Sự tinh vi trong việc chế tạo vũ khí của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã vượt xa so với dự đoán của quân đội Mỹ, tuy nhiên các quan chức Lầu Năm Góc nhận định, nhiều công đoạn chế tạo vũ khí hiện đại của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn "phôi thai".
Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức chạy thử nghiệm tàu sân bay Varyag sau thời gian dài hoàn thiện, tân trang. Đây là loại tàu được Liên Xô thiết kế và sản xuất, sau đó được chuyển giao cho Ukraine khi chính quyền Xô Viết sụp đổ. Sau đó, Ukraine không đủ chi phí hoàn thành và vận hành con tàu, nên nó rơi vào tình trạng bị bỏ ngỏ trong suốt nhiều năm, trước khi được Bắc Kinh mua lại.
![]() |
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sau khi tân trang. |
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, mặc dù tàu Varyag đã được chạy thử nghiệm, nhưng nó chưa thể hoạt động một cách đầy đủ. Theo đó, Trung Quốc chưa thể chế tạo và triển khai máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay trong một vài năm tới.
Trong một báo cáo trình quốc hội, Lầu Năm Góc nhấn mạnh khả năng Trung Quốc sẽ gửi binh sĩ tới Brazil để huấn luyện kĩ năng điều khiển và chiến đấu trên hàng không mẫu hạm. “Tuy nhiên, khả năng hạn chế của Brazil trong lĩnh vực này cùng với sự không tương đồng giữa hai mẫu tàu sân bay đặt ra câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch”, bản báo cáo viết.
Sau tàu sân bay, máy bay tàng hình thế hệ thứ năm J-20 của Bắc Kinh cũng khiến dư luận hết sức bất ngờ. Mặc dù gây được sự chú ý cho Lầu Năm Góc, tuy nhiên họ tin chắc J-20 chưa thể hoạt động như mong đợi trước năm 2018. Ngoài ra, khả năng tàng hình của nó cũng khiến nhiều người nghi vấn. Trong chuyến bay thử nghiệm, J-20 được nhận định là có kiểu dáng của máy bay tàng hình, tuy nhiên Bắc Kinh không tiết lộ chi tiết các thuộc tính của nó để tránh bị phát hiện.
Theo bản báo cáo, “Trung Quốc phải đối mặt với nhiều trở ngại kể từ khi triển khai sản xuất J-20, trong đó có cả vấn đề bản quyền cũng như động cơ công suất cao mà nước này chưa thể tự sản xuất”.
Hãng thông tấn Reuters đưa ra so sánh Hoa Kỳ đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-117 Nighthawk (diều hâu đêm) cách đây 30 năm, và những chiếc máy bay này đã bị loại khỏi biên chế từ năm 2007, khi trích dẫn bản báo cáo về J-20 của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, các quan chức quân đội Mỹ tin rằng Trung Quốc chỉ có thể trở thành cường quốc quân sự với những trang thiết bị hiện đại vào năm 2020. Bắc Kinh không công bố chi phí nhưng cho biết nước này sẽ tăng 12,7% cho ngân sách quốc phòng năm 2011, trong khi chi phí quốc phòng của Mỹ là hơn 5.000 tỉ, chưa bao gồm chi phí chiến tranh. Tuy nhiên, khoản chi phí này của Hoa Kỳ có khả năng sẽ giảm trong vài năm tới, bởi nhiều thành viên quốc hội đang đòi hỏi cắt giảm.
Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc của Washington cho biết, tiến bộ trong tương lai của Bắc Kinh như cải tiến tên lửa đạn đạo chống tàu chiến và tàu sân bay có thể gây ảnh hưởng tới Mỹ, khi triển khai các hạm đội trên lãnh hải quốc tế gần lãnh thổ Trung Quốc.
Những động thái gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và gia tăng ảnh hưởng quân sự đối với Đài Loan cũng như đẩy mạnh phát triển tàu ngầm hạt nhân chứng tỏ tham vọng mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Với tiềm lực kinh tế đang lên như vũ bão, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng trở thành đối trọng với Mỹ và các cường quốc trong tương lai không xa.
Hồng Duy
Theo Bưu điện Việt Nam