Chị Xuân, mẹ của Ngọc Anh chia sẻ, sáng nào cũng phải gọi hai ba lần cô bé mới chịu dậy đi học. Gần tới giờ thì vội vàng rửa mặt, vuốt tóc sơ sơ, quần áo thì bê bối chẳng bao giờ thấy tươm tất cả. "Bỗng dưng thấy cháu khác hẳn ngày thường chị nửa mừng nửa lo không biết điều gì khiến cháu thay đổi nhanh vậy", chị Xuân băn khoăn.
Chỉ sau vài ngày "điều tra", nán lại cổng trường trễ hơn mọi ngày sau khi đưa Anh đi học, chị đã nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân của sự thay đổi bất ngờ với cô con gái cưng của mình. Thì ra, cô bé đang được một anh chàng trong lớp "để ý".
Còn chị Xương, mẹ của Tường Vi thì bỗng dưng thấy tần xuất tin nhắn điện thoại của cô con gái cứ tăng vùn vụt. Bình thường mỗi tháng chỉ nạp cho khoảng 50.000 đồng tiền điện thoại để nhắn tin cho bạn, nhưng tháng này lên tới 200.000 đồng. Có lần, chị còn thấy cô bé ôm chiếc điện thoại trên ngực ngủ quên lúc nào không biết. Kiểm tra trong hộp thư thì có cả chục tin nhắn tới một địa chỉ mà chị Xương không thể nào giải mã, vì tên cậu bạn này được ký hiệu bằng một biệt danh theo ngôn ngữ thời @.
"Sợ hỏi ra con bé lại bảo mẹ không tôn trọng chuyện riêng tư của nó, rồi giận dỗi. Nhưng nếu không nói ra thì cũng lo nó sao nhãng chuyện học hành. Gần đây, thấy con bé còn make up cả một ít son môi trước khi đi học nữa", chị Xương lo lắng.
Khi rung động, các teen đã bắt đầu biết làm dáng và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Ảnh có tính chất minh họa: Hải Duyên |
Chị Ngân mẹ cu Nam để ý, hai lần ngày valentine và 8/3 vừa qua, cậu đều giấu diếm trong cặp một hộp quà nhỏ bọc giấy gắn nơ đàng hoàng. Chỉ thoáng nhìn chị đã đoán ra sự tình và biết được con trai của mình bắt đầu thích làm người lớn. Một lần đi làm về bắt gặp chàng đang tung tăng đạp xe với một cô bạn gái trên đường về, nhìn thấy mẹ thì làm thinh không lên tiếng.
Trao đổi với VnExpress.net chuyên gia tâm lý Hồng Lan quận 1, TP HCM chia sẻ, bước vào tuổi dậy thì trẻ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý từ một đứa trẻ thành một thiếu nữ hay chàng trai và bắt đầu có dung động đầu đời. Con có điệu đà một chút, làm dáng một chút… thì cũng là điều bình thường. Nếu phát hiện con có bạn trai hay bạn gái thì cũng không vội lo lắng hay ngăn cấm mà hãy coi con như một người bạn. Không nên lấy tư cách làm cha làm mẹ ra để răn đe dạy bảo này nọ làm cho con nó sợ không dám tâm sự.
Nếu không khéo léo, cha mẹ sẽ rất khó để hiểu và nắm bắt được nhu cầu tâm lý để giúp con định hướng cách ứng xử của mình. Tùy theo tâm trạng của con mà có cách cư xử, tránh xoi mói kiểu như: thằng bạn con làm gì, con cái nhà ai, mẹ cấm con bạn bè lung tung… Điều đó chi làm cho con cái nghĩ rằng cha mẹ không hề hiểu mình chút nào.
"Đừng bao giờ coi thường tình cảm của con bằng cách dùng những lời lẽ trêu chọc, mỉa mai. Bạn có thể kể cho con nghe về chuyện tình cảm của mình để con thấy được sự đồng cảm, thoải mái, đáng tin cậy từ cha mẹ, từ đó sẽ nói hết mọi chuyện thậm chí còn như cha mẹ tư vấn thêm", bà Lan nhấn mạnh
Cũng theo chuyên gia tâm lý, ở độ tuổi này các con thường rất khó dạy bảo, không phải còn trẻ con cũng không phải người lớn, thích được khẳng định mình. Với những cô gái, chàng trai trẻ, mối tình đầu rất thiêng liêng và luôn được giấu kín không muốn cho người khác biết, vì vậy nếu có biết thì cũng đừng phơi bày chuyện tình cảm của con trước mặt mọi người.
Nếu bạn của con là con nhà gia giáo, ngoan, học giỏi thì cứ để cho con liên lạc, gặp gỡ cho phép con mời bạn về nhà giúp con tạo tình cảm tốt, biết trân trọng nhau cùng nhau phấn đấu. Còn như con có ngộ nhận, quen một người bạn không thật thà, thì nhẹ nhàng chỉ cho con thấy nhược điểm của người bạn và để con tự thừa nhận điều đó bằng nhận thức của con. Việc áp đặt suy nghĩ của mình thì trẻ sẽ không bao giờ nghe và cho rằng vì cha mẹ ngăn cấm nên nghĩ không tốt về bạn mình.
"Cởi mở và nghiêm khắc đúng lúc sẽ không để chuyện đáng tiếc xảy ra. Nếu con lỡ có sai sót, cũng không nên chỉ trích mà để đến hôm sau nhắc nhở và cho con thấy sự lo lắng của mình như thế nào", chuyên gia đưa ra ý kiến.