Đó là kết quả rút ra từ nghiên cứu mới đây được tiến hành trên một số răng hóa thạch còn sót lại thuộc về nhóm Australopithecus bahrelghazali - họ hàng sớm nhất của người hiện đại.
Không giống tổ tiên trước đó, vốn thích trái cây và côn trùng, “chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho biết món khoái khẩu của những họ người hominin đầu tiên tại Trung Phi là thực vật nhiệt đới như cỏ hay cây lác”, Julia Lee-Thorp, nhà khảo cổ học đến từ Đại học Oxford phát biểu.
“Không có bất kỳ loài vượn lớn châu Phi nào (bao gồm cả tinh tinh) ăn loại thức ăn này mặc dù thực tế nó có rất nhiều ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là khỉ đầu chó savannah”, Lee-Thorp nói thêm.
Cách đây khoảng 3,5 triệu năm, “thực đơn” của con người chủ yếu là cỏ.
Quá trình nghiên cứu, Julia Lee-Thorp và các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích răng của 3 cá thể A. bahrelghazali từng được khai quật tại 2 địa điểm gần hồ Chad, châu Phi. Dựa trên tỷ lệ đồng vị carbon trong răng, họ phát hiện thấy dấu hiệu của một chế độ ăn giàu thực phẩm có nguồn gốc từ các loài thực vật C4.
Hiểu nôm na, cố định cacbon C4 là phương pháp được thực vật trên đất liền sử dụng để “cố định” điôxít cacbon, sản xuất đường thông qua quang hợp. Những loài sử dụng cơ chế cố định cacbon C4 được gọi chung là thực vật C4.
Người Australopithecus bahrelghazali có thể ăn rễ cây, thân củ chứ không ăn các loại lá cỏ cứng. Việc thêm cỏ vào khẩu phần ăn góp phần giúp họ rời khu vực sống ở phía đông châu Phi sang hồ Chad. Điều này cho thấy tổ tiên của chúng ta trải qua một sự thay đổi về chế độ ăn uống tương đối sớm với thực đơn là các loại cây cỏ ngay sau khi họ rời khỏi cuộc sống trên cây.
Nghiên cứu đã được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia số ra mới nhất.