Thời chống Mỹ, từ thôn đội trưởng lên chủ tịch xã Cẩm Hải (Điện Dương bây giờ), ông đã trải qua hàng chục trận đánh, bị thương 17 lần, hiện nay vẫn còn nhiều mảnh đạn trong người, trong đó, oái ăm thay có một viên bi sắt to như hạt bắp nằm ngay giữa dương vật.
Giấy nhứng nhận bị thương của UBND huyện Điện Bàn cho biết ông còn một mảnh đạn trong dương vật
Lần đó vào năm 1970, tiểu đội ông có 10 người đi ra trảng cát lấy gạo (do cơ sở giấu). Đi chưa đến nơi cất gạo, cả tiểu đổi đã bị phát hiện, giặc bấm nổ quả mìn định hướng, giết chết 4 người và làm bị thương 3 người, trong đó có ông.
“Bị viên bi sắt của mìn định hướng găm ngay vào dương vật, đau tức không chịu nổi, tôi ngất đi. Đồng chí Lê Kông Xu, đồng đội (đã hy sinh sau đó), cõng tôi về căn cứ. Thời chiến tranh, điều kiện y tế thiếu thốn nên không ai mổ để lấy viên bi ra. Tôi đành mang nó suốt 44 năm nay. Mỗi khi trời chuyển, dương vật buốt chịu không thấu” – ông kể.
Lúc đó, ông đã có vợ và 2 con. Vợ con đều đang ở trong khu dồn dân nên ông không có điều kiện để “kiểm tra” mình có còn làm chồng được không. Cuộc chiến tranh đang ác liệt, không có thời gian, tâm trí để ông băn khoăn về chuyện đó.
Đến 1972, khi ta phá khu dồn dân, ông mới gặp lại vợ. “Mọi chuyện diễn ra ngon lành, không trục trặc gì, tôi không nói và vợ cũng không biết” – ông nói và theo thói quen lại há miệng cười, mắt tít lại.
50 năm qua, vợ chồng ông Khi – bà Thuẩn đã sống hạnh phúc bên nhau, có với nhau 6 người con, bất chấp những trở ngại về cơ thể của ông do chiến tranh gây ra
Khi ông kể lại chi tiết này, vợ ông (bà Trương Thị Thuẩn, đã 70 tuổi), ngồi bên cạnh cười bẽn lẽn, vẻ e thẹn, bỏ đi xuống nhà dưới, vừa đi vừa nói: “Ai biết ông bị…như vậy. Thì thấy cũng bình thường, đâu có khác chi…”.
Trong Giấy chứng nhận bị thương do UBND huyện Điện Bàn cấp, phần các vết thương có ghi rõ: ông bị 1 vết ở đầu, 1 vết ở ngực, 3 vết ở chân trái, 1 vết ở dương vật còn mảnh…
Với viên bi nặng trĩu và nhức buốt, nhưng ông vẫn có thêm 3 người con nữa. Vì có đến 5 con, toàn là gái, trong khi gia đình quá khó khăn nên ông đăng ký tự nguyện đi đình sản nam. Đấy là vào năm 1988. Ông ra Trung tâm chăm sóc bà mẹ và trẻ em ở Đà Nẵng để thắt ống dẫn tinh.
Oái ăm thay, ông thắt xong, một năm sau, vợ lại mang bầu. Bản tính hiền lành, chất phác, ông coi chuyện đó là bình thường, trong khi làng xóm xì xầm, người trong họ tộc đều nghi ngờ, phẫn nộ. Chuyện ông mang bi sắt trong dương vật có con đã khiến nhiều người bán tín bán nghi, bây giờ đến chuyện thắt ống dẫn tinh mà còn có con, khiến giọt nước nghi ngờ trong tộc họ tràn ly. Mọi ánh mắt giận dữ đều đổ dồn về phía vợ ông - bà Thuẩn.
“Nhiều người làm dữ lắm, nói nặng, nói nhẹ đủ kiểu. Nhưng tôi vẫn bình thường. Mình có làm chi sai đâu mà sợ” – vợ ông nói và cười – nụ cười bình thản của những người quen sống chân chất, ngay thẳng.
Tộc họ không để yên, cử một người cháu ruột chở ông ra Trung tâm Chăm sóc bà mẹ và Trẻ em ở Đà Nẵng đề nghị kiểm tra. “Khi nghe tôi nói vợ có bầu, không ai không cười vì nghĩ tôi nói xạo. Sau đó một người đưa cho tôi cái lọ bảo vào phòng vệ sinh lấy tinh. Tôi lấy ra, họ đưa lên kính hiển vi xem, rồi tất cả ồ lên. Thì ra, tôi vẫn còn làm cha được. Giám đốc trung tâm gọi chú cháu tôi đến, xin lỗi, thú nhận là trường hợp của tôi lỗi do trung tâm”.
Ngày 11/3/2014, chúng tôi có liên hệ qua điện thoại với Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Đà Nẵng. Cán bộ ở đây cho biết rằng không nhớ chính xác về trường hợp ông Khi nhưng khẳng định rằng trường hợp thắt ống dẫn tinh xong vẫn có con là có, tỷ lệ này chiếm 1%.
Riêng ông Khi vô cùng cảm ơn cái 1% này, nhờ “cắt lộn dây tinh” (ông tự giải thích về trường hợp của mình như thế, cũng như với viên bi sắt, ông cho là “nhờ nằm trật dây tinh”) mà ông có được một cậu con trai. Và ông cười ha hả sung sướng.
[/justify]