[justify]Câu chuyện sẽ làm rơi nước mắt cho bất cứ ai, nếu tận mắt chứng kiến cảnh một đứa bé gầy guộc như gốc chuối còi, được người mẹ bỏ vào chiếc rọ sắt đan lưới mắt cáo. Chiếc rọ được người phụ nữ buộc sau xe đạp, rong ruổi khắp các ngả đường đi bán vé số. Câu chuyện chắc chắn cũng đánh động lòng trắc ẩn của bất cứ ai, nếu ngọn nguồn cám cảnh từ chính tình cảnh không thể nào khác của người mẹ.[/justify]
[justify]Từ thông tin có được trước đó, chúng tôi tìm đến nhà anh Dương Thanh Thoại (46 tuổi) và chị Hồ Thị Thu Thảo (45 tuổi) ở tổ 2, khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài. Đây là gia đình đã cưu mang hai mẹ con là nhân vật trong câu chuyện nhốt con trong lồng sắt, gây nhiều điều tiếng trên.[/justify]
Cậu bé theo mẹ đi bán vé số trong chiếc lồng sắt
[justify]Khi chúng tôi đến, chị Thảo bận đi công việc, nhưng may mắn đúng vào lúc anh Thoại đi công tác xa, nhân ngày chủ nhật về thăm nhà. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh cho biết: “Giờ đưa cháu vào trại trẻ mồ côi, chúng tôi thấy nhẹ nhàng hơn khi phải chứng kiến cảnh cháu bé bị người mẹ đối xử theo ý mình”.[/justify]
[justify]Người mẹ đối xử với con theo kiểu khác người nói trên chính là Vũ Thị Như Nguyệt (sinh năm 1990), đứa bé là Vũ Hoàng Ngọc Quý. Tính đến ngày được cách ly khỏi mẹ, bé vừa tròn 18 tháng tuổi, răng lên chưa đủ, miệng gọi mẹ chưa tròn tiếng. Anh Thoại kể rằng, cái ngày vợ chồng anh chị đi đón mẹ con Nguyệt về, cháu bé chỉ khoảng 1 tháng tuổi, còn đỏ hỏn. Trong một lần đi chợ, chị Thảo thấy một người phụ nữ trẻ rách rưới bế một cháu bé nằm lọt thỏm trong chiếc khăn quấn tạm, vạ vật ngoài chợ Đồng Xoài. Chị lại hỏi han, biết hoàn cảnh mẹ con màn trời chiếu đất, thương tình chị đưa về nhà cho ăn uống, tắm giặt.[/justify]
[justify]Thấy hai mẹ con không biết đi đâu về đâu, anh chị lại dọn gian phòng bên nhà cho mẹ con người đàn bà ở, không đồng tiền công, chẳng tiền điện nước. Anh chị cho hai mẹ con ở tới nay. Anh chị còn tất tả lên phường đứng tên làm thủ tục khai sinh cho cháu bé (Nguyệt không có giấy tờ tùy thân nên không làm được thủ tục giấy khai sinh cho con mình). Được giúp đỡ, người phụ nữ bắt đầu mưu sinh bằng nghề bán vé số.[/justify]
[justify]Để tiện cho việc bán vé số và cũng có lẽ để thuyết phục lòng trắc ẩn của nhân tâm, Nguyệt nghĩ ra cách bỏ con vào rọ sắt. Theo đó, chị đi đặt thợ cơ khí một chiếc lồng sắt hình chữ nhật, vừa đứa trẻ nằm, bên trên chị dùng một chiếc chăn rách phủ lên che nắng, che mưa. Cứ như thế, ngày mưa cũng như ngày nắng, chị lại chở con mình đi từ lúc tờ mờ sáng và về lúc nửa đêm, hết phường này đến ấp nọ.[/justify]
[justify]Trông cảnh thương tình, ai nấy đều mua giúp rất nhiều vé số cho chị. Việc chăm sóc con mình thì chị không hề màng tới, sự khuyên răn của mọi người chị đều bỏ ngoài tai. Thấy thương đứa bé, anh Thoại và chị Thảo đã bao lần dỡ rọ ra, thì chị lại buộc ngược vào. Mãi đến lúc nhờ chính quyền can thiệp, tịch thu chiếc rọ sắt, một vài ngày sau, chị lại đi đặt làm một chiếc rọ khác. Lần này để chính quyền và mọi người không làm gì được, chị đích thân mang xe đến tiệm nhờ thợ hàn đính luôn rọ sắt dính vào xe, rồi từ đó tiếp tục đi bán vé số. Anh Thoại buông giọng rầu rầu: “Vợ chồng tôi khuyên răn trăm ngàn lần, nhưng lấy cớ quyền con mình, nên Nguyệt vẫn làm theo ý mình, chúng tôi đành chịu”.[/justify]
Vũ Thị Như Nguyệt và đứa con nhốt trong lồng sắt
