[justify]Trận lượt đi vòng 1/8 Champions League trước Milan, Barcelona chỉ sút trúng cầu môn đúng một lần (của Xavi), và cầu thủ hay nhất thế giới Lionel Messi thậm chí còn không dứt điểm nổi lần nào. Tiền đạo người Argentina đã hoàn toàn bị phong tỏa.[/justify]
[justify]Cách vô hiệu hóa Messi của Milan đã được Real Madrid học tập và áp dụng thành công trong hai trận Kinh điển diễn ra sau đó: Không kèm người với Messi, mà chỉ cắt đứt liên lạc của anh với các đồng đội, đặc biệt là ở những tình huống diễn ra trong 30m cuối cùng.[/justify]
[justify]Milan đã đảm bảo ít nhất có 3 cầu thủ đứng quanh không gian của Messi khi anh xâm nhập khu vực có thể gây nguy hiểm, không áp sát và sẵn sàng cắt mọi đường bóng đến chân anh. Nếu Messi nhận bóng, thì 2 trong số đó sẽ phong tỏa anh theo dạng một trước (dập), một sau (thòng), và người này bị vượt qua, thì người kia sẽ trì hoãn để đợi người vừa bị vượt qua quay lại phối hợp cản phá.[/justify]
[justify]Với các "ngòi nổ" khác, Milan chấp nhận “hy sinh” khu vực trước vòng cấm để tạo áp lực tốt hơn lên các tiền vệ Barca, đặc biệt là Xavi, và rất may là do đội bóng xứ Catalunya không sút xa, nên họ đã không tận dụng được không gian mà Milan chủ động bỏ lỏng này. Họ đẩy các "ngòi nổ" ra xa Messi, đồng thời phong tỏa tối đa các đường chuyền đến cho anh.[/justify]
[justify]Kết quả thì chúng ta cũng đã biết: Khi Messi bị cô lập, Barca không có phương án tấn công nào hiệu quả hơn.[/justify]
Messi đã bị Milan phong tỏa chặt chẽ ở lượt đi
[justify]Không thể bỏ tất cả trứng vào một rổ[/justify]
[justify]Anh đang “kéo lùi” lịch sử bóng đá thế giới. Năm ngoái, Messi ghi cả thảy 91 bàn, đưa bóng đá trở về thời những năm 1970, giai đoạn mà Gerd Mueller đã lập kỷ lục cũ, 85 bàn thắng trong năm 1972. Với bàn thắng vào lưới Deportivo ở vòng trước, Messi đã ghi bàn trong 17 trận liên tiếp ở giải VĐQG. Đồng hồ lại chỉ về những năm 1930: Kỷ lục cũ thuộc về Teodo Pewterek, người đã ghi 22 bàn trong 16 trận liên tiếp tại giải VĐQG Ba Lan trong giai đoạn 1937-1938.[/justify]
[justify]Nhờ thế, Messi trở thành cầu thủ đầu tiên đoạt Quả bóng Vàng thứ tư liên tiếp, vượt qua các tiền bối Platini và Van Basten. Nhưng gần hai năm qua, trong khi anh cứ kéo đổ hết tượng đài này đến tượng đài khác, Barca chỉ giành được một Cúp Nhà Vua.[/justify]
[justify]Hãy nhớ là vào mùa 2010/2011, Messi “chỉ” ghi 53 bàn/ 55 trận trên mọi đấu trường, hiệu suất thấp nhất trong 3 mùa gần đây, Barca đã đoạt 5 danh hiệu. Tương tự, mùa 2008/2009, thời điểm mà số bàn thắng của Messi là thấp nhất trong nửa thập kỷ trở lại (38 bàn/ 51 trận), Barca giành cú ăn sáu lịch sử.[/justify]
[justify]Lý do: Mùa 2008/2009, Messi được “chia lửa” với các đồng đội siêu hạng, là Samuel Eto`o (36 bàn trên mọi đấu trường) và Thierry Henry (26). Mùa 2010/2011, David Villa, vừa mới chuyển sang Barca, đã hòa nhập rất tốt và kết thúc mùa bóng với 23 bàn thắng, trong khi Pedro cũng trở thành một “hiện tượng”, với 22 bàn.[/justify]
