Thời trang - làm đẹp 2009-04-15 02:18:00

Mốt thời khủng hoảng


(TT&VH Cuối tuần) - Thời buổi “người khôn của khó”, ngay cả các tín đồ của thế giới mua sắm và thời trang cũng phải thắt lưng buộc bụng. Song ngành công nghiệp thời trang vẫn có dịp nhấn mạnh đầu óc sáng tạo của mình bằng cách không để “cái khó bó cái khôn”, mà biến cuộc khủng hoảng thành cơ may, tạo ra một diện mạo “sexy” mới - sự giản dị (và… đứng đắn) trong các bộ cánh thời trang và những “phụ nữ tiêu biểu” của thời kỳ suy thoái.
Từ câu chuyện “khủng hoảng tài chính”…

Chỉ có ai cố tình nhắm mắt mới không chịu thấy các rạp phim độ này tràn ngập một loại phim mới. Người ta đặt tên cho dòng phim mới này là “phim đàn bà”, đặt như thế không chỉ mang hơi hướng miệt thị phái đẹp, mà còn sai, vì lũ lượt đàn ông đã kéo tới xem. Và quả thật, sự pha trộn mát tay giữa hài hước và nước mắt, giữa khủng hoảng tài chính và không khí shopping, giữa giễu nhạo và động lòng v.v… đang được coi là đất đầu tư đầy hứa hẹn trên thị trường… chứng khoán màn bạc. Sex And The City, Quỷ cái vận đồ Prada, Mamma Mia… thu lợi bất ngờ trong khi nhiều trụ cột gia đình mất việc và các bà nội trợ vốn phải đắn đo từng món chi tiêu. Đột nhiên, nhóm khán giả nữ được đánh giá là những con mồi béo bở của màn ảnh nhỏ cũng kéo nhau ra rạp. Không chỉ phim ảnh, sách ăn theo cũng được mùa. Shopaholic (ở Việt Nam được biết đến qua tên gọi Tự thú của một tín đồ shopping) là một sản phẩm khá mới, kể về một cô gái 25 tuổi, Rebecca Bloomwood. Cô gái có “năng khiếu” kỳ lạ là có thể dán mũi vào tủ kính các cửa hàng thời trang… 25 giờ mỗi ngày; không những thế, cô hy sinh từ tình bạn đến tình yêu để “tay bo” với những “cơn vật”… mốt.


Một cảnh trong phim Shopaholic

Sau khi muốn vào làm ở một tạp chí thời trang nổi tiếng nhưng bị đánh trượt, số phận trớ trêu đặt cô vào vị trí biên tập viên kinh tế của tờ Successful Saving, chuyên thuyết giảng cho bạn đọc hiểu thế nào là khủng hoảng tài chính. Và đó chính là chủ đề của câu chuyện hôm nay.

Đại lộ số 5 của New York là sân khấu của Rebecca Bloomwood khi cô gái xinh đẹp tội nghiệp trưng bày chiến lợi phẩm của mình: áo dài của Zac Posen, thắt lưng hiệu Old Vintage, túi Gucci… Trong thế giới của cô chỉ có chỗ cho hàng hiệu, những thứ “lặt vặt” như quan điểm hay chất xám đều không quan trọng!

Phụ nữ như Rebecca Bloomwood được công nghiệp thời trang đội lên đầu như thánh sống, bởi chính họ nuôi sống cả một đội quân từ Calvin Klein đến Giorgio Armani. Không có ngày nào họ vắng mặt trên các trang lá cải, trong các chiến dịch lăng xê mốt hay ở mọi bữa tiệc của đủ loại VIP. Không oan khi gọi họ là những con nghiện, họ nghiện ánh hào quang phát ra từ những chiếc túi đeo có giá tương đương cả một chiếc xe hơi, nghiện những dạng hạnh phúc trả được bằng tiền.



