Vậy limousine là gì? Chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một chiếc xe dài với nhiều cửa sổ. Thực ra limousine có thể chỉ đơn giản là một chiếc Lincoln Town, không có một tiêu chuẩn thực sự nào để coi một chiếc xe là limousine cả. Người ta thường coi limousine là một loại xe có phần sau kéo dài hơn các xe thông thường, tất nhiên nó phải đẹp và có không gian đủ rộng trong xe.
Một chiếc limo Lincoln Town thường thấy.
Limousine là một từ đến từ một thị trấn của Pháp mang tên Limousin. Ban đầu limousine không phải là tên một loại xe, mà là một thứ quần áo. Dòng họ Shepherd tại Limousin tạo ra một loại áo mưa có mũ và gọi chúng là limousine. Sau này, những người làm xe ngựa tại Paris bắt đầu gọi các xe ngựa có không gian kín với cái tên limousine, và các hành khách giàu có hay sử dụng loại xe ngựa này.
Các nhà sản xuất limousine
Gần như không có khái niệm chính xác về limo (limousine), nhiều công ty xe hơi cũng đã bắt tay vào việc sản xuất loại xe này. Những chiếc xe đắt tiền đầu tiên thuộc về các hãng LeBaron, Fleetwood, Willoughby, Derham and Fisher. Những chiếc Cadillac cũng đã từng được dùng làm limousine. Thực ra nếu bạn có đủ tiền để mua 1 chiếc xe hạng sang và thuê tài xế riêng, đó cũng có thể coi là một chiếc limousine.
Bentley đã từng sản xuất ra 20 chiếc limousine Arnage, và đây là một trong những chiếc limo hiếm nhất trên thế giới. Với những khách hàng của Arnage, Bentley cho phép họ được chỉnh sửa một cách không giới hạn các chi tiết trên xe, từ màu sắc cho tới vỏ ngoài hoặc nội thất xe, các ngăn để rượu và các thiết bị điện tử trên xe. Thông thường thì đa số các hãng xe khác gần như không cho phép những chỉnh sửa cá nhân như trên, nhưng Bentley đã tạo ra một ngoại lệ với dòng xe Arnage.
Chiếc limo Arnage của Bentley.
Dần dần limo trở nên nổi tiếng, cùng với đó là trào lưu thuê xe và tài xế riêng để khách hàng có thể thư giãn ở phía sau. Các dịch vụ limousine đang thịnh hành tại New York, nơi người ta đã nhìn thấy trước nhu cầu đi lại hạng sang của nhiều người. Vào đầu thập niên 1920, các doanh nhân bắt đầu lập ra các hãng xe limousine, và một vài vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Lincoln Town Car là chiếc limo được lựa chọn phổ biến. Chúng nổi tiếng bởi nội thất bên trong và độ êm ái khi lái xe, loại xe này thường xuyên được sử dụng trong việc sản xuất limousine. Các hãng chuyên chế limousine cũng hay chọn Lincoln Town Car để chế thành những chiếc limousine dài.
Nhiều hãng sản xuất limousine cũng sử dụng các loại xe khác như Cadillac hay Mercedes-Benz. Những hãng này nổi tiếng với độ tiện nghi và phong cách đặc trưng của chúng. Trong nhiều năm, Cadillac là hãng xe nội của Mỹ duy nhất sản xuất limousine, ngay cả thời kỳ Đại Suy Thoái hay Chiến tranh thế giới thứ 2 có ảnh hưởng rất lớn tới ngành công nghiệp limousine thì Cadillac cũng vẫn tồn tại trên thị trường.
Nhiều công ty sản xuất limousine sử dụng các loại xe cổ điển, ví dụ như những chiếc Rolls-Royce đắt tiền đang chạy trên khắp các thành phố lớn của Mỹ. Rolls-Royce đã cho ra những dòng xe với những cái tên khá bí ẩn như Silver Cloud, Phantom và Wraith. Vài trong số mẫu xe này không có tấm chắn giữa khoang lái và khoang sau của xe, cũng giống như các loại xe ngựa thời xưa.
Rolls-Royce cũng được dùng như một chiếc xe limo.