[justify]Mùa bóng này thì sao? Messi đã ghi đến 48 bàn trên mọi mặt trận, và người đứng gần anh nhất là Villa chỉ có 10 bàn. Ngoài Messi, không ai trong cả đội Barca ghi được quá 10 bàn![/justify]
[justify]Một hệ thống hoàn toàn vì Messi[/justify]
[justify]Tiki-taka là một bệ đỡ lý tưởng cho bất kỳ hàng tấn công nào, nhưng nếu một hệ thống phục vụ quá chu toàn cho một cá nhân, thì hệ thống ấy sẽ đánh mất chính mình.[/justify]
[justify]Barca đã làm tất cả để cầu thủ hay nhất của họ tỏa sáng tối đa trong 4 mùa bóng qua: Kể từ khi được Pep Guardiola di chuyển từ cánh vào trung lộ, Messi ngày càng ghi bàn khủng khiếp hơn, nhưng anh cũng chạy ít đi, không còn những tình huống chịu dạt ra cánh, hoặc đột phá từ cánh như trước để tạo cơ hội cho các đồng đội.[/justify]
[justify]Một thống kê của hãng Opta gần đây cho biết Messi ra sân nhiều phút nhất cho Barca, nhưng di chuyển quãng đường ít nhất trong số các tiền vệ và tiền đạo. Các chân sút cắm bẩm sinh như Eto`o hay Villa đều đã phải chịu di chuyển ra cánh, vị trí đòi hỏi phải di chuyển rất nhiều và hao tốn thể lực, để châm ngòi cho Messi. Các chân sút chơi cặp luôn phải chuẩn bị tâm lý rằng chuyện Messi cố dứt điểm ở một tư thế khó, hoặc từ góc hẹp, thay vì chuyền cho họ, là điều đương nhiên.[/justify]
[justify]Sự “độc quyền” của Messi được củng cố ngày một rõ ràng hơn, trong khi các tiền đạo chơi cạnh anh thì cứ ngày một tệ đi, và các nhân tố “ngoại lai” như Ibra, Eto`o, hay Villa bây giờ, đều đã và đang trên đường rời Camp Nou.[/justify]
[justify]Tất nhiên, không ai xứng đáng được “phục vụ” hơn một thiên tài như Messi, nhưng Tiki-taka đang cho thấy dấu hiệu đánh mất sự độc lập của nó.[/justify]
Hãy ưu ái Messi một cách vừa phải, Barca sẽ trở lại là chính họ
[justify]Đội tuyển TBN không hề có Messi[/justify]
[justify]TBN đã thống trị thế giới nửa thập kỷ qua, với hai chức vô địch EURO và một World Cup, mà không cần một thiên tài như Messi. Tức là tự thân Tiki-taka đã là một trường phái vĩ đại có thể chinh phục mọi thứ mà không cần phải phục vụ cho bất kỳ cá nhân nào, kể cả thiên tài.[/justify]
[justify]Kỳ EURO 2012, đội tuyển TBN đã vô địch với một hệ thống “bình đẳng” chưa từng có nhờ sơ đồ 4-6-0, không phục vụ cho riêng ai, mà tất cả đều tương trợ lẫn nhau trên nền tảng là lối chơi chuyền-chạy đặc trưng của Tiki-taka. Tiền đạo cắm, người được cả đội phục vụ để làm một nhiệm vụ duy nhất là đưa bóng vào lưới, thậm chí còn bị HLV Del Bosque đưa vào… bảo tàng.[/justify]
[justify]Tất nhiên, Barca không phải đội TBN, nhưng Barca cũng không thể bị đồng nhất với Messi. Không thể coi tiền đạo người Argentina như một cầu thủ bình thường (anh là thiên tài), nhưng cũng không thể vì anh mà đánh mất cái vốn quý mà triết lý tạo ra Tiki-taka đã trao cho họ: Trước lối chơi này, các cá nhân đều bình đẳng, và cơ hội đều được trao một cách công bằng cho bất kỳ ai.[/justify]
[justify]Hãy ưu ái Messi một cách vừa phải, Barca sẽ trở lại là chính họ, đội bóng đại diện cho một trường phái vĩ đại, hơn là một cầu thủ vĩ đại. Bắt đầu từ trận lượt về gặp Milan?[/justify]