[size=4]
Người ta gọi tôi là "Chuyện giàn thiên lý"[/size]
- Anh bắt đầu đến với âm nhạc tình cờ chứ không phải theo con đường chuyên nghiệp?
- Tôi bắt đầu nghiệp hát ở ca đoàn nhà thờ Bàn Cờ. Ông trưởng ca đoàn nói giọng tôi tốt nên có thể đứng solo. Rồi sau đó, quen biết một số người và giới thiệu hát văn công quận 3. Sẵn lúc đó, tôi cũng cần có việc làm để chứng minh mình không lông bông nên nhận lời luôn. Văn công của quận, lương không được bao nhiêu nhưng giống như một đoàn nhỏ, được cử đi học thanh nhạc ở nhà Nghệ thuật sân khấu. Sau ba tháng thì tôi nhận được một tấm bằng.
Rồi bạn bè giới thiệu đi hát. Năm 1983, tôi bắt đầu đi hát trong một vài nhóm nhạc trẻ ở Chợ Lớn tại các phòng trà, nhảy tùm lum, đi hát cho hết nhóm nọ đến nhóm kia.
- Hồi đó anh hát nhạc gì?
- Lúc đó, tôi hát những ca khúc như Dấu chân tròn trên cát, Huyền thoại mẹ, rồi nhiều ca khúc sôi động. Khi có tuổi rồi thì chỉ hát nhạc trữ tình thôi.
[size=2][/size]
- Vậy là anh bắt đầu cũng suôn sẻ đó chứ?
- Đúng rồi, cũng có suôn sẻ nhưng không quá suôn sẻ đâu. Bước đầu làm nghệ thuật ai cũng gặp khó khăn. Tôi cũng đi tỉnh diễn, sống chung với đoàn. Mùa mưa ở Sài Gòn thì đi tỉnh, mưa ở tỉnh thì lại quay về Sài Gòn hát.
Hồi đó, tôi chủ yếu làm cho mấy công ty. Các ông giám đốc nhận tôi vào giống như “gà” của công ty để đi hát cho mấy hội thi. Đi làm chơi chơi để người ta thấy mặt thôi, còn đâu thì mồm miệng đỡ chân tay.
Lúc đi thi thì phải thi cho ra trò. Hồi đó, tôi đem nhiều huy chương vàng về cho các công ty tôi làm việc, đơn ca có, song ca cũng có…
[size=2]Ca sĩ Mạnh Đình. Ảnh do nghệ sỹ cung cấp[/size]
[size=2][/size]
Năm 1985, hội diễn của công ty xăng dầu được tổ chức ở Hà Nội. Đó là lần đầu tiên tôi được ra Hà Nội, Quảng Ninh, được đi hết các thắng cảnh ở Hà Nội, được tặng cả những con sư tử bằng đá ở Quảng Ninh. Giờ Hà Nội cũng thay đổi nhiều quá.
- Anh sang Mỹ năm 1992 và tiếp tục sự nghiệp bằng cuộc thi hát của Duy Khánh?
- Lúc đó, ở Mỹ chưa có nhiều nhân tài người Việt. Tôi thi cuộc thi đó và giành [size=4]huy chương vàng[/size]. Nhạc sỹ Duy Khánh, Trịnh Lâm Ngân, Nguyễn Hiền đánh giá rằng, lâu lắm rồi mới thấy một giọng ca mang âm hưởng dân ca quê hương trên đất Mỹ.
- Khi được khen như thế, cảm giác của anh thế nào?
- Trong cuộc thi, tôi hát hai ca khúc Cho một người nằm xuống (Trịnh Công Sơn) và Xuân này con không về (Phạm Duy). Một ca khúc trữ tình và một ca khúc của thể loại ngũ cung. Các nhạc sĩ đánh giá giọng tôi tốt, âm vực rộng, màu sắc nhiều. Tôi sung sướng lắm.
- Sau cuộc thi đó anh đi hát thế nào?
