Kết nghĩa vườn đào chỉ là câu chuyện bịa đặt của tác giả Tam quốc. Thực tế, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi chưa từng kết bái huynh đệ ?
Đọc Tam quốc diễn nghĩa, không ai không nhớ về cuộc kết bái huynh đệ nổi tiếng của ba anh em Lưu Quan Trương mà người ta vẫn gọi là “kết nghĩa vườn đào”. Ít người biết rằng, kết nghĩa vườn đào chỉ là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt của tác giả Tam quốc. Thực tế, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi chưa bao giờ kết bái huynh đệ chứ đừng nói tới vườn đào…
Cuộc kết nghĩa của ba anh em Lưu Quan Trương là câu chuyện mở đầu của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Chuyện kể rằng, vào cuối thời nhà Hán, triều đình thối nát khiến cảnh đói rách tràn lan, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi trong đó có khởi nghĩa Khăn vàng với sức mạnh vũ bão. Khi cáo thị tìm người diệt Khăn vàng đến Trác Quận, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi đi xem và tình cờ gặp nhau, rồi bày tiệc kết nghĩa ở vườn đào, từ đó gắn bó với nhau cho đến lúc chết.
Thế nhưng, thực tế lịch sử lại diễn ra hoàn toàn không giống như những gì La Quán Trung viết.
Không sử sách nào ghi chép
Trong phần “Quan Vũ truyện”, sách Tam quốc chí của Trần Thọ có chép, khi Lưu Bị dựng cờ tập hợp quân sĩ, Quan Vũ, Trương Phi đã đến đầu quân. Lưu Bị sau đó được phong Bình Nguyên tướng, “thân thiết với Quan, Trương như anh em, còn ngủ cùng giường. Quan, Trương hai người ngày ngày hầu hạ bên cạnh, không quản ngại khó nhọc, gian khổ”. Quan Vũ từng nói: “Tôi chịu ơn của Lưu tướng quân, thề sẽ cùng sống chết”.
Từ đoạn chép trong Tam quốc chí, cuốn sử được coi là khá chính xác về thời đại Tam quốc, có thể khẳng định rằng mối quan hệ giữa Lưu, Quan, Trương rất thân thiết, vui buồn cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia. Quan Vũ, Trương Phi cũng rất trung thành với Lưu Bị, không quản gian khổ ngày ngày theo hầu bên cạnh để bảo vệ Lưu Bị. Tuy nhiên, theo Tam Quốc chí, ba người “thân như anh em” chứ không có quan hệ anh em hay từng kết bái làm anh em. Thêm nữa, câu nói của Quan Vũ cũng cho thấy, ba người chưa từng kết nghĩa huynh đệ bởi nếu thế, Quan Vũ sẽ phải gọi Lưu Bị là “anh” chứ không phải là “Lưu tướng quân” như Trần Thọ đã chép. Tuy nhiên, đây chưa phải là chứng cứ duy nhất.
Sách Tam quốc chí phần “Trương Phi truyện” cũng có chép, từ khi Trương Phi còn trẻ đã cùng với Quan Vũ khởi sự và cùng thờ Lưu Bị. “Vũ lớn hơn nhiều tuổi, nên Phi coi như anh”. Như vậy, sách Tam quốc chí cũng chỉ chép Trương Phi xem Quan Vũ như anh chứ không đề cập đến Lưu Bị. Hơn nữa, sử gia này cũng chỉ nói, vì Quan Vũ nhiều tuổi hơn so Trương Phi nên Trương Phi đối đãi như anh chứ không phải hai người họ kết nghĩa.
Phần “Lưu Diệp truyện” của sách này cũng chép, sau khi Quan Vũ làm mất Kinh Châu, bị quân Đông Ngô giết chết, Ngụy Văn Đế Tào Phi, con Tào Tháo, mới hỏi quần thần rằng liệu Lưu Bị có xuất binh tấn công Ngô hay không. Trong số những người đứng hầu, Lưu Diệp bước ra đáp: “Lưu Bị và Quan Vũ nghĩa là quân thần, nhưng ơn như cha con. Quan Vũ bị giết hại, nếu như Lưu Bị không xuất quân báo thù cho hắn thì cả ơn cả nghĩa đều không thể coi là trọn vẹn trước sau với Quan Vũ”.
Lưu Diệp dùng từ “cha con” để hình dung mối quan hệ cá nhân giữa Lưu Bị và Quan Vũ chứ không hề đề cập tới quan hệ anh em. Nếu như Lưu, Quan, Trương đã từng kết bái huynh đệ, ắt hẳn Lưu Diệp sẽ không nói như vậy.
