Chuyện shock 2011-06-14 05:14:09

Lời nguyền trăm năm trên ngọn núi tình yêu


Ở ngọn núi Đao Cay suốt năm mây mù bao phủ, người dân vẫn lưu truyền câu chuyện về "lời nguyền" của các cặp đôi yêu nhau. Dù gốc gác câu chuyện ấy chưa được kiểm chứng, nhưng ở vùng quê đó có điều lạ là chưa xảy ra chuyện ly hôn bao giờ.

Bàn cờ tiên trên đỉnh núi

Trong buổi đi tìm hiểu những truyền thuyết đẹp về tình yêu và văn hóa sống để giữ gìn hạnh phúc gia đình của những con người sống dưới chân ngọn núi Mỏ Quạ huyền thoại, vô tình mà như hữu ý, cùng lúc tôi gặp cả ông Dương Văn Lãm và ông Nguyễn Quý Đôn, những người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, con người huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Đôn (phải) và ông Lãm có chung một niềm đam mê về những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Theo lời ông Lãm, người năm nay đã hơn 70 tuổi, từ thời xa xưa những cặp trai gái yêu nhau từ khắp nơi vẫn cố công rủ nhau leo núi Mỏ Quạ này để cùng đánh cờ trước sự chứng kiến của đất trời. Những cặp dắt tay nhau lên đến được đỉnh Đao Cay, ngồi vào bàn cờ thì dù ai thắng ai thua cũng đều được các vị tiên phù hộ tác thành cho tình duyên hạnh phúc, cùng nhau sống đến đầu bạc răng long. Ngày nay, bàn cờ và các quân cờ thô sơ bằng đá vẫn còn trên đỉnh Đao Cay mặc dù đã rất lâu rồi, ít người yêu nhau còn leo lên được đỉnh núi.

Lấp sau làn sương, mây mù bao phủ quanh năm, ngọn núi Mỏ Quạ được đồn là mang một lời nguyền cho các cặp yêu nhau.

Bàn cờ mà ông Lãm nói đến là Bàn cờ tiên trên đỉnh của núi Mỏ Quạ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đỉnh Đao Cay có một bãi đá rộng khoảng hơn chục mét vuông. Một tảng đá hoa cương bằng phẳng có thể trải được hai chiếc chiếu.

Có tục truyền rằng những người dân trong vùng lần theo lối mòn trong mây mù lên núi dạo chơi, tới gần đỉnh núi thì nghe có tiếng cười nói. Khi leo được lên đến đỉnh thì không có bóng ai, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dang dở. Hầu hết các câu chuyện đều nghiêng về giả thuyết rằng đây là bàn cờ của ông Tơ bà Nguyệt, những người có trong điển tích cổ đời xưa chỉ sự tác hợp, chứng diện của trời đất, thần thánh cho tình yêu đôi lứa. Ông Tơ bà Nguyệt ngồi chơi cờ vừa thể hiện tình cảm, vừa là cách để tìm hiểu nhau đồng thời cũng là mong ước nâng cao được vị trí của người phụ nữ.

Lời nguyền trọn kiếp trên đỉnh Đao Cay

Ngọn núi Độc Tôn (mà người dân nơi đây vẫn hay gọi bằng cái tên bình dị là Núi Mỏ Quạ, hay núi Hàm Lợn do nhìn từ phía Nam, ngọn núi có mỏm đá khổng lồ nhô ngang ra nhìn như chiếc mỏ quạ hay một chiếc hàm lợn quay về hướng Tây Nam) là một trong các ngọn núi cao thuộc dãy Tam Đảo nhưng nó ngự riêng một mình tại cõi giao nhau giữa huyện Tam Đảo, huyện Bình Xuyên và bên kia sườn núi là tỉnh Thái Nguyên.

Nhìn từ trên đập Thanh Lanh, cảnh sắc nơi đây lung linh, mờ ảo nhưng ẩn chứa một bí mật dài hàng thế kỷ

Đây là ngọn núi đất xen núi đá dựng đứng, lên cao gần nơi mỏ quạ vách núi còn lõm vào thắt cổ bồng nên khỉ vượn cũng khó leo lên được. Thợ sơn tràng, thợ săn muốn lên tới đỉnh núi Mỏ Quạ, nơi có địa danh là đỉnh Đao Cay, thường phải leo từ sườn núi phía Bắc nhưng dù thạo xuyên rừng, giỏi leo núi, mỗi lần lên xuống Đao Cay cũng phải mất tới một hai ngày đường.

Người dân nơi đây vẫn thường nói Mỏ Quạ đội mũ thì nước lũ sắp về. Do là núi rất cao, trên 1000 mét; đỉnh núi luôn có mây mù bao phủ, rất hiếm khi người ta trông được rõ đỉnh núi. Những khi nào mây mờ tan đi, nhìn thấy được mây đen thì đó là lúc sắp có mưa bão lớn, nước lũ tràn về rất nhanh và gấp.

Thung lũng dưới chân núi tình yêu

Núi Mỏ Quạ còn nhiều nơi chưa từng có dấu chân người, nhất là sườn núi phía Nam. Trên các vách đá dựng đứng có nhiều khe nứt thành hang sâu hun hút, nhiều hốc núi lở từ thời cổ để lại, lổng chổng những đá. Sườn núi phía Bắc có những cánh rừng rậm rạp chen nhau với nhiều giống chim muông. Từ lưng chừng núi có nhiều khe nước len lỏi trong vách đá để dồn tụ về Thác Mơ cao vài chục mét ngày đêm rót nước trắng xoá xuống suối NaNu rồi cùng với suối Lẽ, suối Cả quanh năm gom nước cho hồ Thanh Lanh và hồ Gia Khau.

