Tin tức - pháp luật 2012-07-22 07:32:32

Mặt trái của sự bùng nổ ở Hong Kong


[size=2]Giá bất động sản thuộc hàng “đắt đỏ” nhất thế giới, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn và phúc lợi xã hội giảm sút… là những mặt trái của một Hong Kong phát triển nhanh "chóng mặt" sau 15 năm trở về với Đại lục.[/size]Hong Kong vừa tưng bừng tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày được Anh trả về cho Trung Quốc; đồng thời đón tân Trưởng đặc khu nhưng đằng sau sự rộn ràng đó còn biết bao điều phải bàn.

Một cụ già đang lượm giấy báo bỏ đi trước cổng siêu thị để kiếm sống.
Ông Leung Chun-ying, một triệu phú bất động sản với tư tưởng gần chính quyền trung ương Trung Quốc, chính thức nhậm chức Trưởng đặc khu hành chính dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Trước đó một vài ngày, ông Leung Chun-ying phải liên tục xin lỗi trên truyền thông địa phương về 6 công trình xây dựng trái phép tại dinh thự xa hoa của mình ở đỉnh Victoria, ngọn núi cao nhất Hong Kong.

Ông Leung lên nắm quyền lãnh đạo trong bối cảnh tồn tại hàng loạt thách thức kinh tế và xã hội, cộng thêm bê bối cá nhân. Điều đó khiến nhiều người dân địa phương tỏ ra không mấy tin tưởng vào tân lãnh đạo và chính quyền.

Hố sâu ngăn cách giàu nghèo

Một trong những thách thức lớn nhất đối với tân Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thuộc hàng top thế giới. Ở khu nhà giàu, đơn cử như Sai Ying Pun, khu ngoại thành cách trung tâm Hong Kong 10 phút đi bộ, giá thuê căn hộ 3 phòng ngủ trên tòa tháp mới xây được quảng cáo 8.200 USD, gấp 3 lần so với thu nhập trung bình hàng tháng của một gia đình Hong Kong. Người thuê được sử dụng hồ bơi, cà phê và bánh ngọt hoàn toàn miễn phí.

Đằng sau Hong Kong xa hoa đó là một thế giới khác, với những người lao động có mức sống dưới mức trung bình. Họ làm việc vất vả ngày đêm nhưng tiền công không đủ mua một cốc cà phê “thượng lưu” .

Bất động sản "đắt đỏ" nhất thế giới

Giá đất và nhà ở Hong Kong được liệt vào hàng cao nhất thế giới. Theo các trang web về bất động sản địa phương, một căn hộ bình dân diện tích khoảng 173 m2 có giá khoảng 13,43 tỷ VNĐ, còn tiền thuê trung bình mất 53,7 triệu VNĐ/tháng. Với thực tế đó, người lao động bình thường dành dụm cả đời cũng không thể mua nổi một căn hộ dù là nhỏ nhất.

Đã vậy, tiền thuê nhà cũng là gánh nặng lớn đối với người nghèo. Một tài xế taxi địa phương cho biết: “Việc kiếm sống ngày càng khó khăn. Hơn nửa tiền lương của tôi phải dùng để trả tiền thuê nhà”.

Trong căn hộ 2 buồng ngủ chật chội, bà Mary 70 tuổi phải sống cùng con trai 39 tuổi cùng một bầy thú nuôi. Tuy vậy, bà Mary vẫn cho biết mình quá may mắn: “May là tôi mua nhà từ xưa. Chứ thời điểm này tôi chịu. Giá tăng gấp đôi, gấp ba”.

Theo một thống kê chính thức của chính phủ năm 2010, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, chi phí cho nhà ở chiếm 32,85% tổng thu nhập của người dân Hong Kong.

Nhiều người đổ lỗi cho sự tăng đến chóng mặt của thị trường bất động sản là do có sự can thiệp của người Trung Quốc; khi người dân Đại lục đổ về Hong Kong đầu tư mua đất, mua nhà, khiến giá tăng "vùn vụt".

