Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, trí thông minh và đạo đức của loài người được hình thành nhờ hoạt động tối ưu của một số lượng lớn gen, vốn chỉ duy trì được chức năng nhờ vô số áp lực tiến hóa.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, loài người đang phải hứng chịu một số đột biến có hại cho năng lực trí tuệ, làm trí thông minh giảm sút.
Tuy nhiên, loài người được cho là đang mất dần các năng lực về trí tuệ và cảm xúc do mạng lưới phức tạp của các gen tạo sức mạnh cho bộ não hiện đặc biệt dễ bị đột biến, và những biến dị này không được chọn lọc trong xã hội hiện đại vì chúng ta không cần trí thông minh để sống sót nữa.
“Sự phát triển các năng lực trí tuệ của chúng ta cũng như sự tối ưu hóa của hàng ngàn gen về trí thông minh có thể đã xuất hiện trong những cộng đồng người phân tán, chưa có ngôn ngữ trước khi tổ tiên của chúng ta ra đời ở châu Phi”, tiến sĩ Gerald Crabtree, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Stanford, cho biết trên trang Daily Mail.
Trong môi trường nguyên thủy đó, trí thông minh đóng vai trò thiết yếu cho sự sinh tồn và nhiều khả năng là áp lực chọn lọc khắc nghiệt đã tác động đến các gen cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, dẫn đến đỉnh cao về trí thông minh của loài người. Từ đây, trí tuệ của con người phát triển theo chiều hướng đi xuống dần dần, giống như “tụt xuống từ đỉnh đồi”, các nhà nghiên cứu nhận định.
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, quá trình đô thị hóa có thể đã gây suy yếu sức mạnh của quá trình chọn lọc tự nhiên trong việc loại bỏ những đột biến có thể làm giảm các năng lực trí tuệ của con người.
Dựa vào các tính toán về tần suất xuất hiện của các đột biến gây hại trong hệ gen người và giả định rằng có 2.000 – 5.000 gen cần thiết cho sự hình thành năng lực trí tuệ, tiến sĩ Crabtree phỏng đoán, trong vòng 3.000 năm, khoảng 120 thế hệ, loài người đã hứng chịu ít nhất 2 đột biến có hại cho năng lực trí tuệ và cảm xúc của chúng ta.
Các nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực thần kinh học cũng chỉ ra rằng, các gen liên quan đến chức năng của bộ não đặc biệt dễ bị tổn thương trước những đột biến.
Tiến sĩ Crabtree kết luận, áp lực chọn lọc ít hơn cùng với số lượng các gen dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn đang làm xói mòn các năng lực trí tuệ của cảm xúc của chúng ta. Tuy nhiên, quá trình mất mát này diễn ra vô cùng chậm chạp và may mắn là được bù đắp bằng sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ tân tiến.