[size=2][size=2]Bạn hỏi tôi một mình không thấy buồn?
Tôi đã một mình từ lâu lắm, không nhớ rõ là khi nào, chỉ nhớ rằng khi hai chị đang chạy nhảy với đám bạn hàng xóm thì tôi nằm ngoẻo trên chảng ba cây me già, khi gia đình tụ họp thì tôi trên nóc nhà, khi bè bạn ăn uống nô đùa dưới căng tin, tôi ngồi chơi với… con vịt.[/size][/size][size=2]Tôi không từ chối con người nhưng tôi chỉ thích những thứ nằm im hay chuyển động thật ít, mà con người thì bay nhảy nhiều quá, đôi khi sự tiếp xúc làm tôi hoa mắt. Vì vậy, khi bạn ném mình vào biển người đêm Giáng sinh, tôi ngửa mặt trên sân thượng phì phèo với gió. Khi bạn năm bảy chụm đầu hay quay cuồng trong vũ trường, tôi điều khiển trực thăng… mô hình.[/size]
Như bạn, tôi vẫn dành nhiều ưu ái cho niềm vui hơn nỗi buồn. Tôi biết cách để cho nỗi buồn, như mũi tên, đâm xuyên qua mình, mãi nằm lại phía sau. Tôi tự băng bó rồi bước lên phía trước đón lấy niềm vui. Vết thương nào rồi cũng lành, nhanh hay chậm là ở sức đề kháng của mỗi người. Nếu bước lên phía trước mà niềm vui vẫn chưa gặp được, tôi tự đi tìm và rủ rê chúng về với mình. Một điều không dễ dàng nhưng nếu tìm được, bạn sẽ thấy mình lớn nhanh hơn
[size=2]Lắm lúc tôi cũng cô đơn và tuyệt vọng khi những biến cố và bất trắc lũ lượt vây bủa làm tôi thấy mình giống Kinh Kha, hàng nghìn mũi tên của Tần Vương không thể cắm hết vào người anh được vì tôi áng chừng anh cũng cao và nặng cỡ tôi là cùng. Tần Vương nè, ông phung phí làm sao, một mũi tên là Kinh Kha sẽ chết, anh ấy là người trần mà. Và anh ấy cũng… một mình.[/size]
[size=2]Kinh Kha đã và tôi thì sẽ chết đúng một lần, dù với số lượng nào những mũi tên hay nỗi đau. Điều đó giúp tôi nhận ra rằng tận cùng của nỗi cô đơn và tuyệt vọng là… không gì cả.
Và một mình không có nghĩa là cô đơn.[/size]
[size=2]Bạn hỏi tôi sao cho nhiều quá, không giữ lại riêng mình?
Xin phép được sửa chữ của bạn, tôi không "cho", tôi "trao". Đây là hai động từ có khái niệm hoàn toàn khác. Tôi tin rằng nếu bạn nghĩ giống tôi, hẳn những người nhận từ bạn sẽ hạnh phúc hơn vì không phải đeo mang trong lòng mặc cảm được ban ơn.[/size]
[size=2]Nếu chịu khó mở cửa sổ lòng ra, nhìn xuống con đường căng chật những phận người cúi mặt dưới kia, chắc bạn sẽ nhận ra sớm hơn có một chút lạnh lùng trong câu hỏi của mình.
Tôi cũng như bạn và Kinh Kha, cũng chỉ là người. Tôi chỉ sống sòng phẳng. Tôi trao đi vì biết rằng mình sẽ nhận được, nhận lại được thật nhiều.[/size]
[size=2]Đã bao giờ bạn bạn đọc được niềm vui sướng tột cùng trong ánh mắt một người mẹ trẻ K'ho khi nhận được chiếc chăn bông bạn trao? Chiếc chăn sẽ ủ giấc bốn đứa con chị vượt qua mùa đông nghiệt ngã núi rừng. Chiếc chăn có giá tiền đúng bằng với… một chiếc vớ bạn đang mang.[/size]
[size=2]Đã bao giờ bạn cảm nhận được hơi ấm trên gương mặt chàng trai Vĩnh Long nghèo khi cầm tay dắt chiếc xe đạp mà miệng lập cập run không nói nổi lời cám ơn một người xa lạ? Với chiếc xe đạp mới đó, anh có thể mỗi chiều chở người cha nửa điên nửa dại của mình đi hóng gió trên những con đường đê như ông vẫn luôn miệng đòi. Chiếc xe có giá chỉ bằng… nửa chai rượu bạn uống.[/size]
[size=2]Đã bao giờ bạn bạn thấy nỗi vui long lanh trên ánh mắt tất cả hơn hai trăm đứa trẻ mồ côi khi trong tay mỗi đứa nhận được một gói kẹo? Gói kẹo nêm ngọt cả một góc tổi thơ ấy được bán với giá… hai nghìn đồng.
Và còn nhiều nữa…[/size]
[size=2]Tôi thì đọc, cảm và thấy được hết, bởi đó là những gì tôi mong muốn nhận lại. Với tôi, nó là tất cả nỗi vui, những nỗi vui không một vũ trường hay dòng người tấp nập nào có thể mang lại.[/size]
[size=2]Vậy ra những con người xa lạ ấy cũng sòng phẳng với tôi đấy chứ? Thậm chí, tôi thấy mình được phần hơn.
Tôi không đông người vây bọc xung quanh nhưng tôi vẫn lắm niềm vui, tôi không nhiều tiền như bạn nhưng tôi vẫn hạnh phúc đong đầy. Tôi vui và hạnh phúc vì tôi được là chính mình và có thể sống như mình hằng mơ ước.
Chắc bạn không chối bỏ niềm vui và hạnh phúc như tôi?[/size]