Đâu là một món quà cưới hoàn hảo? Trang sức, áo váy, kim cương hay xe hơi sang trọng? Khác với suy nghĩ của mọi người, ông Savitri Mane sống tại Katraj, Ấn Độ sẽ tặng cháu gái một món quà mà ông cảm thấy quí giá nhất: một chiếc toilet di động!
Tuần này, Raksha, cháu gái ông Savitri sẽ kết hôn với một thanh niên ở vùng Bhor. Khi bố mẹ Raksha nhận thấy gia đình chàng rể tương lai không có toilet để dùng, họ quyết định tặng con gái một chiếc toilet di động.
Ông Ramdas Mane, giám đốc công ty Mane Industries ở Bhosari cho biết: “Tặng toilet di động làm quà cưới ngày nay đang trở nên phổ biến. Mùa cưới năm nay nhu cầu về toilet loại này sẽ tăng lên đáng kể. Những gia đình có con gái lấy chồng nông thôn đều thêm vào một chiếc toilet di động trong danh sách của hồi môn các cô dâu mang đến nhà chồng”.
Chỉ trong vòng vài ngày, công ty của ông Mane đã nhận được đến hơn 1.000 đơn đặt hàng là những chiếc toilet di động. Ông chia sẻ: “Vừa rồi, chúng tôi đã cung cấp 2.500 toilet cho 200 ngôi làng ở Pune, Satara và Kolhapur”. Nhiều công ty nhỏ khác cũng bắt đầu kinh doanh toilet kiểu này.
“Ngày nay, hầu hết các cô gái đều không thể chấp nhận một người chồng mà gia đình anh ta không có toilet. Thậm chí những gia đình thu nhập thấp ở thành phố cũng đều có toilet riêng. Tuy nhiên, ngay cả một số gia đình giàu có ở nông thôn cũng cho rằng không cần thiết phải dùng nhà vệ sinh”, ông Ramesh Sonawane người vừa tặng cháu gái một chiếc toilet di động nói.
Những toilet này có giá từ 7.000 (170 USD) đến 12.000 Rupee (290 USD) tùy thuộc vào chất lượng.
Toilet di động bao gồm tường được làm sẵn bằng chất liệu RCC (bê tông ở dạng chưa đông cứng) và một bồn cầu tự hoại có thể dễ dàng mang theo. Khi tìm được một nơi lý tưởng để đào hố đặt bồn cầu, người ta chỉ mất 2 tiếng đồng hồ để lắp tường.
Theo lời bà Pratima Joshi làm việc tại Hiệp Hội nhà ở, nhìn chung các cô gái sống ở khu vực thành thị đều e ngại việc kết hôn với những chàng trai ở nông thôn. Một nữ cảnh sát ở Pune vừa lấy chồng ở Sangli cũng đang gặp rắc rối vì gia đình chồng cô không có chỗ để đi vệ sinh. Trước đám cưới, các cô dâu tương lai từ thành phố đều phải xem xét liệu gia đình chồng có những điều kiện vệ sinh cơ bản đó hay không.
“Khi chú tôi hỏi tôi về món quà cưới, tôi đã gợi ý một chiếc toilet di động. Là một cô dâu mới, tôi không thể đòi hỏi gia đình chồng tôi phải xây nhà vệ sinh. Vì vậy, khi rời Pune, tôi sẽ mang theo chiếc toilet của mình”- Ekta Tare đến từ Pune chuẩn bị lấy chồng ở làng Khatav thuộc huyện Satara chia sẻ.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang thực hiện một số biện pháp nhằm cung cấp nhà vệ sinh giá rẻ cho người dân.