Phòng bé, công trình phụ bên ngoài nhưng có giá 600.000đ/tháng
Truy tìm phòng trọ gần trườngCòn 10 ngày nữa mới chính thức vào học nhưng từ đầu tháng Hữu Chỉnh - năm thứ 3 Đại học Ngoại thương đã lên Hà Nội để ổn định nhà cửa. Để khỏi phải đi xe buýt vất vả như các năm trước, Chỉnh quyết định tìm thuê một căn phòng ở khu Chùa Láng. Mấy hôm lặn lội, Chỉnh cũng có được một căn phòng nhỏ, sạch với giá vừa phải. Chỉ có điều, ở được mấy hôm, cứ trời mưa to thì nước ngập đến nửa chân giường, thế là “bỏ của chạy lấy người”, Chỉnh lại hành trình đi tìm phòng khác.
Cũng với lý do thuê cho bằng được một phòng trọ gần trường Đại học Công nghệ và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) mà Quang Đạt đã đen cháy người và gầy mất 2 kg. Mất gần một tháng rong ruổi khắp khu Hoàng Mai, cuối cùng Đạt cũng thuê được một phòng khép kín với giá 800.000. Tuy nhiên, để được ở căn phòng này, Đạt và cậu bạn phải đặt cọc 3 tháng tiền nhà và chờ một tháng nữa mới được chuyển đến, vì lúc đó người đang ở mới dọn đi.
Thuê nhà gần trường là sự lựa chọn hàng đầu của sinh viên, bởi ở đó vừa không phải đi học xa, tiết kiệm chi phí đi lại, vừa thuận tiện cho việc học tập và tham gia các hoạt động của đoàn trường. Vì thế, các khu Bách Khoa, Sư Phạm, Ngoại Thương, Nhân Văn chính là mục tiêu của rất đông đảo các bạn sinh viên trong việc tìm nhà trọ.
Tấm biển "đáng ghét" của những người tìm nhà
Ông chủ nhà trọ sau tòa nhà HITC Cầu Giấy cho biết: “Nhiều người hỏi nhà lắm, vì từ đây qua Sư phạm chỉ cần đi bộ. Nhưng phòng có nhiều đến mấy cũng hết, mấy hôm trước nhiều người hỏi quá nên phải treo cái biển Hết phòng trọ để gia đình khỏi bị làm phiền”. Với các chủ nhà thì chỉ việc treo cái biển, đóng sầm cửa là xong. Nhưng, với các sinh viên thì nó lại bắt đầu một dãy nhà khác, một ngõ khác, dù có qua bao nhiêu cánh cửa thì vẫn phải tìm cho được một phòng.
Tăng giá - biết làm sao được
Sinh viên thì không giàu, và tiền bố mẹ cho thì chẳng thể nhân đôi nhân ba lên được, nhưng những người chủ nhà thì chẳng quan tâm đến điều đó. Xăng tăng, mọi giá cả đều tăng, và đương nhiên tiền thuê nhà, tiền điện cũng tăng.
Một phòng trọ khoảng 9 m2, công trình phụ bên ngoài, nếu như ra tết có giá là 400.000- 450. 000 đồng thì nay đã lên 550.000 - 600.000 đồng. Một phòng có diện tích 10 m2, có gác xép, khép kín, nếu như trước đây có thể thuê với giá 600.000 - 700.000 đồng thì nay đã lên đến 800.000- 1.000.000 đồng.
Giá cả là thế, so với số tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng thì đã chiếm 1/3, nhưng dù muốn hay không thì người đi thuê vẫn phải chấp nhận. “Năm ngoái mình ở một phòng nhỏ nhỏ nhưng khép kín, an toàn, chỉ có 600.000 đồng, hai tháng hè dù về quê nhưng để giữ chỗ thì mình vẫn trả tiền đầy đủ. Thế mà giờ lên học lại, cô chủ nhà bảo tăng thành 750.000 đồng. Cũng bức xúc lắm, tính ra thì hai đứa một tháng đã hết 900.000 đồng tiền nhà rồi, nhưng cũng đành chịu. Giờ đi tìm nhà mệt lắm mà chưa chắc đã bằng ở đây”. Minh Thanh - năm thứ 2 khoa ĐH Thương Mại Hà Nội cho biết.
Với diện tích lớn hơn và cao cấp hơn như khép kín, sạch sẽ, đủ chỗ để xe máy, nấu ăn thì cũng phải 1.200.000 - 1.500.000, loại nhà này không nhiều, chỉ ai có điều kiện kinh tế khá giả thì mới chịu được “nhiệt”. Mà thường thì phải mất không ít tiền, rồi qua mấy lần lòng vòng trung gian, “cò” giới thiệu thì may ra mới thuê được, như Thanh Phương, năm thứ 3 ĐH Kiến trúc Hà Nội: “Mình qua 4 trung tâm nhà đất, xem cả chục cái nhà, mất thêm nửa tháng tiền nhà cho môi giới, tổng cũng gần 1000.000, giá nhà thì hơi đắt nhưng được cái thoáng đãng nên mình cũng chấp nhận”.
Có nhiều cách để tìm phòng trọ, nhờ người quen, tìm qua mạng, qua trung tâm môi giới, nhưng cách truyền thống và phổ biến nhất vẫn là đi từng nhà từng ngõ để hỏi và xem phòng. Đúng là, khó và khổ như sinh viên đi thuê phòng trọ.
Thủy Nguyên