Quan Vũ mới là anh cả
Trong hồi đầu tiên của “Tam quốc diễn nghĩa” có viết, khi kết nghĩa vườn đào, ba người theo tuổi mà phân định anh em. Năm đó (năm Trung Bình thứ nhất đời Hán Linh Đế, tức năm 184), Lưu Bị 28 tuổi. Tuy nhiên, theo phần "Tiên chủ truyện" (truyện về Lưu Bị) trong Tam quốc chí, Lưu Bị chết vào tháng năm Chương Vũ thứ 3 (tức năm 223), thọ 63 tuổi. Theo cách tính tuổi truyền thống của người Trung Quốc là tính cả tuổi mụ thì Lưu Bị sinh năm 161. Khi giặc Khăn vàng nổi dậy vào năm 184, ông mới 23 tuổi.
Lại xem đến tuổi của Quan Vũ. Sử sách ghi chép về năm sinh của Quan Vũ là “không rõ”, chỉ biết vị tướng mặt đỏ râu dài này mất vào năm Kiến Anh thứ 24 (tức là năm 219). Các nhà nghiên cứu sau khi bỏ rất nhiều công khảo chứng cho rằng, Quan Vũ sinh vào khoảng năm 159, lớn hơn Lưu Bị hai tuổi. Vào những năm dưới triều vua Khang Hy nhà Thanh, khi đào giếng tại quê cũ Quan Vũ tại Giải Châu (nay là thành phố Vận Thành, Sơn Tây, Trung Quốc), người ta đã đào được bia mộ của ngôi mộ tổ dòng họ Quan Vũ.
Trên tấm bia mộ đào được có khắc gia thế của Quan Vũ. Khi đó, có một người tên là Chu Đán đã viết một bài văn có tên là “Ghi chép về tấm bia mộ tổ Quan Vũ”. Trong bài viết này, Chu Đán có viết rằng, Quan Vũ sinh vào năm Diên Hy thứ 3 nhà Hán, tức năm 160, tức hơn Lưu Bị một tuổi.
Tuổi của Trương Phi thì tương đối dễ xác định. Trong sách Quan Công niên phổ có chép, Trương Phi nhỏ hơn Lưu Bị bốn tuổi. Theo đó mà tính thì Trương Phi sinh vào khoảng năm 165 và kém Quan Vũ chí ít là 5 tuổi.
Nếu dựa vào những tư liệu trên, giả như ba người họ có kết nghĩa anh em mà các sử gia “quên” ghi vào sử sách thì anh cả phải là Quan Vũ chứ không phải Lưu Bị và bộ ba “Lưu Quan Trương” đáng ra phải là “Quan Lưu Trương” mới hợp lẽ.
Chuyện bịa đặt trong dân gian
Như vậy, rõ ràng là chuyện “kết nghĩa vườn đào” của ba người là hoàn toàn không đáng tin vì vừa không có căn cứ về mặt sử liệu lại vừa có rất nhiều sơ hở. Vậy vì sao La Quán Trung lại đưa chuyện kết nghĩa vườn đào vào trong tiểu thuyết của mình mà lại đưa lên ngay vị trí đầu tiên của cuốn sách?
Tam quốc diễn nghĩa vốn là một cuốn sách “bảy phần thực ba phần hư”. Tác giả La Quán Trung, sống cách thời Tam quốc hàng ngàn năm, để viết được một cuốn sách như vậy phần lớn là căn cứ vào các câu chuyện lưu truyền trong dân gian rồi biên soạn lại. Mà kết nghĩa vườn đào là một trong số không ít những câu chuyện do dân gian tưởng tượng mà nên. Việc dân gian lưu truyền cuộc kết nghĩa vườn đào của baLưu Quan Trương có thể là do sự tưởng tượng từ câu “tình như anh em” trong cuốn chính sử của Trần Thọ. Còn việc Lưu Bị mặc dù nhỏ tuổi hơn Quan Vũ nhưng vẫn được tôn làm anh là vì Lưu Bị ít tuổi song lại là vua. Trong mối quan hệ về mặt “hành chính”, Lưu Bị là cấp trên”của Quan Vũ, do vậy khi dân gian tưởng tượng ra câu chuyện “kết nghĩa vườn đào” đã đưa Lưu Bị lên làm anh. Như vậy mới gọi là biết “lễ”, biết “nghĩa”. Vấn đề là ở chỗ, từ khi nào thì câu chuyện “ết nghĩa vườn đào bịa đặt này bắt đầu xuất hiện?
