[Kênh14] – Giờ đây, không chỉ người lớn mới đau đầu về nỗi lo cơm áo gạo tiền khi giá cả leo thang đến chóng mặt, teen mình cũng rất thương bố mẹ và muốn phần nào đó gánh bớt một “vai” gánh nặng.
Đi làm vì thương phụ huynh vất vả
Hà Ngân (sn1990) có ba mẹ là công chức. Bình thường, chi tiêu chỉ vừa đủ. Nhưng giờ thì cả nhà đều đang khốn đốn vì bão giá. Tiền điện, tiền nước và các sinh hoạt khác ngốn hết gần 6 triệu tiền lương mà chẳng thừa nổi đồng nào. Cực chẳng đã, mẹ Ngân phải mở thêm một quán nhỏ bán xôi, bánh mỳ ở đầu ngõ để chi tiêu cho những khoản học thêm phát sinh của Ngân suốt năm lớp 12.
Thương mẹ, cô bạn đã biết thức khuya dậy sớm hơn để cùng mẹ ra lò lấy bánh, lấy pate, hoặc đồ xôi sớm để mẹ bán. Quán đông dần lên một phần nhờ mỗi sáng gần… nửa lớp Ngân tới mua. Không hề “ngại” sợ bạn bè biết mẹ mình làm ở công ty xuất bản mà lại phải bán xôi kiếm thêm, Ngân còn quảng cáo món xôi rán rất nhiệt tình. Nhờ sự giúp đỡ của con gái, 1 ngày mẹ Ngân cũng thu được gần 200 ngàn tiền lãi. Có nhà cần xôi cúng, Ngân cũng chịu khó đạp xe đưa đến tận nơi, tối lại ngồi dịch tin gửi cho các báo mạng kiếm tiền.
Cô con gái hàng ngày nhìn mẹ thức từ 3h sáng để đồ xôi thì thương đến ứa nước mắt. 3 ngày thi đại học cũng là lần đầu tiên Ngân cầm gói xôi của mẹ đi thi. Cô bạn vẫn cười vui vẻ lắm, "bố mẹ vất vả nhiều chứ mình thế này thì đã làm sao đâu."
Không phải teen nào cũng may mắn được sinh ra trong gia đình giàu có, vì thế vài khái niệm như vung tay quá trán, sắm đồ hiệu và tiêu tiền triệu mà người lớn hay gán cho teen là không công bằng với những bạn ý thức rất rõ sự khó khăn trong cuộc mưu sinh của phụ huynh. T.Bảo (lớp 10 trường QT) không bao giờ quên ánh mắt nhìn xuống ngượng nghịu của mẹ khi Bảo xin đóng học phí hết cả học kỳ.
Vừa nghỉ hè, cậu đã tìm ngay việc để làm thêm. Phải nói dối đã đủ 18 tuổi, Bảo xin làm phục vụ cho một quán bia tươi. Công việc mệt thì đã đành, lại luôn phải nín nhịn, im lặng mỗi khi khách cáu gắt hay say xỉn. Phức tạp quá, cậu đổi sang làm chân chạy bàn hàng kem. Không ngại bạn nhìn thấy, cũng không sợ vất vả mệt mỏi, cậu bạn 16 tuổi chỉ mong giúp bố mẹ đỡ vất vả bằng việc kiếm đủ số tiền tiêu mỗi tháng, còn dư để cho em trai nữa, khỏi phải xin thêm một khoản.
Không giống các teen khác đi làm mùa hè để trải nghiệm cách kiếm tiền, hoặc tiêu bớt thời gian rảnh rỗi, Ngân, Bảo và một số bạn khác đi làm vì thương phụ huynh vất vả, muốn một phần nào đó gánh bớt nỗi lo cho người lớn. Liên Hà (17 tuổi) không bao giờ nghĩ đến một ngày mẹ bạn lại phải đau đầu tính toán ăn uống từng bữa một như hiện nay. Đi chợ, thức ăn mua về cũng ít đi một tí. Rồi mọi thứ cứ phải cắt dần đi khi tiền gì cũng tăng. Thương mẹ, Hà nhận đi bán và phát tờ rơi cho một hãng mỹ phẩm.
Nhiều teen Hà thành đi làm thêm hè vì muốn giúp đỡ phụ huynh đỡ vất vả trong cơn bão giá.
Bố mẹ của Trâm (Đống Đa, HN) đều là giáo viên cấp 2. Đứng trước cơn bão giá, đồng lương của giáo viên dĩ nhiên không thể đủ chi trả cho sinh hoạt cả gia đình. Cả nhà xoay xỏa, vay vay mượn mượn mở thêm hàng cơm văn phòng. Vừa nghỉ hè, Trâm đã nhận luôn chân đưa cơm quanh khu vực quanh Ô chợ dừa. Chân tay cháy đen vì nắng, không còn nhận ra cô học sinh trắng trẻo ngày nào, nhưng “Chạy cơm thế này một vài lần là có khách quen, đỡ phải thuê người đưa, tốn tiền.”
Ứơc muốn của những đứa con
Khi biết mẹ mình đã phải cắt bớt suất ăn trưa để thêm 300 ngàn tính vào tiền lương mỗi tháng, Ngân đã không thể kìm nước mắt vì thương mẹ. Ngày trước, với mức lương như hiện nay thì gia đình Ngân vẫn được coi là đủ ăn. Còn bây giờ thì…
“Ước gì mẹ không còn phải đi bán xôi và bánh mỳ để kiếm thêm thu nhập nữa, dù gì bố mẹ cũng là công nhân viên chức mà…”, Ngân cười. Sáng nào mẹ bán vội rồi tất tả đi làm cho kịp giờ hành chính, chiều về lại bày xôi rán bán tiếp. Đạp xe đi đưa xôi cúng cho người ta, nhiều khi Ngân cứ lẩn thẩn nghĩ giá như mọi thứ cứ rẻ như ngày trước, thì bố mẹ Ngân sẽ không đến mức phải đi bán xôi để thêm tiền sinh họat cho gia đình.
Sống chung với thời bão giá, teen mình - đặc biệt những bạn có hoàn cảnh gia đình không dư dả, chỉ còn cách tiết kiệm, tiết kiệm đến mức tối đa từ những tiêu pha nhỏ nhặt nhất. Nở nụ cười cháy nắng, Trâm “đưa cơm” nói: “Biết đâu lại có lúc giá cả xuống thang, bố mẹ mình đỡ khổ!”