Nước dùng ngon phụ thuộc vào xuất xứ của mắm. |
Vùng đất phương nam với hai mùa mưa nắng. Sự hào phóng và ưu ái mà thiên nhiên đã mang lại cho nơi đây rất nhiều tôm cá. Mùa nước nổi được xem là mùa của loại cá linh, cá sặt… Người dân thường mang các loại cá này làm mắm để dành. Mắm làm ra có thể chế biến thành nhiều món ăn phong phú.
Lẩu mắm gây ấn tượng bởi vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng riêng từ mắm. Mắm cá sặt, hay cá linh được mang nấu rã thịt, lược kỹ xương, nêm sao cho vừa ăn. Người ta còn bổ sung một ít sả bằm mịn, củ ghiền, ớt cay vào trong nồi nươc lẩu…
Mắm làm hương vị chính thơm lừng cho nồi lẩu, nhưng nguyên liệu nấu với mắm không thể thiếu cà tím, thịt ba rọi, hay cá tùy thích. Đặc biệt, lẩu mắm miền Tây còn có thêm cá lóc, cá kèo, cá rô, lươn, cá bông lau, tôm, mực… giúp phong phú thêm cho món ăn.
Để có nồi lẩu mắm ngon phụ thuộc rất nhiều vào xuất xứ của mắm. Người dân miền Tây có bí quyết riêng giúp lẩu mắm không quá mặn, nồi lẩu lại ngả màu nâu đặc trưng của mắm, nước sanh sánh nhờ tỏi ớt bằm nhuyễn kết hợp với sả vừa thơm lại vừa bắt mắt.
Có đủ loại rau ăn kèm với lẩu. |
Thực khách ghé miệt Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp… có thể thưởng thức hương vị đặc trưng trong từng nồi lẩu mắm. Riêng TP HCM, lẩu mắm được xem là món ăn ngon, đặc trưng, có ở một số quán nằm trên đường Hồ Biểu Chánh, Ngô Thời Nhiệm, Lý Chính Thắng, Nơ Trang Long…
Những ngày mưa lất phất, cùng quây quần bên bếp lửa hồng với nồi lẩu mắm nghi ngút khói, dậy mùi thơm phưng phức, kết hợp với đĩa rau miệt vườn xanh mướt, thực khách sẽ chẳng thể nào quên cái tinh túy độc đáo trong món lẩm mắm dân dã của đất phương nam.