Theo khảo cứu thì muộn nhất là tới thời nhà Tống (khoảng thế kỷ 11), câu chuyện “kết nghĩa vườn đào” bắt đầu lưu truyền. Cuối đời Tống, trong cuốn sách Ghi chép về việc xây lại miếu có viết: “Ban đầu, Quan Vũ và Xa kỵ tướng quân Trương Phi cùng với Lưu Bị làm bạn, kết thành anh em…”. Như vậy, bắt đầu từ đây, mối quan hệ “thân như anh em” trong chính sử bắt đầu biến thành “kết thành anh em” trong các câu chuyện dân gian. Đến thời Nguyên sau đó, câu chuyện kết nghĩa vườn đào”này càng ngày càng trở nên đầy đủ và hoàn thiện hơn. Người ta bắt đầu thêm vào các tình tiết để câu chuyện trở nên phong phú hơn. Và cũng vì thế, bắt đầu xuất hiện những dị bản khác nhau về chuyện kết nghĩa vườn đào.
Trong một vở kịch được dựng vào thời Nguyên, thời đại hý kịch phát triển nhất trong lịch sử Trung Quốc, có một vở kịch tên là Kết nghĩa vườn đào của Lưu Quan Trương kể lại câu chuyện như sau: Quan Doãn Bồ Châu họ Tang muốn nhân lúc thiên hạ rối loạn tự mình tạo dựng binh nghiệp, mời Quan Vũ làm tướng thống lĩnh. Quan Vũ giết họ Tang rồi trốn đến đất Phạm Dương, Trác Châu. Lúc đó, Trương Phi đang mở cửa hàng bán thịt tại đây. Một hôm, Trương Phi có việc ra ngoài, trước khi đi cố ý dùng một tảng đá lớn đè lên một thành đao đặt phía trước cửa hàng, nói với người làm rằng, nếu như có người lấy được thanh đao đặt dưới tảng đá thì đem toàn bộ thịt biếu cho người đó và phải nhớ người đó ở đâu.
Không lâu sau, Quan Vũ đi ngang qua cửa hàng của Trương Phi, nghe câu chuyện này mới nhẹ nhàng bước tới nâng tảng đá lớn, lấy thanh đao một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Quan Vũ nhất định từ chối nhận thịt. Khi Trương Phi trở về, biết chuyện này bèn đi tìm Quan Vũ, đến quán rượu gặp mặt rồi bái Quan Vũ làm anh.
Hai người sau đó lại gặp Lưu Bị. Thấy Lưu Bị tướng mạo phi phàm nên Quan Trương hai người mời uống rượu cùng. Lưu Bị uống say nằm ngủ, chỉ thấy có con rắn đỏ chui vào thất khiếu Lưu Bị. Quan Vũ cho rằng “phúc của người này tương lai ắt sẽ giàu sang phú quý”. Vì vậy, hai người lại cùng bái Lưu Bị làm anh. Ba người cùng mổ trâu giết ngựa, lập hương án tại vườn đào ngoại thành làm lễ trước trời đất đồng thời thề rằng: “Không cầu cùng sinh môt ngày, chỉ cầu sẽ cùng chết một ngày”.
Trong một cuốn sách có tên Lời bình về Tam quốc chí cũng thuộc thời Nguyên, câu chuyện kết nghĩa vườn đào”càng được miêu tả chân thực hơn. Sách viết rằng: Quan Vũ quê ở Bình Dương, Bồ Châu, vốn là một người lương thiện, tướng mạo phi phàm, mắt phượng mày ngài, thân cao 9 thước 2, thích xem sách Xuân Thu, Tả truyện, mỗi khi xem đến đoạn bọn loạn thần tặc tử thì vô cùng tức giận. Sau đó, vì quan huyện Bình Dương tham tàn bạo ngược, tàn hại nhân dân trong huyện, Quan Vũ trong cơn tức giận đã giết chết tên quan độc ác, sau đó bỏ trốn đến Trác Quận.
Ở Trác Quận có một người họ Trương, tên Phi, thân cao hơn 9 thước, tiếng nói như chiếc chuông lớn, là một người giàu có trong vùng. Một hôm, khi Trương Phi đứng trước cửa nhà mình thì Quan Vũ đi qua. Trương Phi thấy người đàn ông tướng mạo hơn người nên mới bước lên thi lễ hỏi thăm. Quan Vũ kể câu chuyện mình giết người phải bỏ trốn đến đây. Trương Phi thấy Quan Vũ có chí của một anh hùng nên mời tới quán rượu trò chuyện, rất tâm đầu ý hợp, giống như bạn cũ lâu ngày không gặp nhau.