- Trong vòng thi bán kết, các giám đốc của các Trung tâm nhạc ở hải ngoại có ngồi chơi và nghe chúng tôi hát, trong đó có nhạc sĩ Trúc Hồ của Trung tâm Asia. Nghe tôi hát xong, anh đưa cho tôi giấy mời lên phòng thu thử giọng. Nếu được sẽ ký hợp đồng trở thành ca sĩ của Trung tâm. Ngày hôm sau, tôi có chạy qua phòng thu thử giọng và được chấp nhận.
Trung tâm muốn ký với tôi hai năm nhưng tôi xin được thi xong cuộc thi đó mới nói đến chuyện ký hợp đồng. Trúc Hồ nói rằng “khi anh ký với em thì nghiễm nhiên em là ca sĩ chuyên nghiệp. Nếu em đi thi tiếp rồi không được huy chương thì sao. Như vậy anh lại nhận người không đoạt giải”. Nhưng tôi nói “em tin vào linh tính của mình, em sẽ đoạt giải”. Và đúng như vậy. Sau đó tôi trở lại Trung tâm và bắt đầu đi hát với tư cách là ca sĩ chuyên nghiệp.
- Rồi đời sống âm nhạc của anh ra sao?
- Tôi bắt đầu phát hành Album Chuyện giàn thiên lý. Hồi đó, nó giống như một hiện tượng, cũng có mặt ở VN và rất được yêu thích. Trước khi sang Mỹ, tôi tên là Đỗ Mạnh, sang đó đổi thành Mạnh Đình. Bạn bè ở VN thấy tôi xuất hiện trên video thì thích thú lắm.
Tôi có một cô bạn làm bên công ty xăng dầu tên là Thanh, thân thiết nên sang nhà chơi hoài. Bà mẹ cô xem video nói tôi không phải Đỗ Mạnh vì khi sang đó, tôi mập và trắng hơn. Rồi cô ấy gửi thư sang Trung tâm Asia cho tôi nói “nếu Mạnh Đình là Đỗ Mạnh thì gửi một bức thư về cho Thanh để mẹ Thanh tin”. Tôi gửi thư về, “Thanh ơi, Mạnh đó, Mạnh Đình là Đỗ Mạnh đó”. Tôi mừng là có nhiều người rất yêu mến giọng hát của tôi trong album đầu tay đó.
- Anh đến với ca khúc Chuyện giàn thiên lý như thế nào?
- Ca khúc đầu tiên tôi hát ở Asia là Hồi chuông xóm đạo. Bài đó chưa để dấu ấn trong lòng khán giả nhiều lắm. Bài Chuyện giàn thiên lý làm tên tuổi của tôi bật hẳn lên. Lúc đó, người ta đảo lại nghe bài hát đầu tiên.
- Sau này, anh không có ca khúc nào vượt qua Chuyện giàn thiên lý?
- Không. Mỗi cuộc đời của ca sĩ chỉ cần có một vài ca khúc để đời là mừng rồi. Có ca sĩ rất nổi tiếng nhưng không có ca khúc nào như thế. Tôi nghĩ mình may mắn khi được gọi là Chuyện giàn thiên lý thay vì gọi tên. Mỗi lần như thế, tôi rất vui.
- Ở bên đó, cuộc sống của anh ra sao?
- Cũng bình thường thôi. Đi hát chỉ cuối tuần, những ngày khác thì ở không, đi tìm nhạc để làm CD, hòa âm, mua sắm quần áo. Tuy nhiên, lúc tôi mới nổi với ca khúc Giàn thiên lý thì nhận nhiều show lắm, đi hát cho tiệc tùng, rồi sang châu Âu chạy show. Hát cũng cực như ca sĩ đi tỉnh trong nước, phải đi xe từ nước này sang nước kia. Thu nhập cũng tạm sống.
- Anh thấy đời sống và biểu diễn của các ca sĩ trong nước thế nào?
- Tôi thấy khá hơn ca sĩ ở Mỹ đó, hát rất nhiều show, nhiều tiền, có nhiều nơi để hát nên được tích tiểu thành đại. Nếu bên này đi hát có thể nhanh chóng mua nhà thì bên kia đi hát cũng phải vay tiền mua và trả trong 30 năm.
