>> 'Đột nhập' phòng khám Nam khoa
Khi đoàn thanh tra vừa đến phòng khám trên thì một số người Trung Quốc đang khám bệnh, vội cởi áo blouse rồi đi ra khỏi phòng khám rất nhanh.
Đoàn thanh tra làm việc tại phòng khám Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) sáng 18/6 |
Trưởng đoàn Thanh tra - bác sĩ Phạm Hữu Quốc liên tục yêu cầu nữ phiên dịch ở đây gọi điện cho những người vừa bỏ đi quay trở lại phòng khám để làm việc. Nhưng, viện nhiều lý do, các nhân viên của phòng khám không chịu gọi cho những “bác sĩ” Trung Quốc này. Đoàn thanh tra buộc phải tiến hành kiểm tra, làm việc với nữ phiên dịch và một thanh niên người Trung Quốc. Theo nữ phiên dịch, thanh niên Trung Quốc này là quản lý mới của phòng khám, tên Li Jian Hua. Anh này liên tục điện thoại nói toàn tiếng Trung Quốc với những người nào đó, rồi ngồi bắt chân, rung đùi khi làm việc với đoàn thanh tra!
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra ghi nhận, tại phòng khám trên có nhiều loại thuốc tiêm, kháng sinh, dịch truyền ghi tiếng Trung Quốc, nhưng đại diện phòng khám không xuất trình được giấy phép lưu hành của chúng. Có 3 loại thuốc hết hạn sử dụng (trong đó có hai loại xuất xứ từ Trung Quốc); một số thuốc dạng viên bọc đường, viên nang hoàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại quầy thuốc dưới đất, một thanh niên người Trung Quốc khác đứng bán nhưng không biết tiếng Việt, không rõ bằng cấp. Phòng khám không được phép truyền dịch, nhưng nơi đây ngang nhiên truyền dịch tại chỗ, xếp ghế san sát trên lầu 1 để truyền dịch cho bệnh nhân theo kiểu ngồi; có rất nhiều chai dịch truyền ghi toàn tiếng Trung Quốc, và những vỏ chai dịch truyền được chất cả trong nhà vệ sinh.
Ngoài ra, thanh tra còn phát hiện ra nơi đây không được phép làm phẫu thuật, nhưng vẫn dám cắt trĩ cho bệnh nhân. Lúc kiểm tra có cả bệnh nhân cắt trĩ đến tái khám. Phòng khám còn treo bảng quảng cáo về khả năng chữa bệnh không đúng với những gì đã được cấp phép. Điều kiện vệ sinh không đảm bảo…
Tại đây, nhiều bệnh nhân người từ quê lên, trông họ không có gì là khá giả, nhưng theo họ, vì nghe phòng khám giới thiệu chữa được nhiều bệnh, nên tìm đến, nhưng khi điều trị rồi mới biết tốn kém quá. Bệnh nhân N.V.M (42 tuổi, ngụ chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết: phòng khám này điều trị bệnh trĩ cho anh với giá gần 10 triệu đồng, hôm nay tới đây họ lại bảo anh truyền thêm 1,5 triệu đồng tiền nước biển nữa thì mới viết giấy bảo hành (?!).
Tương tự, anh V.V.T (27 tuổi, ngụ TP.HCM) thì cắt trĩ tại đây với giá 12,3 triệu đồng, “sáng nay, họ bảo tôi truyền 3 chai nước biển, giá 1,5 triệu đồng thì mới được phòng khám viết giấy bảo hành 20 năm bệnh không tái phát( ?!)”.
Bệnh nhân M.P.K (ngụ Vĩnh Cửu, Đồng Nai) may mắn hơn, khi sáng qua ông đến phòng khám thì đoàn thanh tra cũng có mặt, biết chuyện nên ông rút lui. “Tôi định đến đây chữa trĩ, vì thấy họ quảng cáo ở các đài tỉnh rằng chữa hết tất cả nhiều loại bệnh, nên định lên khám thử xem sao”, ông K. nói.
Những bệnh nhân trên cũng cho biết, sau khi cắt trĩ tại phòng khám, họ được đưa sang khách sạn Sơn Lâm (ngay phía sau phòng khám) để truyền nước biển. Theo đoàn kiểm tra, việc đưa bệnh nhân ra lưu bệnh, truyền dịch ở khách sạn là sai hoàn toàn.
Các thành viên đoàn thanh tra nhận định, phòng khám có nhiều sai phạm, làm nhiều kỹ thuật, yếu tố chuyên môn chưa được cấp phép, đặc biệt là chữa sản phụ khoa và bệnh trĩ. Vì vậy, có thể lần này, đoàn thanh tra sẽ đề xuất với cấp trên rút giấy phép của phòng khám này.
Đoàn Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản sai phạm, niêm phong nhiều loại thuốc để kiểm nghiệm; yêu cầu các “bác sĩ”, nhân viên người Trung Quốc làm việc tại phòng khám chưa xuất trình bằng cấp chuyên môn (những người đã bỏ trốn khỏi phòng khám) phải ngưng ngay việc khám chữa bệnh; yêu cầu ngưng hoạt động đối với các chuyên môn chưa xin phép nhưng vẫn làm gồm: khâu xét nghiệm, siêu âm, máy trị liệu phục hồi, phẫu thuật cắt trĩ…
Điều đáng nói là, năm 2009, phòng khám 141 Phan Đăng Lưu nói trên đã bị nhiều báo đài phản ánh về sai phạm nơi đây, nhưng đến nay họ vẫn ngang nhiên hoạt động sai trái. Câu hỏi đặt ra là: Họ coi thường cơ quan quản lý hay cơ quan quản lý làm lơ để phòng khám này ung dung “móc túi” người bệnh trong nước?
Một người từng làm cho phòng khám Trung Quốc ở TP.HCM cho biết: Phần lớn các phòng khám có yếu tố người Trung Quốc tại VN đều không được đầu tư nhiều, họ chỉ có vài bàn khám; thuê một số người biết tiếng Hoa để làm phiên dịch, tiếp nhận bệnh; đặt vài cái máy toàn chữ Trung Quốc gọi là điều trị sóng điện, sóng cao tần… Và, họ thường “cò” bệnh nhân truyền dịch, với giá rất cao: 500.000 đồng/chai, làm những thủ thuật khác, rồi tính giá trên trời, thường là vài chục triệu đồng/bệnh nhân. Ai không chi trả nỗi, họ có thể lấy thấp xuống còn 1/2, thậm chí 1/3 so với giá ban đầu đưa ra! Nhưng, điều đáng sợ nhất là không rõ chuyên môn của người Trung Quốc qua VN khám bệnh, cơ quan quản lý thì không làm quyết liệt, để các phòng khám Trung Quốc ngang nhiên sai phạm kéo dài.
Thuốc, dịch truyền toàn chữ Trung Quốc, không xuất trình giấy phép lưu hành tại phòng khám Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận. |
Chai dịch truyền để cả trong nhà vệ sinh tại phòng khám Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) |
Thanh niên nói tiếng Trung Quốc tại quầy thuốc tại phòng khám Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) |
Niêm phong thuốc hết hạn, thuốc không rõ nguồn gốc phòng khám Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) Tụi nó sống ở TQ ko đc giờ qua VN phá 3curse3 |