Đa số mọi người đều nghĩ tới những chiếc xe dài với nội thất đắt tiền khi nhắc tới limo. Tận dụng quan điểm đó, nhiều hãng xe đã chế những chiếc xe từ Lincol Navigator SUV, Mini Cooper hay Lamborghini thành các chiếc limo dài để phục vụ cho các khách hàng giàu có và các ngôi sao.
"Chế" xe limo
Hãng Armbruster đã tạo ra chiếc limousine thân dài đầu tiên vào năm 1928. Trong đó khu vực ngồi của khách rất rộng rãi và có thể phục vụ nhiều người cùng một lúc. Armbruster và một vài hãng khác tự tay sản xuất những chiếc xe này chứ không chế xe như các hãng khác, bởi một chiếc limo tự sản xuất bao giờ cũng chứa được nhiều người hơn là một chiếc limo chế lại từ những chiếc xe khác.
Sau này, Armbruster nhập vào một công ty mang tên Stageway Coaches và ngừng việc tự sản xuất xe. Hãng này bắt đầu chế Cadillac và các loại xe Lincoln thành những chiếc limo dài, chủ yếu phục vụ các đám tang. Sau đó limo dài dần nổi tiếng và các hãng xe khác thi nhau nhảy vào thị trường này, họ chế đủ loại xe từ cổ điển, thể thao cho tới SUV thành những chiếc limo.
Một chiếc limo chế từ Lamborghini.
Có nhiều giai đoạn chế xe khác nhau tùy theo từng hãng, nhưng chủ yếu chúng được chia thành các giai đoạn sau. Đầu tiên là lột toàn bộ nội thất của xe, bảo vệ xe bằng giấy chống nhiệt. Tiếp theo các thợ máy đặt xe lên một bộ trục nằm ngang để giữa xe nằm thẳng trên không. Sau đó họ cắt chiếc xe làm đôi, đây là công đoạn quan trọng nhất trong việc chế xe limo. Một vài thợ máy sử dụng máy cắt laser nhằm đảm bảo sự chính xác trong các nhát cắt, tuy nhiên cũng có nhiều người tự cắt bằng tay. Phần thân sau được kéo ra về phía cuối bộ trục.
Sau đó họ hàn các chi tiết giữa phần trước và phần sau với các miếng ghép khác để tăng độ dài xe. Giai đoạn này phải hàn làm sao cho các mối hàn không được cong hay méo, bất cứ một lỗi nào sẽ dẫn đến hậu quả là xe trở nên không an toàn hoặc thậm chí không lái được. Sau đó họ kéo dài các chi tiết của xe như dây nối thiết bị điện tử, trục lái.
Sau khi các thợ máy hoàn tất việc hàn và kéo dài trục lái, các cánh cửa mới và sàn sẽ được gắn vào xe. Họ còn phải kiểm tra lại phanh, hệ thống treo, hệ thống lái, bởi tăng trọng lượng xe sẽ dẫn tới việc điều khiển khó khăn hơn. Tiếp theo nội thất mới sẽ được đặt trong xe và toàn bộ chiếc xe sẽ được chuyển đi sơn lại.
Một hãng xe tại Mexico chế lại đầu máy bay Boeing thành limo.
Sự xa hoa bên trong limousine
Đa phần các hãng xe limousine đều hiểu rằng việc tăng gấp đôi độ dài xe là giới hạn cuối cùng, và vượt quá giới hạn này sẽ khiến chúng không thể vượt qua được bài kiểm tra tiêu chuẩn an toàn về xe hơi của Mỹ (Federal Motor Vehicle Safety Standards (FMVSS)). Vì vậy lựa chọn cạnh tranh duy nhất của các hãng xe chính là trang bị cho chúng nội thất càng đẹp, càng xa hoa càng tốt. Thông thường mỗi chiếc limousine đều có một quầy bar và các ngăn để đồ uống với khá nhiều rượu. Một vài quầy bar còn dùng các loại cốc thủy tinh đắt tiền, các đường viền trang trí bằng đèn neon v.v…
Một điều đáng chú ý nữa của nội thất limousine là hệ thống giải trí. Có những loại limousine được trang bị TV màn hình plasma, đầu DVD, hệ thống âm thanh cao cấp, radio vệ tinh và máy chơi game. Thậm chí có những hãng còn biến xe bus thành limo, những chiếc xe này còn có sàn nhảy và hệ thống karaoke.
