Teen 24h 2009-09-22 00:01:00

Lố lăng teen "học" làm dân chơi


Sau một thời gian học đòi, tuy mới thuộc loại "nửa mùa" nhưng các xì tin đã rất tự hào đi ra đường, nghiễm nhiên coi mình là "play dân" chính hiệu.
Đã từ lâu, "dân chơi" trở thành một khái niệm có sức thu hút mạnh mẽ đối với teen. Thế giới của các anh chị chỉ hơn mình 1 vài tuổi đầy bóng bẩy, đồ hiệu đắp đầy người và ngồi trên những con xe 4 bánh tiền tỉ, vui chơi ở những nơi đốt tiền đã biến thành giấc mơ của không ít tuổi teen mới lớn. Khi chưa đủ "tuổi" để biến giấc mơ thành hiện thực, nhiều xì tin bèn tập cho mình một số "đức tính" mà họ cho là "chỉ dân chơi mới có" như vênh váo, chảnh chọe và hay đòi hỏi. Sau một thời gian học đòi, tuy mới thuộc loại "nửa mùa" nhưng các xì tin đã rất tự hào đi ra đường, nghiễm nhiên coi mình là "play dân" chính hiệu.

P "mi nhon" là cô nữ sinh lớp 11 mới chuyển lên Hà Nội được 1 năm nay. Lên Hà Nội, P được bố mẹ thuê cho căn nhà phố cổ, ở cùng 1 bà chị họ. Ngay cạnh phòng P là nơi tụ tập của vài cô gái hơn P vài tuổi, làm nghề gì không rõ nhưng ai cũng có vẻ rất giàu, tay cầm điện thoại chục triệu, đồ trên người toàn hàng hiệu và tối tối, không 4 bánh đưa rước thì cũng PS, LX tấp nập đầu ngõ. Cô nào cô ấy đều xinh lấp lánh, lúc nào cũng tỏ ra sang trọng và quý phái (mặc dù ở nhà thuê!?). Lóa mắt trước cuộc sống của những dân chơi, P tìm cách làm quen với các chị và bắt đầu học ở trường thì ít, mà học đòi để làm dân chơi thì nhiều.

Tuy chưa có nhiều tiền để "sánh" với các chị, nhưng P cũng đã tập cho mình cách sống hoang phí, ăn uống phải như "tiểu thư" để khẳng định "đẳng cấp". Điển hình là những lần đi ăn cùng bạn, P cầm menu rồi gọi đủ các món, nhưng đem đồ ăn ra thì cô nàng chỉ gẩy đũa vài cái rồi phán "Đồ ở đây sao sao ý. Ăn chẳng vừa miệng tí nào!". Lâu dần, đi ăn gọi bừa phứa đã trở thành thói quen, và P tỏ ra rất… tự hào vì thói quen theo cô là "sang chảnh" đó. P nói mình cực kỳ dị ứng với những ai gọi ra mà… ăn hết sạch sành sanh, bởi như vậy trông rất "quê", chẳng lịch sự tẹo nào. Ăn là phải nhỏ nhẹ, ăn ít và nhất định phải… để thừa, thừa càng nhiều càng tốt (!?).


Những thói học đòi làm dân chơi sẽ chỉ biến teen thành kẻ nửa mùa!
Không những gọi bừa phứa rồi bỏ thừa, P còn học luôn thói quen từ chối ăn quán vỉa hè, dù quán đó có ngon thế nào chăng nữa. Điểm đến của cô nàng là những nơi sang trọng, đẹp đẽ, nhiều "dân chơi" vì như thế mới "xứng tầm". Có hôm thèm ăn cháo sườn chết đi được, nhưng P vẫn phải chảnh với bạn rồi kéo nhau đi ăn sushi. Tiền thì xót, nhưng đã trót làm "dân chơi", P đành nhịn hết những món vỉa hè ngon nổi tiếng, vào quán xịn thì gọi ra rồi gẩy gẩy vài phát, bụng cứ đói meo để rồi tối về… ăn mỳ tôm bù lại. Hành hạ cái dạ dày của mình là một thói quen thật điên rồ, nhưng vẫn còn đang trong giai đoạn học đòi, nên P đành tự an ủi "dân chơi sợ gì mưa rơi"!!

