Westmoreland, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Việt Nam, từng muốn nhấn nút hạt nhân vào năm 1968. |
Năm 1959, tham mưu trưởng Không lực Hoa Kỳ, tướng Thomas D White đã chọn nhiều mục tiêu ở miền bắc Việt Nam, nhưng đã bị các tướng lĩnh quân sự khác ngăn chặn khi ông yêu cầu tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
“Tướng White muốn loại bỏ lực lượng du kích và các con đường tiếp tế của họ bằng việc tấn công những mục tiêu đã được lựa chọn ở miền bắc Việt Nam, hoặc bằng vũ khí thông thường hoặc bằng vũ khí hạt nhân”, một bản tài liệu của Không lực Mỹ mới được giải mật cho biết.
“Mặc dù tướng White kêu gọi đưa ra cảnh báo trước cho người dân miền bắc Việt Nam, nhưng các tướng lĩnh quân sự khác đã phản đối kế hoạch, có thể là do kế hoạch bao gồm cả vũ khí hạt nhân. 7 tháng sau, đề xuất bị rút lại”, bản tài liệu cho biết.
Những thông tin trên nằm trong bản tài liệu dài 400 trang, có tiêu đề “The United States Air Force in Southeast Asia: The War in Northern Laos 1954-1973” (Tạm dịch là: Không lực Hoa Kỳ tại Đông Nam Á: Cuộc chiến ở miền bắc Lào 1954-1973) được Trung tâm lịch sử không quân ở Washington và “nhiều nguồn tin khác” viết vào năm 1993.
Bản tài liệu, cùng với nhiều tài liệu mật từ thời chiến tranh khác của Không lực Hoa Kỳ, đã được Cơ quan lưu trữ an ninh quốc gia tại Washington giải mật vào ngày 9/4 vừa qua. Nó được công bố theo luật tự do thông tin của Mỹ. Cơ quan lưu trữ an ninh quốc gia là một viện nghiên cứu độc lập, phi chính phủ của Đại học George Washington.
Tướng White “đã yêu cầu bộ tham mưu liên quân bật đèn xanh gửi một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-47 tới Căn cứ không quân Clark ở Philippines” để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Việt Nam. Cũng theo tài liệu được giải mật yêu cầu mở kho vũ khí hạt nhân của tướng White có thể là do bị tác động bởi một bản tài liệu nghiên cứu của Không lực Mỹ, bản tài liệu có tên: “Vũ khí hạt nhân trong các cuộc chiến giới hạn ở Đông Nam Á”.
Bản tài liệu “tập trung nghiên cứu việc sử dụng vũ khí hạt nhân để “kiểm soát tình hình” ở vùng rừng rậm, các con đường tiếp tế trong thung lũng, những vùng núi đá vôi và các hẻm núi để chặn đứng hoạt động của kẻ thù và triệt tiêu nơi ẩn nấp”. Đó là những thông tin được ghi chú trong bản tài liệu mới được giải mật, nhằm nói rõ chiến lược của tướng White.
Cũng theo bản tài liệu, một năm sau, trong khoảng thời gian từ 12/1960-1/1961, máy bay Liên Xô đã chở “lương thực, nhiên liệu và vũ khí” cung cấp cho các lực lượng thân Mátxcơva ở Lào thông qua Hà Nội. Vào tháng 3/1961, Bộ tham mưu Mỹ “đã đối phó bằng kế hoạch triển khai tới 60.000 quân, sẵn sàng cho các cuộc không kích và các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân”.
Ngoài ra, năm 1968, ngay trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân, quân đội Việt Nam đã tấn công lực lượng Mỹ ở miền trung. Cũng để ứng phó, tướng William Westmoreland, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Việt Nam, đã nghĩ tới chiếc nút hạt nhân.
Một bản tài liệu dài 106 trang mới được giải mật khác cho biết, “cuối tháng giêng, tướng Westmoreland đã cảnh báo nếu tình hình gần khu phi quân sự (ranh giới chia cắt miền bắc và miền nam Việt Nam khi đó) và Khe Sanh xấu thêm, có thể sẽ phải dùng đến vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học”. Bản tài liệu tối mật này có tiêu đề: “Không lực Mỹ tại Đông Nam Á: Tiến tới một đợt ngừng ném bom, 1968” (The Air Force in Southeast Asia: Toward a Bombing Halt, 1968) do Phòng lịch sử không quân Mỹ viết năm 1970.
Trong suốt cuộc chiến sai lầm của Mỹ tại Việt Nam, Mỹ đã thả rất nhiều bom, cùng với napalm xuống Việt Nam, Lào và Campuchia. Mặc dù đã lên kế hoạch ba lần nhưng ý tưởng ném bom hạt nhân cuối cùng đã bị rút lại.