Với cách nói chuyện ngông nghênh, trịch thượng của vợ chồng vị sếp cũ kia, nhiều người cho rằng họ không biết ai mới là người nợ tiền "khó đòi" trong tình huống trên.
Đi đòi nợ mà như ăn xin là cảm giác như thế nào?
Tiền là tiền của mình, do công sức mình làm ra, không được tiêu, không được giữ, không có lãi mà lại còn phải đòi lên đòi xuống. Như cư dân mạng vẫn bảo là "Chán chả thèm nói!". Ấy nhưng không nói thì lại mất tiền… Câu chuyện của cô gái dưới đây là một ví dụ điển hình.
Cụ thể, T.M từng làm kế toán tại một công ty in tranh rèm ở Hà Nội, nhưng sau đó vì một vài lý do, cô chủ động xin nghỉ việc. Điều đáng nói là, rời công ty đã gần nửa năm, cô vẫn bị nợ khoản tiền lương là 2 triệu 500 nghìn đồng. Dù thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho sếp cũ nhắc nợ, nhưng tin nhắn, cuộc gọi của cô luôn bị cho vào quên lãng. Đòi mãi cũng chán, nhưng công sức mình làm ra chả lẽ lại bỏ đi?
Nhắn tin đòi nợ ỉ ôi như "ăn xin" ròng rã gần nửa năm, khổ chủ bức xúc khi bị bắt bẻ, hoạnh họe
"Mình dùng số mình gọi thì bị bơ, đến khi mượn điện thoại người khác gọi giám đốc cũ mới nghe máy, nhưng lại bảo bận. Mình nhắn tin đòi tiền thì anh ta nói mình nói chuyện láo, khiến anh ta khó chịu nên mới không trả.
Bức xúc quá, mình đăng bài lên đây nhờ mọi người phân xử xem mình nói thế này có gì sai, cần phải xin lỗi không?".
Đính kèm theo chia sẻ, T.M có chụp lại màn hình những tin nhắn với sếp. Quá bức xúc với vị sếp suốt ngày khất lần, T.M đã bực tức hỏi: "Lấy của em 2,5 triệu anh có thấy giàu lên không?"
Từ đây, sếp cũ của T.M liền bắt bẻ: "Anh bảo trả mà vì bận quá, anh xin lỗi. Nhưng em nói những câu này làm anh buồn quá.
Em nói chuyện làm anh khó chịu. Trước khi hành động một việc gì, anh khuyên em nên cân nhắc về ngôn từ em ạ"
Từ khi nào, kẻ nợ tiền lại thản nhiên lên mặt "dạy dỗ" người đi đòi nợ như thế này?
Tiền thì không đòi được lại còn bị dạy dỗ ngược, T.M cảm thấy vô cùng bất mãn: "Không đòi được từ anh ta, mình còn nhắn tin cho cả vợ anh ta nhờ nói giúp vì cô ấy cũng làm trong công ty.
Ấy vậy mà được cả vợ cả chồng, cô vợ nói mình làm chồng cô khó chịu nên mới không trả, cô không biết gì cả và tuyên bố nếu còn tiếp tục nhắn tin làm phiền cô ta, anh ta sẽ không trả tiền luôn!"
Câu chuyện ngay khi được chia sẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đa số đều lên tiếng bày tỏ sự bức xúc và chỉ trích vị sếp kia.
- Trời ơi rốt cuộc là ai nợ ai vậy? Làm sếp, có hẳn cả công ty mà nghèo tới mức không có nổi 2 triệu rưỡi trả nhân viên đi à?
- Phải tớ thì có mà tớ mắng ầm lên rồi! Hiền quá là bị bắt nạt đấy.
- Đi làm hục mặt ra được có hơn 2 triệu mà cũng quỵt của người ta. Loại người như vậy không bao giờ giàu được đâu!
- Đúng là nồi nào úp vung nấy, xấu tính xấu cả đôi vợ chồng!
Thế mới thấu, thật không gì khổ như đi đòi nợ, van nài người ta trả chính khoản tiền của mình mà vẫn bị bắt lỗi từng câu chữ. Có thể thấy dù khổ chủ đã lựa lời nói nặng nhẹ đủ cả, còn chia sẻ tình trạng khó khăn hiện tại, nhưng vẫn bị "bơ" không thương tiếc.
Quá bất lực, cô quyết định chia sẻ câu chuyện, nhờ dân mạng phân xử. Ngay lập tức, rất nhiều người vì đồng cảm với nỗi khổ đòi nợ của T.M đã nhắn tin, gọi điện "khủng bố" vào số điện thoại vị sếp cũ, hòng đòi lại công bằng cho T.M.
T.M cho hay:"Trước mình làm công ty này lương 5 triệu một tháng, nhưng có hôm vì hiểu lầm mà sếp chửi mình không thương tiếc.
Không làm gì sai lại bị anh ta mắng chửi vô lý nên mình quyết định nghỉ việc ngay hôm sau. Số tiền 2,5 triệu đồng là tiền công mình làm tháng cuối…"
Câu chuyện hiện vẫn đang được cư dân mạng bàn tán xôn xao.