- Anh đã mua được nhà chưa?
- Cũng mua được rồi. Mọi thứ cũng đã tạm ổn.
[size=4]
Mai sau già, tôi sẽ tìm một bà bạn già để chung sống![/size]
- Anh cũng là một người tài hoa, chắc hẳn sẽ có nhiều cô gái mê. Vậy mà giờ vẫn còn một mình?
- Thực sự tôi cũng đi nhiều, không biết lúc nào có thể dừng chân. Nghệ sỹ như tôi yêu ánh đèn sân khấu hơn cả bạn gái. Chuyện tình cảm cũng có nhưng nếu người bạn của mình thông cảm được với cuộc sống nghệ sỹ hay phải đi đây đi đó thì mới quen. Nhưng người đời thì luôn nói “ôi nghệ sỹ mà, chơi được thì chơi, không được thì thôi, chứ tính thì như vậy rồi, nay đây mai đó, nay ôm người này mai ôm người khác”.
Ngay trong gia đình tôi, bố mẹ còn nói “nếu mày định lấy vợ thì thôi không đi hát nữa, phải chọn một trong hai, chứ cứ đi đóng phim mà ôm hôn hết người nọ người kia thì làm sao vợ mày chấp nhận được”. Nhưng tôi nói với ba mẹ: “Đây là nghề chính của con, phải bỏ đi lấy gì mà sống, lấy gì làm niềm vui”. Và tôi quyết định chọn nghệ thuật.
[size=2][/size] [size=2][/size]
- Nhưng có rất nhiều nghệ sĩ lấy vợ, sinh con (thậm chí là lấy mấy vợ!) mà làm nghệ thuật vẫn thành công?
- Thế nên mới nói đến sự cảm thông và chia sẻ. Có những người rất thích mình nhưng khi chung sống, chạm với thực tế thì mọi chuyện sẽ khác. Nên giờ có bạn thì chỉ chơi vui vui thôi.
- Thế anh có nhiều bạn "chơi vui vui" như vậy không?
- Cũng có nhưng không chung sống theo kiểu có giấy tờ, lấy làm vợ thì hơi khó với tôi.
- Trong số đó, anh không có tình cảm sâu sắc với ai để kết hôn?
- Muốn có gia đình, chắc tôi không thể đi hát nữa. Đợt vừa rồi cũng có người muốn giới thiệu nhưng tôi đi vài tháng nên lại thôi. Tôi nghĩ sống thế nào để thoải mái, không bị trói tay, trói chân là được. Tôi thuộc loại ham chơi mà. Mai sau già rồi, không đi hát tôi sẽ tìm một bà bạn già để chung sống.
- Cảm xúc của anh khi đứng hát trước khán giả quê nhà thế nào?
- Thích lắm chứ. Tôi từng là ca sĩ trong nước trước khi ra nước ngoài. Giờ lại trở về hát cho người dân mình nghe. Ở bên kia, dù hát cho người mình nhưng cũng có một số bộ phận như người phụ trách âm thanh, ánh sáng họ nghe mình như “vịt nghe sấm” như thế cũng đâu có thích.
- Nghe nói có vài điều anh thấy tiếc trong lần lưu diễn miền Bắc này?
- Đây là lần đầu tiên tôi hát ở miền Bắc sau bao nhiêu năm. Lần này tôi muốn trở lại miền Bắc để nhớ lại những kỷ niệm của mình.Tôi chỉ tiếc có những đoàn đi lừa khán giả nên khi chúng tôi đi thì họ nói rằng "đến Ngọc Sơn còn không có thì lấy đâu mà có Mạnh Đình và Giao Linh". Tôi nghe như vậy, thì hơi sốc. Một điều đáng tiếc nữa là tôi chưa có dịp diễn cho công chúng Hà Nội. 15 năm trước tôi đã từng hát ở Thủ đô, chắc chắn tôi sẽ trở lại Hà Nội trong một chương trình khác.
- Trong thời gian tới anh có kế hoạch gì ở Việt Nam không?
- Trước mắt, tôi sẽ ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa quê hương đấy!
- Xin cảm ơn anh!