[Kênh14] - Ban giám khảo có số lượng nữ áp đảo, nghệ sĩ châu Á lên ngôi, và rất nhiều điều thú vị của Cannes năm nay đáng để chúng ta quan tâm.
Khi nói đến những Liên Hoan Phim quốc tế uy tín và nổi tiếng hàng đầu trên thế giới thì LHP Cannes luôn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Không những có một lịch sử lâu đời (tổ chức lần đầu vào năm 1946), với nhiều biến động trong suốt hơn sáu thập kỷ, LHP Cannes còn là bệ phóng cho rất nhiều nhà làm phim tài năng đến từ các quốc gia khác nhau, là nơi tìm ra nhiều đạo diễn trẻ đầy triển vọng, nơi hội tụ của vô số ngôi sao điện ảnh, đặc biệt là nơi gặp gỡ, trao đổi, mua bán, phân phối các sản phẩm (dự án, kịch bản, phim) của những người làm trong ngành điện ảnh.
Thành phần ban giam kháo của LHP Cannes 2009.
Trong suốt 10 ngày diễn ra LHP, ngoài hàng nghìn nhà báo, phóng viên ảnh, các kênh truyền hình, hãng thông tấn, đài phát thanh, chúng ta còn được chứng kiến sự hiện diện của hàng chục nghìn khán giả tập trung tại thành phố bờ biển phía Nam nước Pháp này. Bên cạnh những hạng mục tranh giải chính, các buổi chiếu phim công cộng với nhiều chủ đề khác nhau, LHP Cannes còn hàng loạt hoạt động diễn ra song song như Chương trình Bài học điện ảnh - series buổi nói chuyện giao lưu giữa người yêu điện ảnh với các nhà làm phim về công tác đạo diễn, âm nhạc và diễn viên, quỹ Cinéfondation (dành riêng cho nhà làm phim trẻ), Tuần lễ phê bình phim quốc tế, Hội trợ phim Marché du Film, Triển lãm, Mạng lưới các nhà sản xuất,…
Isabelle Huppert.
Thư Kỳ tại LHP Cannes 2009.
Thành phần ban giám khảo cho phần phim truyện năm nay nghiêng về nữ giới (5 trong tổng số 9 người) với Chủ tịch là diễn viên người Pháp Isabelle Huppert. Ngôi sao Thư Kỳ và đạo diễn người Hàn Quốc Lee Chang Dong là hai thành viên đến từ Châu Á. Có một điều đặc biệt là hai trong số 5 phụ nữ trong ban giám khảo là Thư Kỳ và Asia Argento đều đã từng đóng những bộ phim "nhạy cảm" trong quá khứ. Tuy nhiên, cho đến nay cả hai đều đạt được những thành công đáng kể, đặc biệt là Thư Kỳ. Điều đó cho thấy Cannes rất trân trọng sự nỗ lực vươn lên trong nghề nghiệp của các nghệ sĩ.
Asia Argento.
LHP Cannes 2009 được chia ra làm bốn hạng mục chính, với nhiều giải thưởng khác nhau, bao gồm Phần phim truyện (gồm 20 tác phẩm tranh giải Cành Cọ Vàng), Phim ngắn, Un Certain Regard và Camera d’Or.
Thành phố Cannes xinh đẹp.
Cannes 2009 - Cuộc chiến của những cựu binh
Năm nay, LHP Cannes lần thứ 62 sẽ được diễn ra từ ngày 13 đến ngày 24 tháng 5, với sự tham gia đua tài chính thức của 20 bộ phim truyện. Nhìn vào danh sách tranh giải Cành Cọ Vàng (Palme d’Or) ta có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt gương mặt đã quá quen thuộc từ nhiều năm qua. Đầu tiên phải nhắc đến 4 đạo diễn đã từng đoạt giải cao nhất tại LHP Cannes trong quá khứ là Jane Campion, Lars von Trier, Quentin Tarantino và Ken Loach.
Từng gây chấn động thế giới nhưng cũng bị khán giả la ó thậm tệ tại Cannes 1994 với bộ phim Pulp Fiction, năm nay Quentin Tarantino tiếp tục vượt bờ Đại Tây Dương để đưa Inglourious Basterds tới tranh giải. Qui tụ hàng loạt diễn viên nổi tiếng như Brad Pitt, Samuel L. Jackson, Mike Myers, Diane Kruger, Inglourious Basterds là một trong hai tác phẩm (cùng với Taking Woodstock) đến từ Mỹ có mặt tại LHP Cannes lần thứ 62. Tuy nhiên, dù Taking Woodstock đặc sệt chất Mỹ nhưng ngồi trên ghế đạo diễn lại là Lý An, một nguời gốc Đài Loan. Ngược lại, dù Inglourious Basterds do Quentin Tarantino thực hiện, nhưng bối cảnh lại quay chủ yếu tại Đức.