Cũng mới tập tọe làm dân chơi là Tuấn Mèo, sn1991 nhà ở Quán Thánh. Ngày trước, Tuấn là người hòa đồng, hay giúp đỡ bạn bè nên ai cũng yêu quý. Nhưng chỉ sau một mùa hè "lột xác", làm quen được các anh "dân chơi" lớn tuổi, teen boy này quyết tâm nâng cấp mình lên "level" mới. Cái mác dân chơi tuy chẳng đem lại lợi lộc gì, nhưng được đến những nơi sành điệu cùng đám đàn anh kia cũng đủ để Tuấn "tự sướng".

Khi chưa làm "dân chơi", cậu thường lang thang với bạn bè ở hồng trà Trần Phú, Nhà Thờ, những quán đậm chất teen và tối thứ 7 tụ tập vui vẻ trên Jam. Nhưng giờ thì đừng hòng rủ "dân chơi" Tuấn đến những chỗ đó. Đã vào quán là phải cafe có sisha sành điệu, nhiều dân chơi, nhiều "anh tài", đi ăn thì khách sạn 5 sao. Nghiễm nhiên đã là dân chơi thì không có chuyện đi xe số, Tuấn "cò quay" bằng được chiếc Sh của bố để mỗi lần đi cùng đàn anh thì cũng "mát" cái mặt.

Bệnh học đòi nặng đến mức đi đâu Tuấn cũng hỏi "Đến chỗ nào đấy, có nhiều… dân chơi không?", chỗ nào chỉ có "dân thường", cafe bình thường là Tuấn lắc đầu quầy quậy. Những tối thứ 7 vui vẻ trên bar dành cho teen đã thay bằng sàn, bar của người lớn, nghe nói để kết thúc "khóa học" dân chơi, giờ Tuấn đã bập vào thuốc lắc, ra đường thì phì phèo thuốc lá cho "đúng kiểu".

Không có định nghĩa chính xác cho khái niệm dân chơi. Và cũng chẳng có "lớp học" nào đào tạo ra những dân chơi đích thực như teen vẫn đang "vào rừng mơ bắt con tưởng bở" kia. Tất cả những thói học đòi mà một vài xì tin đang theo đuổi chỉ đem lại tiếng "dân chơi nửa mùa", thậm chí còn đem lại những bài học đắt giá mà khi tỉnh ra, teen lại ước gì giá như mình chỉ là… "dân thường"!

Với Hà "lì", một teen girl học trường PĐP thì dân chơi phải là những đàn chị máu mặt, có nhiều "em út" kính nể, đi tới đâu cũng được "đàn em" chào đón. Có gương mặt đanh đá, Hà nghĩ mình rất có "tướng" làm đàn chị, và để được như thế thì phải học… chửi bậy, học cách lên mặt vênh váo với người khác. Hà cũng tự đặt cho mình biệt danh Hà "lì" để thể hiện ước muốn làm đàn chị "dân chơi" với các em khối 10, 11.

Ai đã từng gặp cô nàng này ngoài đường thì đều phát hãi vì cái miệng xinh xắn của Hà luôn phát ra đủ loại "thức ngon của lạ", chuyện gì Hà cũng chửi được, và chửi rất ngoa. Là con gái mà Hà không từ chỗ nào, kể cả trong lớp lẫn… đi chùa, ra chỗ đông người cô nàng lại càng chửi tợn. Tuy chỉ to mồm chửi chứ trong tâm cũng không có gì, thậm chí còn nhút nhát. Thế nên hậu quả cho thói nói to chửi nhiều là một lần ra gội đầu ở quán gần nhà, Hà lớn tiếng chửi chị khách đi qua vô tình va tay vào người. Thấy mặt người ta hiền lành, cô nàng văng luôn "sơn hào" và gằn giọng: "Đ.m…, mù à?". Chưa kịp quay mặt lại thì nguyên một quả… guốc bay thẳng vào mặt "đàn chị" nửa mùa.

Hóa ra chị khách trông cực kỳ bình thường kia lại là dân buôn bán lâu năm ở chợ Long Biên. Sợ ăn đòn tiếp, Hà cuống quýt xin lỗi và… té thẳng khỏi hàng gội đầu. Những ngày sau, quanh khu nhà Hà liên tục xôn xao câu chuyện về một "dân chơi xì tin" láo toét, chưa kịp lên mặt với đàn em thì đã bị một bài học vừa đắt, vừa đau về thói lố lăng "dân thường" với "dân chơi'!
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)