Người ta thường chọn loại lá đinh lăng nhỏ có nhiều răng cưa để làm rau ăn kèm với món gỏi cá. Vị bùi bùi của món gỏi cá có được từ lá đinh lăng như một thứ gia vị khó quên. Một số gia đình còn cho thêm vài cọng lá đinh lăng trong lớp lá bưởi khi gói nem. Thứ cây thuốc này vừa làm đẹp cho chiếc nem vừa tạo mùi vị hấp dẫn.
Canh đinh lăng sườn non - Ảnh: Thanh Ly |
Giống như các loại rau khác, lá đinh lăng còn có thể làm món xào. Chỉ cần bắc chảo lên phi thơm dầu cùng hành tỏi, cho thịt bò xắt lát mỏng vào xào trước, sau đó cho lá đinh lăng vào, nêm gia vị vừa ăn. Để tăng thêm phần quyến rũ cho đĩa xào, thêm một ít rau răm, hành, ngò, tiêu lên trên. Lá đinh lăng xào mang mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại rau nào khác.
Đặc biệt có một món được các bà nội trợ miệt vườn ưa chuộng, đó là canh sườn nấu chung với lá đinh lăng. Nguyên liệu chế biến gồm sườn heo, lá đinh lăng và các loại gia vị. Chọn những chiếc lá còn non, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Hành khô, hành lá, hạt tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng tạo ra mùi vị trong bát canh. Chọn loại sườn non có phần thịt vừa nạc xen kẽ ít bông mỡ, chặt khúc ướp qua một ít gia vị. Những nhánh sườn được ninh thật mềm với lượng nước vừa ăn sau khi đã xào với hành. Khi chuẩn bị ăn mới cho lá đinh lăng vào, đậy nắp lại một chốc rồi giở ra, sẽ nghe mùi thơm tứa nước miếng…
Nếu ai đã từng thưởng thức các món ăn được chế biến từ lá đinh lăng thì sẽ khó có thể quên được vị bùi bùi, thanh nhẹ của lá, thấm chất ngọt của cá, của sườn non cộng với vị cay nồng của tiêu tạo cảm giác ngon đặc biệt làm cho bữa cơm thêm thi vị.