cụ là cụ Hạnh hay ngồi ở Bách Hóa Thanh Xuân Hà Nội, trước cổng !
Ai có lòng thì tới giúp cụ chút nha
Quá khổ, cụ bà 80 tuổi muốn hiến xác sống
Chồng chết, con trai cũng chết, nhà bị lừa lấy mất, người đàn bà đơn độc bị đẩy ra đường, sống lay lắt ở hè Bách hoá Thanh Xuân, Hà Nội suốt 25 năm nay.
25 năm nay, những người bán hàng quanh Bách hoá Thanh Xuân đã quá quen thuộc với hình ảnh nhỏ bé còm cõi của cụ Đinh Thị Hạnh bên chiếc cân sức khoẻ, gom góp từng đồng bạc lẻ sống qua ngày.
Hà Nội buổi chiều thu, mưa rả rích khiến cảm giác se lạnh của heo may càng thấm thía. Nhưng bên góc hè, cụ Hạnh vẫn phong phanh chiếc áo ngắn tay, đôi mắt đục mờ dõi cái nhìn mông lung ra con đường ướt nhoè phía trước. Suốt từ chiều, chưa có người khách nào ghé cân cho cụ. Có lẽ do trời mưa, người mua sắm cũng ít đi.
Ngồi mãi cũng buồn, bà lôi cơm ra ăn cho xong bữa. Hộp cơm khô khốc chỉ có vài miếng thịt, bà trệu trạo nhai và cố nuốt. Miếng cơm khô như nghẹn lại trong họng. Bà lấy bình nước sôi ra, chan vào cơm để ăn cho dễ. Bà cho biết, cơm mua hồi trưa còn lại để dành cho bữa tối.
Người đàn bà bất hạnh
Cụ Hạnh kể mình quê ở Thái Bình, cha mẹ anh em chết hết vào nạn đói năm 1945 chỉ còn mỗi mình sống sót. Từ nhỏ, bà đã phải lăn lộn kiếm sống ở hết gầm cầu Bo rồi chợ Bo Thái Bình để kiếm miếng ăn qua ngày. Rồi cụ lấy chồng, nhưng người đàn ông đó đã phụ bà, bỏ đi mất khi hai người chưa có con.
Năm 1957, bà bỏ quê lên Hà Nội xin vào làm công nhân nhà máy điện Mễ Trì. Rồi bà đi bước nữa với một người đàn ông cũng là công nhân và sinh được một cậu con trai. Không may chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo mất khi cậu con trai mới tám tuổi và bà thì vẫn đang còn xuân trẻ. Cắn răng chịu đựng, bà ở vậy nuôi con. Công việc ở Hà Nội rồi cũng mất, bà đành bỏ việc và bắt đầu cuộc sống mưu sinh làm thuê đủ mọi việc để nuôi con.
Bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi người con duy nhất của cụ bị bệnh qua đời. Trái tim người mẹ tan nát khiến nhiều lúc cụ muốn đi theo con. Cụ bảo, tên của mình là Đinh Thị Thanh nhưng do khổ quá mà cụ đổi tên thành Đinh Thị Hạnh, người đàn bà suốt đời bất hạnh. Năm tháng qua đi, làm đủ nghề nặng nhọc kiếm sống, đến lúc thấy tuổi đã cao, biết không thể tiếp tục làm thuê được nữa, cụ sắm một cái cân sức khoẻ rồi ra ngồi ở hè Bách hoá Thanh Xuân. Tính đến nay cũng đã 25 năm rồi.
Thời gian đầu, sáng cụ ra hè Bách hoá ngồi, tối lại trở về căn nhà của mình sống vò võ một mình. Cụ quyết định bán căn nhà đó đi để mua một căn nhà khác ở gần Bách hoá. Nhưng trớ trêu thay, nhà mua không có giấy tờ đàng hoàng mà chỉ viết sang tay nên ở được hơn một tháng thì bị chủ cũ vu oan cụ chiếm nhà và đòi kiện. Rồi công an tới đòi bà cho xem giấy giao kèo, thật thà nên cụ đưa và họ bảo cần đem về xác minh rồi cầm đi mất. Vậy là cụ mất trắng căn nhà, bị đuổi ra ngoài đường. Bắt đầu từ đó, góc hè Bách hoá Thanh Xuân trở thành chỗ sinh sống của cụ luôn.