Nhưng thời của họ bị chấm dứt đột ngột bởi một đám mây đen che phủ. Đó là cuộc khủng hoảng toàn cầu, kéo theo hàng loạt nhà băng vỡ nợ, bất động sản ế ẩm, nợ xấu.

Cuộc khủng hoảng ấy không ngừng chân trước các cửa hàng thời trang. Các tạp chí thời trang kêu trời vì khách hàng đăng quảng cáo bỗng phá hợp đồng, các nhà may giảm doanh số, hội chợ Tuần thời trang quốc tế heo hút khách. Thời của ăn chơi xa xỉ đang lụi dần, vì khi miếng cơm manh áo hàng ngày bị đe dọa thì sự lãng phí bị gọi là tội lỗi.

… Đến xu thế thời trang mới: Giản dị, đứng đắn

Từ xưa đến nay, công nghiệp thời trang sống bằng cách đi trước thời đại một bước: đánh thức nhu cầu của con người hướng về những thứ chẳng cần thiết lắm nhưng ai cũng nên có, để rồi một ngày nào đó lôi mấy thứ cũ kỹ trong kho ra lau chùi và bán như đồ mới. Vì cổ áo hết nhọn lại tròn, ống quần xong loe đến tuýp - nói cách khác, nó phải xoành xoạch đổi màu như con kỳ nhông để tồn tại và phát triển.

Hôm nay cũng vậy. Gói kích cầu kinh tế vốn để gặm nhấm cho qua kỳ giáp hạt, song những người làm thời trang đâu chịu từ bỏ khả năng giật lấy một miếng cho mình. Dạo này, dễ dàng nhận thấy con phượng hoàng thời trang đang nhấp nhổm chui ra từ đống tro tàn của thoái trào kinh tế. Tuy nhiên, các nhà chiến lược cũng không dại dột chọc tức người dân đang lo kiếm thứ nhồi chặt bao tử: Xu thế mới mang vẻ giản dị cho hợp với không khí ảm đạm hiện thời, vẻ xa xỉ được giấu kín để hòa mình với cổ tức xuống dốc. Để rồi rốt cuộc, người dân vẫn phải mở hầu bao mà không áy náy vì đã làm gì “trái đạo lý”.


Một mẫu trong bộ sưu tập thời trang xuân hè của Prada
- thời trang thời khủng hoảng giản dị hơn hẳn

Chiến thuật “ngụy trang” ấy không phải hoàn toàn tự nguyện, dĩ nhiên. Tuần báo US Weekly Magazine sau thời điểm động trời về khủng hoảng tài chính đã đăng tải một bài báo có tựa Hỡi các cô gái thời suy thoái, hãy tìm quần Jeans hot nhất dưới 50 USD. Phải chăng đó là câu trả lời của phái yếu cho thời kinh tế khốn khó? Không, mà chỉ là một ý tưởng khá rẻ tiền và lộ liễu: “Lấy tiền của tôi đi, nhưng đừng lấy của tôi vẻ khêu gợi!”

Các ông chủ hiệu xa xỉ cắn răng theo dõi trào lưu mới này. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng không còn giấu được nữa, các nhà tạo mốt cũng phải nhận ra lẽ phải và chuyển hướng làm ăn mới cho hợp tinh thần thời cuộc.

Phải chăng bây giờ Manolo Blahnik sẽ bán bốt cao gót dát kim tuyến của mình với giá vỉa hè? Louis Vuitton chuẩn bị bán túi da cừu như cho không? Chắc là không. Vì mấy tin đó chỉ có thể được phát ra vào ngày Cá tháng Tư! Các nhà tạo mốt hôm nay lại quay về các mẫu cao giá và đắt đỏ, nhưng nhất định phải đội lốt cổ điển. Người mua phải được gợi nhớ về tính ổn định và giá trị cổ xưa của hàng hiệu. Mọi xa hoa lãng phí không còn hợp tình nữa. Miuccia Prada, lãnh đạo nhóm tạo mốt của công ty gia đình Prada (Italia) vừa cho ra một bộ Xuân/Hè 2009. Ta được phép coi nó mang hơi thở của thời đại mới: tông màu chủ đạo là màu tối, rất nhiều đen, vải ka-ki nâu vàng - không còn chút nào của mùa hè, mặt trời, sóng biển… như mọi khi. Áo len cashmere kéo cao kín cổ, áo khoác đan họa tiết giản dị - tất cả gợi nhớ đến một bà thư ký già cần mẫn, thay cho cô đánh máy trẻ, nhí nhảnh và hay nghỉ ngoài luồng.