[justify]Không túng quẫn đến mức đó[/justify]
[justify]Không chỉ khác người bằng việc ẵm con bằng cũi sắt mà Vũ Thị Như Nguyệt còn "nổi tiếng" với trò bạo hành con. Người dân ở thị xã Đồng Xoài không lạ gì khi chứng kiến cảnh thị đánh con mình không nương tay. Anh Thoại là chủ nhà nên rất nhiều lần phải chứng kiến Nguyệt đánh con mình một cách vô cớ. Anh cho biết, hễ khi nào có chuyện buồn bực là Nguyệt lại trút lên đầu đứa con. Không bán được vé số, y như rằng về nhà cháu nhỏ lại dính mấy cái tát, lúc cháu khóc không nín thị cũng đánh.[/justify]
[justify]“Có hôm thấy cháu bé bị bầm tím mặt mày, vợ chồng tôi xót xa lắm. Khuyên răn nhiều, nhưng Nguyệt vẫn chứng nào tật đấy. Giành cháu nuôi thì không được, mà đuổi Nguyệt đi thì thấy thương”, anh Thoại tâm sự.[/justify]
[justify]Anh Thoại còn cho biết: Lần gần đây nhất vào ngày 17-11 cháu bé bị xây xước mặt mày, máu chảy ròng ròng, anh lại phải tất tả đưa cháu bé vào viện và phải khâu mất 7 mũi. Lần này Nguyệt lại khai do sơ suất cháu bị té xe, nhưng khi bác sĩ tiến hành khám thì kết quả cho rằng, vết thương nguyên nhân do bị đánh. Còn vô số lần người dân ở đây chứng kiến cảnh người mẹ trẻ này bạo hành đứa con không mảy may thương cảm. Một người dân khẳng định: Có lần còn thấy thị đẩy con mình ra giữa dòng xe cộ cho người đi đường dừng lại, thấy thương mà cho tiền.[/justify]
[justify]Câu hỏi mà dư luận đặt ra là liệu hoàn cảnh của Vũ Thị Như Nguyệt khốn cùng đến mức, không còn cách nào khác phải cho con vào cũi? Hay đó là sự hận đời “giận cá chém thớt”, mà thị trút vào đứa con thơ? Hay đây chỉ là màn diễn, cầu xin lòng trắc ẩn của mọi người qua những tờ vé số? Anh Thoại xác nhận, tuy Nguyệt đi bán vé số nhưng không phải là túng quẫn, mà ngược lại Nguyệt còn có cả xe máy. Hơn nữa, từ khi báo đài biết đến hoàn cảnh của mẹ con Nguyệt, những tấm lòng hảo tâm khắp nơi gửi tiền, gửi sữa, quần áo… đến cho cháu rất nhiều. Nhưng Nguyệt hoàn toàn không dùng vào việc chăm sóc con, mà để cháu nhỏ luôn trong cảnh thiếu thốn.[/justify]
[justify]Có người thương cháu bé xin cưu mang rồi sẽ chu cấp tiền cho Nguyệt, nhưng thị bảo rằng: “Để con tôi chở vào rọ, mỗi năm bán được cả trăm triệu tiền vé số, dại gì cho đi” (câu này được nhiều người gần phòng trọ của Nguyệt xác nhận - PV). Vậy phải chăng động cơ của Vũ Thị Như Nguyệt là đày đọa con mình để lợi dụng sự thương hại của mọi người mong kiếm được nhiều tiền từ việc bán vé số chăng?[/justify]
[justify]Ở khía cạnh khác, qua tìm hiểu của chúng tôi về mối quan hệ của Vũ Thị Như Nguyệt thì được biết, thị là một người sống lầm lì, khép kín, không muốn tiếp xúc với mọi người. Đứa con thị là hệ quả không mong muốn của mối tình không hạnh phúc của thị và một người chủ khách sạn trên địa bàn thị xã, nơi ngày trước thị từng làm thuê ở đó.[/justify]
[justify]Nguyệt không có họ hàng, bà con thân thích ở Bình Phước, không giấy tờ tùy thân, vì vậy đến bây giờ không ai biết thị quê gốc ở đâu. Anh Thoại cho biết thêm, có lần Nguyệt kể rằng thủa nhỏ Nguyệt sống rất khổ, mẹ mất sớm, cha lấy vợ hai nên Nguyệt phải sống với dì ghẻ, Nguyệt thường bị đánh đập và không được học hành. Phải chăng quá khứ bất hạnh và đường tình trắc trở nên thị bất mãn, hận đời và trút giận vào đứa con mình? Dù là lý do gì, việc đày đọa và bạo hành đứa trẻ vô tội chỉ 18 tháng tuổi dù là con mình, cũng vi phạm pháp luật, đạo đức và cũng đáng bị lên án.[/justify]