Cụ kể, những người bảo vệ ở đây rất thương cho hoàn cảnh của bà nên họ cho bà ở mà không đuổi. Chiều chiều, bà ra đằng sau Bách hoá tắm giặt nhờ. Mỗi ngày, cụ mua một hộp cơm 15.000 đồng chia ra ăn bữa trưa và bữa tối. Cụ bảo già rồi, cũng chẳng ăn được bao nhiêu, với lại mua thế để tiết kiệm.
Nguyện vọng được hiến xác
Ở tuổi 80, cuộc đời của cụ Hạnh như ngọn đèn trước gió. Cụ bảo bao nhiêu năm nay, thân già nằm đây chả biết chết lúc nào. Người già khó ngủ, đêm nào cụ cũng thao thức chờ sáng. Bình thường còn ngủ được một chút chứ những đêm mùa hè nóng nực như thời gian vừa rồi, cả đêm bà nằm phe phẩy quạt đến sáng.
Nhưng khổ nhất vẫn là những đêm mùa đông, rét quá nên cả đêm không ngủ được. Những ngày nhiệt độ xuống quá thấp cụ mới đi thuê phòng để ngủ. Gọi là phòng chứ thực ra chỉ là cái hầm của một căn nhà, chỉ rộng 5m². Bình thường người ta để đồ nên giá chỉ có 300.000 đồng/tháng. Trời hết rét cụ lại trả nhà ra hiên Bách hoá ngủ và họ lại lấy chỗ đó để đồ. Mỗi ngày, cụ biết mình phải có 13.000 đồng để trả tiền nhà. Ngày nào kiếm được ít quá, cụ lại ăn bánh mì chứ không dám mua một hộp cơm để có tiền trả tiền nhà.
Nhưng hai năm nay, thấy bà già quá, chủ nhà không dám cho cụ thuê nữa vì sợ trời lạnh quá, cụ chết trong nhà của họ nên suốt mùa đông cụ phải ngủ ngoài hè Bách hoá, chịu cái lạnh cắt da cắt thịt. Cụ bảo nhưng có lẽ trời thương, nên mặc dù nhìn mình quắt queo lẻo khoẻo thế này nhưng cụ rất ít bị ốm, không phải nằm một chỗ nên vẫn kiếm sống được mỗi ngày. Chỉ có cái chân bị khớp thỉnh thoảng lại hành cho nhức nhối, không có tiền đi bệnh viện, đau quá không chịu nổi, cụ mới đi mua thuốc, 9.000 đồng một viên uống cũng bớt đau được vài ngày.
Cụ bảo sống không nơi nương tựa nên chẳng biết khi nằm xuống ai sẽ lo ma chay cho. Thỉnh thoảng đọc báo nên cụ biết được các bệnh viện rất cần nội tạng, các trường đại học y thì cần xác cho sinh viên thực hành nên nguyện vọng của bà là muốn được hiến xác vừa không phải lo chuyện hậu sự cho mình lại vừa giúp ích được cho đời. Cụ đã từng viết đơn gửi đến bệnh viện Bạch Mai xin hiến xác nhưng chưa thấy bệnh viện hồi âm chấp nhận yêu cầu của cụ.
Thấy mình đã già lại không nơi nương tựa nên cụ rất sợ bệnh già kéo tới, phải nằm một chỗ không có người chăm sóc thì càng khốn khổ nên cụ còn có ý muốn sẵn sàng hiến xác sống với suy nghĩ bây giờ nội tạng còn khoẻ mạnh, chắc chắn sẽ có ích hơn. Cuộc sống bế tắc đến nỗi đã có lúc cụ mua thuốc chuột về định tự tử nhưng hoà cho con chó uống thử thì không thấy chết nên từ đó cụ không dám liều vì sợ uống vào chết không được mà lại mang bệnh, mang tật thì còn khốn khổ hơn.
Suốt cuộc đời khốn khổ của mình, cụ Hạnh bảo mình chẳng có điều kiện giúp đỡ được ai thì chỉ mong chết đi, thân già này có thể giúp cho người khác sống thêm được vài năm, như thế là cụ mãn nguyện lắm rồi.
Theo Hà Dịu
Sài Gòn tiếp thị