>>Ngắm Minh Hằng tình tứ với Lương Mạnh Hải
>>Bật mí từ "Ngôi nhà hạnh phúc" Việt Nam
>>Lương Mạnh Hải tình tứ bên Minh Hằng
Hằng bảo đây là lần đầu tiên được ngồi bệt tại ven hồ Gươm để nói chuyện bởi lần nào ra Hà Nội cũng tất bật vì lịch diễn, vì công việc. Vì thế, cô cảm thấy rất dễ để nói chuyện một cách thoải mái. Và câu chuyện mà chúng tôi chọn để trao đổi là vai diễn trong Ngôi nhà hạnh phúc và “ngôi nhà hạnh phúc” của chính bản thân Minh Hằng - điều mà cô gái này luôn khao khát.
- Vai Minh Minh trong "Ngôi nhà hạnh phúc" đã tìm đến với Hằng như thế nào vậy?
- Cái này là do đạo diễn chọn Hằng. Một hôm, đạo diễn có gọi cho Hằng hỏi: "Có thích xem phim Ngôi nhà hạnh phúc không?", Hằng trả lời: “Dạ thích chứ”. Đạo diễn lại hỏi tiếp: “Thế có muốn đóng phim Ngôi nhà hạnh phúc không?", Hằng tiếp tục trả lời: “Dạ thích…” . Một tháng sau, đạo diễn gọi lại và chính thức mời Hằng vào vai chính trong phim Ngôi nhà hạnh phúc.
Minh Hằng trong những ngày ở Hà Nội |
- Lúc đầu, Hằng cứ tưởng đó là một kịch bản đạo diễn viết từa tựa như Ngôi nhà hạnh phúc chứ không biết là mua chính gốc kịch bản của Hàn Quốc về. Điều đầu tiên là Hằng thấy hãnh diện vì được tham gia phim mình thích, rất vui.
- Hằng chắc chắn đã xem phim rồi nhỉ?
- Hằng xem tận 3 lần cơ! Lần đầu xem thấy cuốn hút, lần thứ hai xem lại vì quá thích và lần thứ 3 mới là xem để học hỏi chuẩn bị cho vai diễn.
- Vậy chắc Hằng đã xem rất kỹ diễn xuất của Song Hye Kyo. Hằng tư duy diễn xuất của mình trong vai Minh Minh thế nào?
- Diễn xuất của Song Hye Kyo không thể chê được gì nhưng Hằng sẽ không bắt chước vì muốn như vậy cũng đâu có được (cười) . Vì vậy, phải tìm cách diễn mới lạ và phù hợp với khẩu vị, với văn hoá ứng xử của người Việt. Đây là một điểm rất khó khi tư duy cho vai diễn, mình coi phim rồi, ấn tượng của người kia in sâu nhiều quá… Vậy, điểm mấu chốt là phải tìm ra tâm lý nhân vật của vai diễn này, tìm điểm then chốt để làm điểm nhấn cho các vệ tinh vây quanh. Ví dụ trong Gọi giấc mơ về, Hằng phải tìm ra điểm mấu chốt của nhân vật là “ngu ngu”, từ đó mới tư duy diễn như thế nào, mắt ra sao, động tác hình thể, phục trang…
- Trong diễn xuất, nhiều người nhận xét rằng trong "Gọi giấc mơ về" và "Giải cứu thần chết", Minh Hằng thành công nhờ đem tính cách thật ngoài đời vào phim. Họ đang rất nghi ngờ về sự thành công của Hằng trong phim mới này bởi nhân vật chính do Song Hye Kyo đóng cần chiều sâu và sự tinh tế trong thể hiện tâm trạng, Hằng nghĩ sao?
- Lúc đầu, khi Hằng đến casting phim Gọi giấc mơ về, đạo diễn có nhận xét rằng Hằng quá gầy. Hơn nữa, vai chính trong phim lại không đẹp, không xuất hiện với những bộ cánh đắt tiền và “trông ngu ngu” chứ không tinh nhanh, mắt quá lanh như Hằng. Nói chung là không hợp vai. Nhưng Hằng quyết tâm làm được, tăng cân và nghiên cứu cách diễn để thuyết phục đạo diễn. Ít ra, vai diễn trong phim cũng đã được khán giả chấp nhận. Bản tính Hằng là vậy, cái gì người ta bảo mình không làm được thì mình sẽ cố gắng làm cho bằng được
- Điều khó nhất của phiên bản "Ngôi nhà hạnh phúc" này với cá nhân Hằng?
- Rất nhiều thứ khó khăn khi chấp nhận tham gia phim này. Về hình tượng nhân vật, Hằng đã phải cắt tóc, hy sinh mái tóc dài đã theo suốt mình 23 năm trời. Với con gái thì việc này quan trọng lắm, bởi mái tóc dài rất dễ làm đẹp với nhiều kiểu. Trang phục cũng là điểm khó! Ở phiên bản Hàn, Song Hye Kyo bận đồ quá đẹp, về mức độ hút tuổi teen thì quá dễ thương, nữ tính, không chê được điểm nào. Vậy mình phải làm sao? Lúc tóc còn dài, Hằng mua một loạt váy hoa, sau khi cắt tóc ngắn lại phải bỏ hết đi, mua một loạt váy hoa khác. Nhưng điểm khó nhất đó chính là vấn đề hình tượng. Ăn mặc, đi đứng, thể hiện làm sao, uống nước thế nào, mang giày hợp không… phải tạo được hình tượng trong mắt khán giả. Điều này mới và đang tạo áp lực cho tất cả mọi người bởi ai cũng nghĩ Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt có thể được gọi là bộ phim thần tượng của Việt Nam.
