[size=3]Không biết đây là lần thứ bao nhiêu tòa án khắp nơi xử những vụ án mà cha/mẹ khi tự tử đã bắt con phải cùng chết. Những em bé ngây thơ vô tội bị tước đi quyền được sống chỉ vì những lỗi lầm của người lớn.[/size]
Hôm đó là một ngày cực vui với bé Hạnh. Chiều, Hạnh được mẹ dẫn đi chơi ở Đầm Sen. Tối, Hạnh được mẹ mua lồng đèn, cùng chơi đốt đèn Tết trung thu với nhiều em bé khác ở tiền sảnh khách sạn. Hạnh vô tư nô đùa mà không biết đây là đêm cuối cùng em được sống trên cõi đời này dù tuổi đời chưa lên năm, và người tước đi cuộc sống của em lại chính là mẹ ruột.
Trước đó, Hà đã chuẩn bị cái chết của hai mẹ con. Trong ba bức thư tuyệt mệnh Hà viết gửi gia đình, có đoạn: "Nhờ chị lấy tấm ảnh của bé Hạnh em để trong CD đem đi rửa làm ảnh thờ cho con".
[size=3]Lỗi lầm cay nghiệt[/size]
Hà lấy chồng năm 21 tuổi, 22 tuổi sinh con. Hôn nhân không hạnh phúc, con chưa được đầy năm, Hà ly dị chồng, bồng con về nhà ba mẹ ruột ở quận 10, TP.HCM sinh sống. Những năm đầu Hà đi làm công nhân, sau xin được vào làm nhân viên văn phòng ở một công ty tư nhân. Hà còn làm ngoài giờ ở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng, lại được gia đình cưu mang, cuộc sống của hai mẹ con Hà cũng không đến nỗi thiếu thốn.
Một năm trước khi vụ án xảy ra, Hà thất nghiệp. Không muốn làm gánh nặng cho gia đình, Hà vay mượn một vài người số tiền gần 20 triệu đồng. Không việc làm, lại bị chủ nợ cho người đến hăm dọa nhiều lần, trong cơn bức bách Hà nảy sinh ý định tự tử và muốn con gái cùng chết.
Cáo trạng thể hiện: trưa 6-10-2006, Hà đến trường mẫu giáo đón con, chở đến một khách sạn ở quận 10 thuê phòng. Chiều đó Hà lấy xe gắn máy chở con ra ngoài, ghé bưu điện gửi hai bức thư tuyệt mệnh cho gia đình, rồi đến một chỗ bán cây kiểng mua bốn chai thuốc trừ sâu.
Khoảng 9g sáng hôm sau, Hà pha thuốc trừ sâu vào ca nhựa cùng với một ít nước Coca Cola đặt trên bàn, rồi đem các vỏ ống thuốc bỏ vào thùng rác trong phòng vệ sinh. Khi đi ra, Hà thấy Hạnh đã cầm ca thuốc trừ sâu uống một nửa nên Hà uống hết phần còn lại và bế con lên giường nằm. Đến 15g, Hà tỉnh dậy. Hạnh đang nằm xem tivi nhìn thấy mẹ dậy liền nói: "Mẹ ơi sao con nhìn thấy tới hai cái tivi". Biết con đã ngấm thuốc, Hà viết thêm một bức thư tuyệt mệnh khác gửi gia đình, nhờ rửa hình thờ cho bé Hạnh. Xong, Hà tiếp tục lấy một chai thuốc trừ sâu khác uống và ôm Hạnh lên giường ngủ tiếp.
Đến chiều, nhân viên khách sạn thấy hai mẹ con Hà không ra khỏi phòng, sinh nghi gọi cửa thì không nghe tiếng trả lời nên dùng búa phá cửa vào, phát hiện cả hai đang bất tỉnh liền gọi xe đưa đi cấp cứu nhưng bé Hạnh đã chết.
"Không cha mẹ nào có quyền tước đi quyền được sống của con!"
Phiên tòa xét xử sáng 9-1-2008 ở Tòa án nhân dân TP.HCM diễn ra nặng nề suốt ba giờ, bởi hội đồng xét xử phải làm rõ hành vi giết con của bị cáo Hà. Hà khóc từ khi phiên tòa mới khai mạc đến khi kết thúc. Nhưng những giọt nước mắt ân hận muộn màng của Hà không làm dịu cơn phẫn nộ của nhiều người dự khán.
Hà khai trước phiên tòa: do chưa bao giờ thiếu nợ một số tiền lớn như vậy, người ta lại vô nhà xiết nợ, bị cáo sợ ảnh hưởng đến gia đình.Trước đó, Hà không dám nói cho gia đình biết và cha của Hà rất nghiêm khắc nên bị cáo rất sợ.
Những đoạn đối thoại sau nghe thật thương tâm:
- Bị cáo có thương con không?
- Có.
- Chiều 6-10 mua thuốc sao tối hôm đó bị cáo không uống liền mà để hôm sau?
- Bị cáo muốn ngủ với con mình một đêm nữa… (nói đến đây Hà khóc ngất).
- Bị cáo yêu thương con đến như vậy, lúc tỉnh dậy thấy con đã ngấm thuốc sao không đưa con đi cấp cứu?
- Lúc đó, bị cáo không thể suy nghĩ được gì nên lấy một chai thuốc khác uống tiếp.
Cha của Hà khai trước tòa rằng nếu biết việc Hà thiếu nợ, ông sẽ kêu chị em Hà gom góp trả nợ giúp. Trước khi xảy ra sự việc đau lòng này, Hà cũng không có thái độ gì bất thường. Giọng ông nghẹn ngào khi nói đến cái chết của cháu ngoại. Ông xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho con.
Đại diện gia đình người bị hại, cha bé Hạnh từ đầu chí cuối chỉ xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho người vợ cũ.
Hà bị xử phạt 12 năm tù giam. Với tuổi đời 27, chẳng biết người mẹ trẻ này sẽ sống ra sao trong suốt cuộc đời còn lại của mình.