Lạm phát cao

Theo báo cáo về chỉ số phát triển của Hong Kong công bố tháng 3/2012, cuộc sống của người thu nhập thấp ngày càng khó khăn so với năm 2008 bởi lạm phát kinh tế. Tháng 5 vừa rồi, tỷ lệ lạm phát là 4,3% so với cùng kì năm ngoái, dù đã giảm nhẹ so với tháng trước nhờ chính phủ vào cuộc, hạ giá lương thực, thực phẩm.

Báo cáo nêu rõ: "Những người có thu nhập thấp đang phải đối mặt với mức sống thấp, không đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, làm việc".

Bà Mary dù may mắn có nhà, 4 người con đóng góp đỡ đần nhưng vẫn phải tiết kiệm từng đồng chi tiêu. Đặc biệt, bà than phiền chi phí dành cho y tế quá cao. Bà phải mất một khoản tiền lớn hàng tháng để điều trị y tế kể từ khi bị ngã vài năm trước.

Bà nói thêm: “Người dân Hong Kong luôn sống trong căng thẳng và mệt mỏi. Chi phí sinh hoạt quá cao. Để duy trì cuộc sống hàng ngày của một gia đình không phải là điều dễ dàng”.

An sinh xã hội yếu kém

Giá cao cùng sự bùng nổ kinh tế gián tiếp tác động đến tỷ lệ sinh đẻ ở Hong Kong. Theo các thống kê của chính phủ năm 2010, tỷ lệ sinh ở đây thấp nhất thế giới: mỗi phụ nữ trung bình chỉ sinh 1,1 con.

Tiền nhà, tiền ăn, tiền học và nhiều chi phí phát sinh khác khiến những ông bố, bà mẹ trẻ dè dặt trong việc sinh con. Họ sợ mình không có đủ khả năng kinh tế để nuôi chúng.

Tỷ lệ sinh thấp như vậy là không thể đủ "thay thế" 7 triệu dân Hong Kong đang già đi. Ước tính tới năm 2030, 25% tổng dân số sẽ qua tuổi 65, đồng nghĩa với việc Hong Kong phải đối mặt với nguy cơ bị già hóa.

Thêm vào đó, một thực tế dễ nhận ra là đời sống của người nghèo, đặc biệt là những người già đang bị giảm sút và không nhận được sự quan tâm thích đáng từ phía chính quyền. Họ có ngân sách khá dồi dào nhưng chưa đầu tư thỏa đáng cho sự phát triển xã hội. Trong khi đó, rất nhiều người già nằm trong nhóm những gia đình có thu nhập thấp cần được sự hỗ trợ từ các dịch vụ cộng đồng.

Theo quy định, người già ở độ tuổi ngoài 65 có thể nộp đơn xin nhận hỗ trợ của chính quyền nhưng được xét duyệt hay không còn phụ thuộc tài sản và thu nhập cá nhân của họ. Và nếu có được thì mỗi người cũng chỉ được nhận khoảng 2,7 triệu VNĐ mỗi tháng, quá ít so với các khoản chi tiêu hiện tại.

Như trường hợp của bà Wong Miu Ping, bạn của bà Mary, ngoài 70 tuổi, dù không còn khả năng lao động nhưng vẫn hoàn toàn sống dựa vào những đồng tiền ít ỏi dành dụm được. Sau cuộc phẩu thuật, tay bà không thể làm việc được nữa, bà buộc phải nghỉ hưu sớm và đây là nguyên nhân bà không được nhận trợ cấp từ chính phủ.

Khi được hỏi cảm nghĩ và đánh giá về thực tại và tương lai của Hong Kong, bà Mary chia sẻ: "Tôi già rồi nhưng luôn nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc sống. Khi nhìn thẳng phía trước mắt, thì cái bóng đen của mình sẽ luôn ở phía sau lưng”.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)