Và những “phụ nữ tiêu biểu” thời suy thoái

Mốt thời kinh tế suy thoái cũng “đẻ” ra một loại phụ nữ mới? Có lẽ nên để tâm phân tích sự cộng sinh giữa thời trang và kinh tế, vì tiến trình này vốn có cả một truyền thống.

Khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 là dấu chấm hết những “năm vàng của thập kỷ 20” với những tên tuổi như Josephine Baker, một vũ nữ da đen, chuyên khiêu khích khán giả với son phấn bôi dày và điệu nhảy khêu gợi. Khủng hoảng và chiến tranh hồi thập kỷ 1930 và 1940 đã ép phụ nữ vào khuôn cũ, quên đi ý tưởng giải phóng, đẩy họ về bên bếp lò và chậu giặt.

Cao trào kinh tế cuối “những năm 1950 màu mỡ” dựng lên những lý tưởng mới, kéo dài suốt thập kỷ 1960. Đó là thời của tóc vấn cao như tóc giả, lông mi nhân tạo bằng chân nhện, mắt tô rộng như búp bê. Rồi thì váy cực ngắn mini, tác phẩm của nhà tạo mốt Mary Quant, khiến dư luận xôn xao. Mọi xáo động chỉ bị ngừng lại bởi khủng hoảng dầu lửa hồi năm 1973.

Phong trào Hippie nổi lên, coi tiêu thụ là xiềng xích mà chủ nghĩa tư bản đã lấy nó trói người tiêu dùng và cướp đi tự do của họ. “Bỏ son phấn, vứt gôm xịt tóc và đốt hết nịt vú!” là khẩu hiệu của phụ nữ được giải phóng, không chịu làm nô lệ cho thời trang.


Michelle. Obama và O. Winfrey - những phụ nữ mới tiêu biểu

Ngay cả ở thời điểm hôm nay, nghe chừng khá rõ ràng, phụ nữ góp một tay vào cải cách. Michelleobamawatch.com là một trang blog để các fan hâm mộ bà Michelle Obama không chỉ vào khen bà là người vợ thông minh của tổng thống, mà còn là người biết chọn đồ rẻ nhưng tinh tế. Trong chiếc áo dài Gap giá 40 USD và áo khoác của nhà tạo mốt gốc Cuba Narciso Rodriguez, đệ nhất phu nhân Mỹ đã chiếm được cảm tình của phái yếu toàn cầu. Ví dụ ngược chiều là ứng viên phó tổng thống Sarah Palin, người dùng 150.000 USD từ quỹ đảng để mua quần áo đi tranh cử ghế phó tổng thống.

Còn nhiều blog thời trang khác nữa bơi theo dòng. Ví dụ Therecessionista.blogspot.com là một trang nhắc đến vẻ đẹp ngày xưa của những nữ chính trị gia hay nữ diễn viên như Grace Kelly và Jackie Kennedy. Kinh điển và có văn hóa, lịch sự chứ không khêu gợi - đó là chìa khóa thành công của thời khủng hoảng, một lăng kính giúp ta loại bỏ mọi vụn vặt, hướng tầm nhìn vào lõi cơ bản.

Điều đó cũng được các nhà sản xuất phim Shopaholic nhận ra. Vì sợ khán giả tẩy chay, họ đã đổi phần kết của bộ phim quay xong từ lâu: Rebecca Bloomberg chữa được chứng nghiện shopping và bán hết đồ ăn diện của mình để trả nợ.
Đức Anh
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)