[/size]Sau cuộc vây lưới bắt rùa không thành công, chiều 8/3, giới chức và các nhà khoa học có cuộc họp rút kinh nghiệm, đưa ra phương án đưa cụ lên chữa thương.
"Tại cuộc họp, bên làm lưới đã nhận khuyết điểm rằng họ đã mua lưới ở chợ, là hàng phế phẩm, chứ không phải lưới thành phẩm chất liệu tốt", ông Nguyễn Ngọc Khôi, thành viên Hội đồng chữa trị cụ Rùa, đội trưởng đội lai dắt rùa hồ Gươm, cho biết. "Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận đây là lần đầu nên chưa có kinh nghiệm đánh giá lưới thế nào".
Tấm lưới bị rách là do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục thủy sản Hà Nội đặt làm tại Hải Phòng, địa phương có nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội giao cho Tập đoàn Thương mại Hà Nội Khanh Anh Trang (KAT), công ty có kinh nghiệm trong chăm sóc loài rùa, đứng ra làm lưới thay cho lưới đã rách.
Ông Khôi tiết lộ: "Tấm lưới mới lớn gấp 5 lần lưới cũ, dự kiến trong 3 ngày KAT sẽ hoàn thành, việc làm lưới bắt đầu ngay trong ngày 9/3".
Tấm lưới bị rách không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, thì cho rằng, nếu bắt lần một không thành, thì khó nghĩ đến lần hai. Ông Khôi đồng tình là bắt lần sau sẽ rất khó, nhưng vẫn khẳng định: "Chúng tôi sẽ bắt được".
Thời gian thực hiện bắt rùa hồ Gươm sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau, ông Khôi cho biết.
Cuộc giải cứu cụ Rùa thu hút hàng nghìn người dân đến xem. Anh Nguyễn Văn Biên, nhân viên đội cứu hộ rùa chia sẻ: “Tất cả vì cụ Rùa, chúng tôi muốn cứu cụ Rùa khỏi vết thương trên mình. Với người dân thủ đô, cụ Rùa hồ Gươm rất quan trọng trong đời sống tâm linh".
Sau cuộc vây bắt không thành này, nhiều người dân cho rằng nên tính phương án khác hữu hiệu hơn. Ông Trần Văn Thành, ở Hàng Bông nêu ý kiến, nên để cụ Rùa tự trèo lên tháp theo tập tính sinh hoạt. "Tôi thấy lực lượng kéo lưới quá mỏng, lại kéo bằng tay, không có áo chuyên dụng, thì làm sao bắt thành công được", ông Thành tỏ vẻ không hài lòng.