Người tiếp theo trong “tứ trụ” từng đoạt giải Cành Cọ Vàng không thể không nhắc đến chính là Jane Campion. The Piano (1993) của bà đã khiến rất nhiều khán giả bị ám ảnh bởi phong cách vừa tinh tế, nữ tính vừa dữ dội, nghiệt ngã. Cho đến nay Jane Campion vẫn là nữ đạo diễn đầu tiên và cũng là duy nhất từng được ban giám khảo LHP Cannes trao giải Cành Cọ Vàng. Giống như The Piano cách đây 16 năm, Bright Star cũng có cùng thể loại bi, tâm lý kết hợp với tình cảm. Hai tên tuổi còn lại là Lars von Trier (từng đoạt giải với Dancer in the Dark), và đạo diễn cựu trào người Anh Ken Loach (The Wind That Shakes the Barley) cũng rất quen thuộc với khán giả yêu thích điện ảnh.
Bright Star.
Ngoài bốn đạo diễn đã từng nhận giải Palme d’Or kể trên, LHP Cannes 2009 còn chứng kiến sự hiện diện của hàng loạt gương mặt cựu binh tại Châu Âu khác như hai cây cổ thụ Alain Resnais (từng 4 lần được đề cử Cành Cọ Vàng), Marco Bellocchio (5 lần) cho đến những tên tuổi nổi đình nổi đám như Pedro Almodóvar, Michael Haneke. Trong quá khứ đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodóvar đã một lần đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với All about My Mother (1999) và giải kịch bản với Volver (2006) tại Cannes. Broken Embraces, tác phẩm mới nhất của ông có sự tham gia của nữ diễn viên Penélope Cruz, sẽ đua tài ở hạng mục chính thức. Nhà làm phim người Đức Michael Haneke cũng mang tới Cannes bộ phim rất đáng chú ý là The White Ribbon.
Broken Embrace.
Anh tài Châu Á
Nếu như người Mỹ chỉ có một mình Quentin Tarantino cùng hai tác phẩm đến tranh giải thì số lượng phim đến từ Châu Á lại nhiều gấp đôi. Thú vị thay khi cả năm bộ phim này được san đều về phía Đông Á, gồm Vengeance và Spring Fever (Hồng Kông), Thirst (Hàn Quốc), Face (Đài Loan), Kinatay (Philippines).
Nếu ai đã từng yêu thích thể loại phim hình sự xã hội đen Hồng Kông hẳn đã nhẵn mặt với Đỗ Kỳ Phong. Hàng loạt tác phẩm của ông đều gây được tiếng vang lớn trên bình diện quốc tế như PTU, Election (đề cử Cành Cọ Vàng), Exiled hay gần đây nhất là Mad Detective (đề cử Sư tử vàng LHP Venice), Sparrow (đề cử Gấu vàng tại LHP Berlin). Năm nay Đỗ Kỳ Phong mang đến Cannes Vengeance, bộ phim mang đậm phong cách và sở trường của mình. Ngoài những diễn viên quen thuộc trong làng điện ảnh Hồng Kông như Nhậm Đạt Hoa, Huỳnh Thu Sanh, Huỳnh Nhật Hoa, Lâm Gia Đống, Vengeance có sự thay đổi khá độc đáo khi đóng vai chính lại là ca sỹ Johnny Hallyday của Pháp.
Vengeance.
Đỗ Kỳ Phong.
Thirst.
Vào năm 2004, đạo diễn Park Chan Wook đã làm hãnh diện người dân Hàn Quốc khi Oldboy giành Giải thưởng lớn (Grand Prize Jury) tại LHP Cannes. Nửa thập kỷ sau, hi vọng Cành Cọ Vàng của ông giờ đây đặt trọn vào Thirst, tác phẩm thuộc thể loại kinh dị/ tâm lý liên quan tới ma cà rồng. Cũng không thể không nhắc tới Spring Fever của đạo diên Lâu Diệp và Face của Thái Minh Lượng. Thực chất Lâu Diệp không còn là cái tên xa lạ với Cannes vì cách đây 6 năm ông đã từng tự gửi Purple Butterfly đi tham dự mà không có sự đồng ý của Cục Điện Ảnh Trung Quốc. Mặc dù phong cách làm phim độc đáo, nhưng những tác phẩm của ông luôn dính dáng đến vấn đề nhậy cảm với người Trung Quốc, như Summer Palace (đề tài về sự kiện Thiên An Môn), và nay là Spring Fever có liên quan đến đồng tính. Đối với đạo diễn Đài Loan Thái Minh Lượng, đây là lần thứ hai ông có phim được chọn vào tranh giải Cành Cọ Vàng (trước đây là What time is it There).
Spring Fever.
Park Chan Wook.
LHP Cannes sẽ kết thúc với đêm trao giải vào ngày 24.05 tới đây.