Trong lần khảo sát lăng mộ công chúa Phúc Thanh, đoàn khảo cổ đã bị dọa cho "chết khiếp" khi trông thấy một người đang nằm trên nắp quan tài.
Vị hoàng đế khai quốc nhà Minh Chu Nguyên Chương có 26 người con trai và 16 người con gái. Trong đó cô con gái mà Chu Nguyên Chương cưng chiều nhất chính là người con gái thứ 8, công chúa Phúc Thanh.
Nàng Phúc Thanh (1370 - 1417) có vẻ ngoài đoan trang, cầm kỳ thi họa đều thành thục, còn có tài mưu lược, điều hành đất nước nên nổi bật hơn hẳn các chị em trong nhà. Minh Sử chép rằng Phúc Thanh công chúa còn nhiều lần giúp vua cha giải quyết những vấn đề nan giải ở triều đình, việc công chúa nhúng tay vào quốc sự quả là điều hiếm hoi trong lịch sử.
Công chúa Phúc Thanh qua đời ở tuổi 47, hưởng lăng mộ tiêu chuẩn cao nhất trong các hoàng tử, công chúa cùng thời.
Lăng mộ công chúa Phúc Thanh rộng rãi với nhiều thiết kế cửa hình vòm ấn tượng (Ảnh: Beijing News)
Mãi tới năm 1998, Cục Di tích văn hóa Trung Quốc mới tình cờ tìm ra lăng mộ công chúa Phúc Thanh. Lăng nằm trên núi An Đức Sơn (nay thuộc thành phố Nam Kinh, Trung Quốc) có nhiều thiết kế mái vòm, chia làm 2 gian rộng rãi.
Tường bên trong quét vôi trắng nhưng cũng đã bị bong tróc nhiều. Mộ thất chứa quan tài của công chúa là căn phòng nằm ở góc trong cùng lăng. Sau khi tiến hành khai quật bảo vật trong vài năm, các chuyên gia đã thu hồi bảo vật trong lăng về nghiên cứu, sau đó lăng mộ được giăng biển "di tích đang tôn tạo" để bảo vệ.
Tới năm 2019, Cục Di tích văn hóa địa phương một lần nữa bắt tay vào cải tạo di tích lăng mộ công chúa Phúc Thanh. Nhưng trong lần khảo sát lăng này, đoàn khảo cổ đã bị dọa cho "khiếp vía":
Trước mắt họ là la liệt đồ đạc, quần áo, bên trong phòng mộ chính còn một bóng người đang nằm trên nắp quan tài. Người này bật dậy khi các chuyên gia bước tới và hoảng hốt giải thích họ chỉ là công nhân làm việc gần đây.
Đồ đạc chất đống bên trong mộ thất của công chúa Phúc Thanh (Ảnh: Beijing News)
Hóa ra trong khi khu dịch tích được căng biển cải tạo suốt nhiều năm, đã có những người dân tìm tới đây nương thân. Khoảng 20 - 30 công nhân vô gia cư đã chuyển tới đây sinh sống vì không thể trang trải tiền thuê nhà bên ngoài.
Ban ngày họ đi làm ở ngoài rồi tới đêm lại tìm về lăng mộ làm nơi tránh mưa gió. Họ cho biết "lăng mộ này mùa hè thoáng mát, mùa đông lại ấm áp, lại khuất xa khu dân cư nên rất lý tưởng để sinh sống".
Sau khi được thuyết phục, những người công nhân sống trong lăng mộ đã chấp nhận rời đi (Ảnh: Beijing News)
Khi được yêu cầu rời khỏi lăng mộ để các chuyên gia làm nhiệm vụ, những người công dân này đã tỏ ra vô cùng bất mãn, có người còn rút dao ra đe dọa các thành viên trong đoàn khảo cổ. Song sau một thời gian dài được thuyết phục, toán công nhân cũng đồng ý chuyển ra ngoài khu di tích.
Vụ việc đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc, đặt ra nhiều câu hỏi về hiện trạng bảo vệ các khu lăng mộ di tích văn hóa sau khi hoàn thành khai quật.