Vừa khi đó, có một người bán giày cỏ dạo trên phố tên Lưu Bị vừa bán hết hàng cũng vào quán rượu. Quan, Trương nhìn thấy Lưu Bị tướng mạo phi phàm, bèn mời một chén rượu, Lưu Bị không khách khí, một hơi uống cạn. Uống một lúc, Trương Phi bỗng nói ở quán rượu đông người nói chuyện không tiện, nên mời Lưu Bị và Quan Vũ về nhà mình. Tại vườn đào phía sau nhà Trương Phi, ba người ngồi trong mái đình uống rượu trò chuyện. Ba người bèn kết nghĩa làm anh em, so độ tuổi thì Lưu Bị lớn tuổi nhất, thứ đến Quan Vũ và trẻ nhất là Trương Phi.
Từ những ghi chép kể trên, có thể nói Tam quốc diễn nghĩa đã đưa câu chuyện kết nghĩa vườn đào lên tới mức hoàn chỉnh nhất đồng thời đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, vì sao từ dân gian cho tới La Quán Trung đều muốn mọi người coi Lưu Quan Trương là chính nghĩa mà Tào Tháo là gian ác, phi nghĩa? Nếu như căn cứ theo cuốn chính sử Tam quốc chí của Trần Thọ thì Tào Tháo là một nhân vật kiệt xuất, hùng tài đại lược. Còn Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi cho tới Khổng Minh không phải hiện thân của chính nghĩa mà chỉ là một trong ba thế lực cát cứ thời bấy giờ.
Tuy nhiên, chỉ vài triều đại sau đó, hình ảnh hai phe phái này đã có sự đảo chiều, Tào Tháo dần dần trở thành kẻ gian hùng, hiểm ác còn Lưu Bị thì dần trở thành hóa thân của chính nghĩa. Đặc biệt là Quan Vũ và Khổng Minh thì ngày càng được thần thánh hóa. Họ được dân gian đặt ngang bằng với hoàng đế, thậm chí là cao hơn cả hoàng đế. Cho tới nay, ở Trung Quốc, số đền thờ Quan Vũ có tới hàng nghìn, nhiều hơn cả miếu thờ Khổng Tử.
Quan điểm “ủng Lưu kháng Tào” bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Đường, nhưng tới thời Nam Tống thì thực sự có một bước ngoặt. Đó là khi triều đình Bắc Tống bị quân Kim tấn công, chiếm cả thủ đô. Tàn quân nhà Tống chạy về phía nam, lập kinh đô mới ở Lâm An (nay là Hàng Châu) hình thành nhà Nam Tống. Bị quân Kim chiếm mất nửa đất nước, những người theo nhà Nam Tống đương nhiên hận đến thấu xương đối với những người Kim sống ở miền bắc.
Trong thời kỳ Tam quốc, nước Ngụy của Tào Tháo chiếm cứ toàn bộ vùng phía bắc, còn nước Thục và nước Ngô thì ở phía nam. Vì thế, vào thời Nam Tống, mỗi khi nhắc tới những câu chuyện thời Tam Quốc, Tào Tháo trở thành kẻ địch trong tưởng tượng của họ. Thế là bao nhiêu nỗi uất hận đối với người Kim, những con dân Nam Tống đều dồn cả lên đầu Tào Tháo. Từ đó mà hình thành tư tưởng đề cao Lưu Bị, hạ thấp Tào Tháo.
Câu chuyện giữa Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi cũng là một nguyên nhân khiến Tào Tháo bị phản đối. Dân gian thường coi trọng tư tưởng trung nghĩa mà mối quan hệ thân thiết, trung thành giữa ba người Lưu Quan Trương thì thỏa mãn được nhu cầu tâm lý này. Hơn nữa, Lưu Bị dẫu sao vẫn là họ Lưu, nghĩa là con cháu nhà Hán. Còn Tào Tháo thì nói đi nói lại vẫn là con cháu một tên hoạn quan, xuất thân thấp hèn. Vì vậy, người ta đồng ý để Lưu Bị có thêm hai người anh em có võ nghệ cao cường với lòng trung thành tuyệt đối. Đó cũng là lý do vì sao, người ta lại bịa ra câu chuyện “kết nghĩa vườn đào” hoàn toàn chưa bao giờ xảy ra này.