Tổng thống Medvedev (Dân trí) - Tổng thống Nga Medvedev ngày 3/7 thừa nhận cạnh tranh chính trị là điều kiện cơ bản để nước Nga phát triển, tuy nhiên ông cũng cho rằng cạnh tranh này phải "có chừng mực" và chịu sự giám sát của “một nhà lãnh đạo hành pháp mạnh mẽ”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn các phương tiện truyền thông của các nước G-8, Tổng thống Medvedev cũng kêu gọi thành lập một hệ thống kinh tế thế giới "đa tiền tệ", ít dựa vào đồng USD hơn. Ông nói: "Để đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh trên bình diện quốc tế, chúng tôi phải có cạnh tranh chính trị trong nước. Tuy nhiên sự cạnh tranh đó phải hợp lý, phải dựa trên cơ sở pháp luật".
Cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin từng bị chỉ trích nặng nề về tình trạng "dân chủ thụt lùi" và các đối tác của Nga trong G-8 đang theo dõi chặt chẽ những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Medvedev có thể đi theo đường hướng khác. Tân Tổng thống Nga Medvedev đã nói rõ rằng ông có thể khác với cựu Tổng thống Putin về "hình thức", nhưng ít có sự khác biệt về "nội dung" trong các chính sách cơ bản.
Giống như người tiền nhiệm Putin, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh rằng Nga là một đất nước cần có một nhà lãnh đạo hành pháp mạnh và lưu ý rằng việc áp dụng chế độ đại nghị "sẽ đồng nghĩa với sự cáo chung của nước Nga". Ông nói: "Nga vẫn phải duy trì chế độ cộng hòa dưới sự lãnh đạo của tổng thống đầy quyền lực trong nhiều thập kỷ hay thậm chí hàng trăm năm tới để duy trì sự thống nhất quốc gia".
Tổng thống Medvedev, 42 tuổi, cũng nhắc lại những tuyên bố trước đây của cựu Tổng thống Putin, người thày dạy của ông, đòi cải cách hệ thống kinh tế toàn cầu. Ông nói: "Hệ thống này phải không nên chỉ hướng tới một quốc gia và một đồng tiền. Trong tương lai, nó sẽ dựa trên sự cân bằng của các nền kinh tế lớn, dựa trên sự phát triển ổn định của các nền kinh tế này và dựa trên nguyên tắc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ".
Medvedev cho biết ông muốn tăng cường vai trò của đồng euro trong các vấn đề kinh tế thế giới và xem xét "những ý kiến" được bàn bạc ở một số nước châu Á để đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của họ.
Đề nghị này cùng với những lời kêu gọi mới đây của Medvedev về một thỏa thuận an ninh sâu rộng cho châu Âu bao gồm cả Nga có thể làm các nước G-8 khác tăng cường chú ý đến đường hướng tương lai của Nga.
Về Iran, ông Medvedev nói thế giới nên thuyết phục Tehran thông qua "các biện pháp khuyến khích tích cực" để giải quyết những lo ngại về chương trình hạt nhân của nước này. Ông nói: "Nếu chúng ta tiến hành đàm phán với Iran dưới nhiều hình thức, chúng ta không nên có những hành động khiến giới lãnh đạo Iran lo lắng và dẫn đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung".
Về các quan hệ với Anh vốn đã xấu đi đáng kể trong hai năm qua, Tổng thống Medvedev nói Moscow sẵn sàng "lật sang trang mới", nếu Luân Đôn cũng muốn như vậy.
Tổng thống Medvedev đã lên tiếng hoan nghênh những tiến bộ mới đây trong các nỗ lực của quốc tế nhằm buộc Bắc Triều Tiên hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và nói rằng những biện pháp gần đây - đặc biệt là việc Bình Nhưỡng dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân - là những bước đi đúng hướng. Về tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật Bản, Tổng thống Medvedev nói điều quan trọng là hai bên tiếp tục bàn bạc "một cách thiện chí" để giải quyết vấn đề.
Nguồn từ :dantri.com