57 tủ ATM trên địa bàn TP HCM có hiện tượng rò rỉ điện. Nhiều tủ vi phạm lỗi kỹ thuật, không chôn dây tiếp đất.
Người dùng “thấp thỏm” với ATM
Sau cái chết thương tâm của Châu Linh Uyên, 10 tuổi, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình do bị điện rò rỉ từ cục biến điện đèn quảng cáo đặt trên nóc tủ ATM truyền xuống, ngày 4/4, nhân viên của 15 đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực TP.HCM đã tiếp tục kiểm tra toàn bộ các tủ ATM của các ngân hàng trong phạm vi TP.
Trước đó, trong ngày 3/4, đoàn kiểm tra đã phát hiện 57 tủ ATM trên tổng số 866 tủ được kiểm tra có hiện tượng rò rỉ điện. Các tủ này đã được niêm phong, ngắt nguồn điện. Danh sách các tủ ATM không an toàn đã được lập danh sách gửi về các ngân hàng chủ quản để có biện pháp khắc phục.
Công nhân điện lực cắt điện nguồn của một tủ ATM trên đường Điện Biên Phủ Q. 3 có dấu hiệu rò rỉ điện. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa
Tương tự, ở tủ ATM số 32 Trương Định cũng của Vietcombank, khách hàng đã bày tỏ: “Lần nào vào đây rút tiền chúng tôi đều phải cảnh giác”.
Theo kết quả kiểm tra của Điện lực TP.HCM, ở các tủ ATM của ngân hàng ACB số 2 bis Thái Văn Lung (Q.1), tủ ATM trên đường Tân Sơn Nhì (Tân Phú) đều có hiện tượng rò rỉ điện từ 70-90V.
Ngày 4/4, theo ghi nhận của VietNamNet, tại tủ ATM của Ngân hàng Đông Á trên đường Điện Biên Phủ (nằm gần Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), tổ kiểm tra phát hiện tủ bị nhiễm điện và lập tức ATM này được ngắt điện đồng thời phong tỏa tủ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tủ ATM thường được các ngân hàng đặt tại các khu vực có đông người lui tới. Nhưng với tình trạng thiếu an toàn như đã từng xảy ra đã làm nhiều người lo sợ khi giao dịch qua hệ thống ATM.
Tại một tủ ATM cạnh rạp Thăng Long trên đường Cao Thắng (Q.3), một người dân sống gần đó cho chúng tôi biết nhiều người đã bị điện giật khi vào tủ này để rút tiền. Khách hàng đã nhiều lần phản ánh nhưng đâu vẫn vào đấy.
Ông Nguyễn Minh Thủy (58 tuổi, ngụ tại Q.10) bức xúc: “Chúng tôi là người đã gọi điện báo cho ngân hàng nhiều lần mỗi khi phát hiện máy ATM bị nhiễm điện. Thế nhưng tất cả đều hứa hẹn nhưng chẳng có một máy nào được khắc phục. Đã thế, ở một số tủ có ghi số điện thoại nóng để khách hàng phản ảnh khi có sự cố nhưng khi gọi vào thì chỉ có tín hiệu ò í e”.
Công ty Điện lực TP.HCM cho biết, qua hai ngày kiểm tra đã phát hiện nhiều lỗi kỹ thuật của các tủ ATM. Nhiều nơi đã không tuân thủ kỹ thuật chôn dây tiếp đất sâu 2m mà lại bỏ lăn lóc trên sàn. Việc làm cẩu thả này đưa đến nhiều hệ lụy cho khách hàng khi cần sử dụng dịch vụ ATM.
Một máy ATM bị phát hiện nhiễm điện.
Theo ông Huỳnh Lê Khương, Phó phòng An toàn Công ty Điện lực TP HCM, ngành điện chỉ chịu trách nhiệm khi nguồn điện chưa qua điện kế. Trường hợp đã qua điện kế thì người sử dụng điện kế là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Thông thường sau mỗi sự cố, các đơn vị có liên quan tổ chức các đợt kiểm tra. Sau khi kiểm tra, nhiều biện pháp khắc phục được thực hiện nhưng rồi chỉ trong một thời gian ngắn đâu lại vào đấy.
Điều tra về nguyên nhân cái chết của học sinh Châu Linh Uyên, cơ quan điều tra Công an Q.1 phối hợp với Điện lực Sài Gòn đưa ra kết luận ban đầu: Trên nóc tủ ATM của phòng giao dịch Nguyễn Thái Bình – Mạc Thị Bưởi của ngân hàng Agribank một trong 6 biến điện (tăng-phô) dùng phục vụ đèn chiếu sáng tủ ATM và đèn quảng cáo bị hư và rò rỉ điện. Chính điều này đã khiến cả tủ ATM bị nhiễm điện. Dây điện màu xanh kéo từ tủ ATM vào tam cấp của phòng giao dịch (dây tiếp đất) cũng rò rỉ điện. Hầu hết các mối nối của một số đường dây bên trong tủ ATM được phát hiện đấu nối hết sức cẩu thả.
Tại TP HCM, vấn đề trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến những cái chết về điện vẫn là “ẩn số”. Ngoài việc hai nhân viên cấp dưới của Công ty Chiếu sáng công cộng bị đình chỉ công tác trong vụ học sinh Cồ Quốc Duy bị điện từ trụ đèn chiếu sáng trên đường Trần Hưng Đạo giật chết ngày 31/8/2009, nhiều vụ điện giật xảy ra trên địa bàn thành phố đến nay vẫn chưa có một đơn vị nào bị chế tài hay xem xét trách nhiệm hình sự.
Theo Vietnamnet