- Việc này là Hằng tự nguyện và giấu đạo diễn để… cắt. Lúc đầu, khi chụp hình, Hằng vẫn để tóc dài, cột sang hai bên cho giống Song Hye Kyo thì đạo diễn nhận xét là hơi giống Song Hye Kyo nên không thích lắm. Hằng về suy nghĩ rồi tự động đi cắt tóc mà không cần hỏi đạo diễn. Cho đến buổi chụp hình lần sau Hằng mới hỏi đạo diễn về mái tóc của mình. Lúc đó, trong đầu mình đã chuẩn bị tâm lý là nếu chê là phải đi nối tóc lại luôn. Rất may, đạo diễn không những bằng lòng mà còn khen hết lời.
- Hằng nghĩ mình có lợi thế gì?
- Lợi thế là Hằng trông rất trẻ, có thể đóng được phim tuổi teen.
- Và… nhược điểm
- Ôi, nhiều nhược điểm lắm (cười). Nhưng nhược điểm lớn nhất và cũng chính là ưu điểm của Hằng, đó là cười rất là tươi và đôi mắt rất là lanh. Điều này gây phản tác dụng khi diễn những cảnh buồn, chiều sâu chưa tới dù mình đã rất cố gắng vận động.
- Trong phim, Minh Minh sẽ phải yêu đơn phương Vương Hoàng. Ngoài đời, Hằng đã yêu đơn phương ai chưa?
- Mối tình như trong phim thì Hằng chưa gặp nhưng yêu thầm thì có (cười). Ngày xưa Hằng nhát lắm, năm lớp 10 có thích một chàng trai đẹp trai cùng trường học trên hai lớp. Lúc đó được phân công đi làm sao đỏ, đi trực lớp cho anh đó, thấy “người ta” đẹp trai quá mà không dám thổ lộ, chỉ dám đứng ở xa nhìn hoài nhìn mãi thôi… Từ ngày làm nghệ thuật, bản tính cũng dạn ra nhiều, không như ngày đó nhưng mối tình đó cũng chỉ mình mình biết. “Người ta” đến giờ vẫn không biết Hằng thích đâu.
- Ngoài đời, mẫu người như Bi Rain trong "Ngôi nhà hạnh phúc" có phải là mẫu đàn ông của Hằng?
- Bi Rain trong phim là mẫu số chung của tất cả phụ nữ. Tuy ai cũng có đòi hỏi khác nhau về người đàn ông của mình nhưng Bi chính là mẫu số chung. Như kiểu hoa hậu đó. Nhưng mỗi độ tuổi Hằng lại thích một người đàn ông khác nhau. Ngày xưa Hằng thích một người làm cho mình vui, mình cười, giờ thì cần một người cho mình cảm giác được che chở, cảm thấy an toàn khi ở bên người đó.
- Một “ngôi nhà hạnh phúc” trong suy nghĩ của Hằng là như thế nào?
- Một căn nhà có vườn cây, hoa lá nhiều, có hồ bơi nhưng quan trọng nhất là phải có đầy đủ ba mẹ và những người thân của mình. Từ nhỏ, Hằng đã phải sống với má do hai người li dị cho nên mơ ước của Hằng luôn là như vậy. Vì thế, điều mà Hằng luôn tự nhủ là khi mình lập gia đình thì phải giữ cho gia đình đó hạnh phúc, không thể thiếu một ai, phải cho con cái một cái nền tảng tốt, điều đó rất quan trọng với một đứa trẻ đang trưởng thành. Có thời gian, Hằng tủi thân lắm…
- Từ ngày ba má li dị, Hằng cũng không gặp ba dù ba cũng ở Sài Gòn và còn ở rất gần. Mỗi người đã có cuộc sống riêng, ba có gia đình mới. Ba không đến gặp Hằng thì Hằng cũng không đến để gặp ba được. Hằng biết, ba cũng tự hào về con gái nhưng không dám gặp lại mẹ con Hằng. Vả lại, mình cũng đã quen với cuộc sống này rồi. Có thời gian tủi thân vì tan học về ai cũng có ba mẹ đi đón, mình cứ lủi thủi. Rồi khi lớn lên, cũng có lúc Hằng không còn tin vào đàn ông nữa… Nhưng Hằng cũng cảm ơn quãng thời gian đó cho mình sự mạnh mẽ, ý thức vươn lên với vai trò đỡ đầu của mẹ - người vừa làm mẹ, làm cha và làm bạn của Hằng.
- Điều này chắc sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh một người đàn ông của mình trong tương lai?
- Hằng luôn tự nhủ người đàn ông mình cưới nhất thiết phải là người mình yêu chứ không phải vì một lý do nào khác. Người đó phải là người có trách nhiệm với vợ con để gia đình đó không phải thiếu một ai và con cái được thừa hưởng một nền tảng chắc chắn cho tương lai của nó.
Theo Thế Giới Điện Ảnh