuyện người mẫu đòi chụp hình sau 12h trưa (vì ngủ chưa dậy) hay phải có người make up riêng, làm tóc riêng…. Ở nước ngoài, ngay cả top model thì cũng phải làm theo yêu cầu khách hàng, và phải chuyên nghiệp. Người mẫu không phải là tâm điểm của sự chú ý, trang phục họ mặc, sản phẩm họ giới thiệu mới chính là 'sao'.
Khi mới về Việt Nam, tôi nhận được nhiều lời chê từ bạn bè, đơn giản vì tôi luôn mặc áo ba lỗ với quần jean, ở nước ngoài, đó là trang phục hằng ngày của người mẫu mỗi khi đi gặp khách hàng, ở Sài Gòn, trang phục đó lại càng phù hợp với thời tiết nóng ấm. Nhưng tôi cũng có thể nhận ra bộ trang phục đó hơi 'phản cảm' trong con mắt người Việt Nam. Đó là sự khác biệt về văn hóa của từng quốc gia. Thế nên, tôi luôn cố gắng xuất hiện trong những bộ đồ lịch sự, đơn giản, tùy từng hoàn cảnh. Tất nhiên là nó vẫn thoải mái và giữ được cá tính của Lee. Tôi hay mặc trên sân khấu vest phá cách, lịch lãm và tinh nghịch. Thời gian gần đây, tôi bắt đầu diện trang phục do chị Mỹ Lệ thiết kế nữa.
Còn về những bí quyết tập luyện về hình thể của anh? Anh có thể bật mí cụ thể về công thức ăn uống cũng như hình thức tập luyện của anh?
Tôi đi bơi khi có thể, không hề ăn kiêng, Lee ăn gấp 2-3 lần người khác nhưng vì có thể 'burn' calories khá nhanh nên không bị mập. Ăn nhiều và Lee rất thích ăn, nhất là trái cây. Tuy nhiên, rượu và thuốc là thì Lee tránh xa.
Anh có thể cho chút ý kiến và bật mí một vài khía cạnh tình cảm trong tâm hồn những người nghệ sĩ hay không?
Trong cuộc sống, để tìm cho mình những người bạn tri kỷ cũng như tình yêu đích thực là điều không đơn giản. Lee sống nghệ sĩ, tình cảm, may mắn là có một gia đình yêu thương mình, những người bạn đồng hành luôn chia sẻ trong mọi hoàn cảnh, luôn thẳng thắn và giúp đỡ mình mỗi khi cần thiết và đối với họ Lee cũng vậy. Nghệ sĩ cũng như người thường thôi.
Gần đây nhất chính là sự ầm ĩ của vụ kiện tụng giữa Thanh Bạch, Mỹ Lệ, Thu Minh với tạp chí Mốt. Vậy theo anh, một người đã sống ở Mỹ và khá quen thuộc với những giải thưởng “không hay ho” kiểu này thì anh có nhận xét gì về danh hiệu “Ăn mặc phản cảm nhất” mà tạp chí Mốt trao cho 3 người nói trên?
Tôi nghĩ rằng nếu từ phản cảm đến từ phía khán giả thì đáng báo động. Chứ đến từ một cách nhìn không khách quan của một số người thì có vẻ nó không có giá trị. Mình không thể so sánh giải thưởng này ở nước ngoài vì thỉnh thoảng các tạp chí lá cải cũng đưa ra giải thưởng này nhưng họ không trao giải cả năm mà theo từng bộ đồ mà các ngôi sao mặc, kèm hình ảnh chứng minh và phân tích tại sao nó xấu. Mà cũng không thể so sánh thị trường giải trí trong nước và quốc tế. Ca sĩ nước ngoài họ có cả một ê kíp chuyên nghiệp tư vấn về hình ảnh chứ đâu phải tự vác vải đi may như ở Việt Nam.
Lee cũng hơi băn khoăn về cách bình chọn của những người mạnh dạn trao giải phản cảm cho người khác. Vì ngay cả những nhà thiết kế hàng đầu thế giới cũng biết rằng thời trang có những trường phái khác nhau, không thể định nghĩa được cái đẹp vì nó thay đổi theo thời gian. Nhất là trong lĩnh vực thời trang, cánh nhìn mỗi người mỗi khác. Từ phản cảm là một từ quá nặng nề và trong thời điểm mà thị trường nghệ thuật lẫn thời trang Việt đang phải cố gắng vươn lên rất nhiều thì những việc bội nhọ nhau là không nên.