- Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả và Âm nhạc Việt Nam (VCPMC): Trong năm 2008, trung tâm đã thu về cho các nhạc sĩ và tác giả số tiền sử dụng tác phẩm trên 15 tỉ đồng. Số nhạc sĩ - tác giả nhận được trên 100 triệu đồng từ trung tâm gần 20 người, người cao nhất lên đến 197 triệu đồng. Như vậy, tiền thu về từ tác quyền âm nhạc đối với các nhạc sĩ đã không còn mang tính tượng trưng như trước đây nữa!
Gian nan mã hóa dữ liệu về các nhạc sĩ
Năm qua, Trung tâm VCPMC cũng lắp đặt thành công hệ thống phần mềm lưu trữ tác giả - tác phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế mang tên Mis@Asia và trở thành thành viên Liên minh Quốc tế các hiệp hội tác giả nhạc và lời thế giới (CISAC). Ngay công việc mã hóa thành một dãy số riêng tên các nhạc sĩ và tên các bài hát cũng là một khối lượng công việc đầy khó khăn. Thứ nhất là vì tiếng Việt có dấu thanh, ví dụ tên của nhạc sĩ Nguyễn Anh và Nguyễn Ánh rất dễ bị lẫn. Thêm nữa, hãy cứ hình dung nước ta có đến 7 nhạc sĩ Thanh Tùng, 3 nhạc sĩ Từ Huy. Có nhạc sĩ có đến cả chục bút danh khác nhau.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong lễ tổng kết hoạt động năm 2008 |
Trong khi đó, ngay nhiều nhạc sĩ của chúng ta cũng phạm luật chỉ vì không hiểu luật: Đã ủy quyền cho Trung tâm VCPMC, nhưng vẫn trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị sử dụng dẫn đến việc thu tác quyền bị chồng chéo lên nhau. Nhiều người ký hợp đồng độc quyền sử dụng tác phẩm nhưng không ghi cụ thể thời gian độc quyền trong bao lâu, nhiều đơn vị đã hết hạn hợp đồng vẫn tiếp tục sử dụng mà không chịu đóng phí…
Sang năm 2009 này, khi Việt Nam đã chính thức tham gia thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài tại Việt Nam và tác phẩm âm nhạc của tác giả người Việt được thu phí sử dụng ở nước ngoài, nếu tình trạng "nhầm lẫn" kể trên vẫn tiếp tục thì không ngoại trừ khả năng nhạc sĩ bị kiện ngược lại và đơn vị có sử dụng tác phẩm âm nhạc nước ngoài cũng sẽ bị tổ chức nước ngoài "thổi còi" nếu tiếp tục vi phạm.
Trên 20 nhạc sĩ được chi trả trên 100 triệu đồng tác quyền
Cũng trong năm 2008, có 15 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc đã được Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả và Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu về cho các nhạc sĩ và tác giả, riêng chi nhánh phía Nam thu về gần 9 tỷ đồng. Nhạc sĩ nhận tiền tác quyền cao nhất là 197 triệu đồng. Đã có khoảng trên 20 nhạc sĩ được chi trả trên 100 triệu đồng. Người được chi trả cao nhất lên đến 197 triệu đồng… Tìm hiểu riêng của PV chúng tôi từ nguồn đáng tin cậy thì nhạc sĩ Hoài An là người đứng vị trí kỷ lục ấy.
Hiện tại, VCPMC có 1.300 tác giả thành viên. VCPMC đã dành toàn bộ số tiền lãi 300 triệu đồng tặng cho 276 tác giả, nhạc sĩ lão thành trên 70 tuổi, kể cả những nhạc sĩ đã mất. Dự kiến trong năm 2009 số tác giả thành viên của trung tâm sẽ lên đến 1.800 người và tiền tác quyền thu về sẽ là 18 tỷ đồng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC cho biết: Tuy chưa đi sâu hết nhưng lĩnh vực nào chúng tôi cũng đã đặt chân được vào đó rồi. Mặc dù vẫn chỉ có tính chất ví dụ thôi. Ví dụ như trong lĩnh vực khách sạn thì mình mới thực hiện ở khách sạn 4-5 sao. Còn cả một số lượng khách sạn khổng lồ hàng vạn khách sạn trên cả nước chưa thực hiện bản quyền âm nhạc. Các khu vui chơi giải trí cũng vậy, các siêu thị, các nhà hàng, các quán café… cũng cần mở rộng.
PV