Ông trùm PlayBoy Hugh Hefner chụp ảnh với các cô gái trong một chiếc limo.
Một số chi tiết khác mà các hãng limousine quan tâm là trần xe bằng gương hoặc có đèn trần. Một vài chiếc limo có rất nhiều đèn sáng nhấp nháy và đèn neon, ghế được bọc bằng da hoặc các chất liệu đắt tiền. Những chiếc limousine của Bentley có các ngăn đựng rượu làm thủ công, nội thất gỗ và hệ thống liên lạc đắt tiền cho phép khách hàng có thể liên lạc với văn phòng làm việc của họ ngay trên xe.
Nhiều chiếc limousine còn có bộ liên lạc cho phép khách hàng nói chuyện với tài xế mà không bị mất sự riêng tư. Thường thì, khoang lái và khoang dành cho hành khách trên mỗi chiếc limo được cách biệt hẳn với nhau bằng một tấm chắn để đảm bảo sự riêng tư cho hành khách trên xe và đôi khi, là giữ sự tập trung cho người lái. Đa phần những chiếc xe này được trang bị cả điện thoại.
Những thông tin liên quan đến limo
Bạn sẽ phải bất ngờ khi biết rằng một công ty sản xuất limo phải có giấy phép đặc biệt, và họ phải trả thêm một khoản tiền gọi là “thuế tiêu hao xăng”. Mục đích của thuế này nhằm khuyến cáo dòng sản phẩm xe limousine, vốn rất hao xăng. Những thông tin dưới đây sẽ cho chúng ta biết thêm đôi điều xung quanh những chiếc xe này:
Bằng lái
Không có một tiêu chuẩn bằng lái nhất định bởi mỗi bang lại có một tiêu chuẩn bằng lái riêng. Có bang thì bắt tài xế phải vượt qua một bài thử nghiệm nhất định, bang khác lại chỉ cần điền tên và thông tin vào trong một bản khai báo. Hoặc nhiều bang chỉ đòi hỏi tài xế có bằng lái xe thường cũng được phép lái limo, còn có bang thì đòi tài xế phải đăng ký bằng lái xe thương mại (commercial license) nếu như chiếc limo đó chở nhiều người cùng một lúc.
An toàn
Limo cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn như xe thông thường. Trên lý thuyết, tất cả các xưởng chế xe cần phải chạy các thử nghiệm 1 loạt các bài kiểm tra bao gồm: bài kiểm tra va đập để đảm bảo tính an toàn cho tài xế và hành khách. Chính phủ thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của xe cộ và yêu cầu các bằng chứng của các hãng sản xuất xe limousine chứng minh rằng xe của họ đã vượt qua các bài thử nghiệm.
Tiêu hao nhiên liệu
Limousine tiêu hao rất nhiều nhiên liệu, tùy theo từng loại xe (một chiếc limo Lincoln của hãng này lại có mức tiêu hao nhiêu liệu khác xa so với một chiếc limo Lincoln mà hãng khác sản xuất). Các hãng limo phải trả “thuế tiêu hao xăng” cho mỗi một chiếc xe. Đây cũng là một khoản bù trừ cho lượng khí thải ô nhiễm mà chiếc limousine đó tạo ra.
Giá thành
Limousine có nhiều mức giá khác nhau. Một chiếc Arnage có thể lên đến 300.000 USD, trong khi một chiếc Lincoln lại có mức giá dưới 30.000 USD. Giá thành của việc chế một chiếc xe limousine còn phụ thuộc vào xe gốc, độ dài mà khách hàng mong muốn và nội thất bên trong.
Dịch vụ và nơi cung cấp
Có hàng trăm công ty sản xuất và cho thuê limousine tại nước Mỹ cho phép khách hàng thuê và cung cấp tài xế riêng. Và cũng có hàng trăm tổ chức riêng biệt tự thuê tài xế riêng dành cho những người giàu có. Trước khi thuê hoặc mua xe limo, khách hàng thường nghiên cứu về công ty và liệu chiếc xe đó đã vượt qua được các thử nghiệm an toàn hay không, và quy trình lấy bằng lái của tài xế cũng khá quan trọng.