Chính vì cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc ấy nên cách đây hàng trăm năm, ngọn núi này được truyền rằng là nơi chứng kiến biết bao cuộc hẹn hò thề ước của các cặp trai gái và tất cả sau này đều sống hạnh phúc với nhau suốt đời. Và người ta tin rằng đã có một lời nguyền trên đỉnh núi ràng buộc tất cả những người đến đó yêu thương nhau trọn đời. Thực hư lời nguyền đó vẫn chưa được ai kiểm chứng nhưng với những con người còn sống hoặc am hiểu về truyền thuyết thì họ đều khẳng định “lời nguyền” mà người dân lưu truyền là có thật.

Nơi chưa bao giờ xảy ra ly hôn

Những người dù không sống ở mảnh đất này nếu “hữu duyên” cũng sẽ được lời nguyền tác hợp.

Ông Nguyễn Quý Đôn, một thầy giáo, nhà văn hóa đã bước sang tuổi 80, có thâm niên thuộc hàng gạo cội của ngành giáo dục huyện Bình Xuyên kể lại: Hồi Nhật và Pháp còn đang đô hộ nước ta, ở Bình Xuyên có người tên là Vinh đi lính cho Nhật, đóng ở Tam Đảo. Sau khi được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, ông đã nghe theo tiếng gọi của tổ quốc và nhận làm nội ứng. Trong một lần đi lên núi Mỏ Quạ, ông đã cứu được một người phụ nữ là bà Quy. Bà Quy vốn là người từ nơi khác đến, làm giao liên và cán bộ phụ nữ huyện, khi đi qua mỏm núi Mỏ Quạ thì vô tình ngã và bị treo trên vách đá cùng với sợ dây đeo túi sà cột. Ông Vinh đã bất chấp nguy hiểm tìm mọi cách để cứu bà. Ngay chính lúc đó, bà Quy đã nguyện thề yêu ông đúng nơi vị trí đỉnh Đao Cay. Hai người sau này đem lòng yêu và cưới nhau, sống rất hạnh phúc.

Hiếm khi lắm, người ta mới được trông thấy Đỉnh Đao Cay trên núi Mỏ Quạ do nơi đây quanh năm được mây mù bao phủ

Chuyện tình yêu, vợ chồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố song với những con người nơi đây, không biết tự bao giờ họ đã chấp nhận lời nguyền đó như một sự mặc nhiên của tạo hóa.

Ông Dương Văn Đào, 82 tuổi hiện ở thôn Trung Mần, xã Trung Mỹ, một trong những cụ cao niên nhất sống dưới chân ngọn núi huyền thoại này, cho biết, đồng bào các dân tộc nơi đây từ xưa đến nay vẫn có truyền thống là đã yêu nhau thì phải cưới nhau, và phải sống với nhau đến suốt đời, không bao giờ bỏ nhau và càng không bao giờ bỏ vợ đi bước nữa.

Cách đây khoảng 15-20 năm cá biệt mới có một người bỏ vợ và lấy vợ hai, sau đó bị người đời chê cười. Chính vì vậy, giai đoạn có ý định tìm hiểu nhau đến lúc tổ chức đám cưới rất phức tạp. Người con gái trước khi về nhà chồng phải có sự chuẩn bị rất chu đáo, để tóc, quấn bện rồi buộc khăn mỏ quạ. Khăn mỏ quạ cũng phải do chính tay người phụ nữ đó dệt, thường là lấy vải tràm; phải tự sắm được một đôi vòng tai to…về nhà chồng họ thường rất vất vả và chịu nhiều quy định khắt khe bên nhà chồng. Tuy vậy, người chồng cũng phải sống thủy chung, chỉ có một vợ.

Anh Lưu Văn Trung, ở thôn Ba Gò cho rằng, chuyện tình yêu là một điều gì đó rất thiêng liêng với thanh niên trong xã. Tự thân trong suy nghĩ của anh và nhiều người khác là luôn muốn giữ gìn những nét đẹp ngày xưa của dân tộc.

Theo ông Dương Văn Lãm, xưa kia các cặp trai gái yêu nhau đã xác định được rằng cùng nhau vượt qua hơn một 1000m núi đá dựng đứng cao chót vót chỉ để lên được đến đỉnh núi, chơi ván cờ tiên và nhờ trời đất, thần linh chứng giám cho tình yêu của họ thì không có lý gì họ không thể sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Hơn nữa có sự chứng giám của các vị thần, sau này không ai còn dám có ý định thay lòng đổi dạ.

Sự thật về lời nguyền trên đỉnh Đao Cay đến nay thực hư chưa rõ. Những dấu tích về núi tình yêu trải qua hàng trăm năm đến nay đã bị thời gian bào mòn song có một thực tế rằng nhân dân 8 dân tộc anh em sống dưới chân ngọn núi Mỏ Quạ trước đây vẫn tìm nhiều cách để được chấp nhận lời nguyền trọn vẹn sống với nhau và hầu như họ không bao giờ ký vào tờ đơn ly hôn.

Sáng Thọ

Theo Bưu Điện Việt Nam

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)