Trong một xã hội đang lão hóa nhanh chóng như tại Nhật Bản, người cao tuổi vừa là trung tâm chú ý, vừa gây nên những vấn đề khác nhau. Một trong những hiện tượng đang được nhắc tới nhiều là chuyện người già sống một mình và chết trong cô đơn, không ai hay biết.
Trong thập niên 1990, Taichi Yoshida, chủ một công ty vận chuyển đồ đạc nhỏ ở Osaka, Nhật Bản, bắt đầu nhận thấy rằng công việc của ông có liên quan nhiều tới những người già vừa quá cố. Gia đình người chết hoặc kinh sợ, không dám gói ghém đồ đạc của người đã khuất, hoặc họ chẳng còn thân nhân nào, nên đã nhờ tới sự giúp đỡ của ông. Vì thế, Yoshida quyết định chuyển hẳn sang một ngành kinh doanh mới: dọn dẹp nơi ở của người chết.
Ông bắt đầu nhận thấy một hiện tượng khó hiểu thường xuyên xảy ra ở những căn nhà mà công ty của mình dọn dẹp. Đó là sự xuất hiện các vết ố dày, đen tựa như hình dáng của người nằm trên sàn nhà. Ông tìm hiểu và bàng hoàng khi nhận thấy đấy chính là dấu vết còn lại của những chất lỏng đã chảy ra từ một xác người bị phân hủy. Đó là bằng chứng khó xóa của một cái chết đơn côi.
Đó là những cảnh đời tội nghiệp. Họ chết cô đơn trong nhà, ngã gục trên sàn bên cạnh đống quần áo nhàu nát, chén bát bẩn thỉu, nhét đầy dưới gầm gường hoặc xếp bên cạnh tường. Có thể là nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trôi qua trước khi có ai đó phát hiện ra cái chết của họ. Trong nhiều trường hợp, những gì còn lại chỉ là một nhúm xương tàn.
"Phần lớn những người chết cô đơn là những người khá bừa bãi. Họ có thói quen lấy đồ đạc ra khỏi một chỗ và không bao giờ để chúng trở lại vị trí cũ. Khi có thứ gì đó hỏng, họ không thèm sửa. Khi mối quan hệ đổ vỡ, họ chẳng buồn quan tâ", ông Yoshida cho hay.
Khi người chết trong đơn độc vẫn không giảm, công việc của Yoshida thu hút được sự chú ý khắp nước Nhật. Một cuốn tiểu thuyết mới ra mắt gần đây dựa trên cuộc đời ông có thể sẽ được dựng thành phim và một seri phim truyền hình về công việc kinh doanh của ông cũng đã bắt đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi công việc của ông là tốt đẹp bởi theo nhiều người, kinh doanh nhờ vào những xác chết như Yoshida có vẻ như hơi tàn ác.
Khách sạn cho người chết
Dù ông Yoshida bị điều tiếng gì, thì ông cũng thực sự không cô đơn trong ý tưởng kinh doanh của mình, bởi tại đất nước mặt trời mọc có một người đàn ông khác tên Hisayoshi Teramura cũng đang ăn nên làm ra nhờ vào việc xây khách sạn dành cho người chết.
Khách sạn này mang tên Lastel Hotel, nằm ẩn mình trong một vùng ngoại ô xa xôi, phía Nam Tokyo, Nhật Bản, nhưng khách sạn trông hoàn toàn giống với bất kỳ một khách sạn thông thường nào khác. Thậm chí, theo lời ông Hisayoshi Teramura, ban đêm vẫn thường có những cặp đôi trẻ tuổi vào khách sạn và muốn thuê phòng. Tuy nhiên, đáng tiếc, khách sạn chỉ phục vụ những vị khách đã… chết.
Hiện tại, khách sạn của ông có thể phục vụ tối đa 18 vị khác một lúc. Họ đều là những xác chết đang chờ được hỏa táng. Chi phí cho mỗi "phòng" tại khách sạn là 12.000 yen, tương đương với 157 USD. Mỗi vị khách sẽ được "ở" trong một phòng lạnh hoàn toàn riêng biệt. Căn phòng được trang trí hoa và có cả cửa sổ. Bất kể ngày hay đêm, khi người thân của các "vị khách" muốn đến thăm, họ sẽ được một hệ thống tự động chuyển xuống một phòng riêng, trang trọng để những người sống có thể tỏ lòng tôn kính tới họ.
Khách sạn này ra đời mang lại rất nhiều lợi ích. Trung bình tại Nhật Bản, một người chết phải chờ tới bốn ngày mới được hỏa thiêu. Trong khi đó, nếu cứ để xác người chết ở trong nhà rất chật chội. Thay vào đó, ở khách sạn, các nhân viên sẽ mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho những người xấu số.
Bữa tối ngon lành cạnh quan tài
Nhà hàng New Lucky đã biết tạo sự nổi bật của riêng mình giữa vô vàn quán ăn sang trọng khác ở Ahmadabad, Ấn Độ bằng việc phục vụ thực khách những bữa ăn ngon miệng bên cạnh các cỗ quan tài.
Trên thực tế, cửa hàng này được xây dựng ngay trên một nghĩa địa cũ. Những chiếc quan tài được sơn màu xanh, đặt trồi lên mặt đất trong quán New Lucky. Ngày nào ông Nair cũng trang trí cho chúng bằng những bông hoa khô. Quan tài nằm ngẫu nhiên trong cửa hàng và các nhân viên ở đây ai nấy đều nắm rõ vị trí quan tài nên cũng không khó khăn gì trong việc đi lại và phục vụ khách. "Chúng tôi quen rồi. Không có gì là kỳ lạ nữa", bồi bàn Kayyum Sheikh cho biết.
Ông Kirshan Kutti Naircho rằng, địa điểm này quả thực rất thích hợp cho việc kinh doanh. "Mở quán trên sân của nghĩa địa là một điều may mắn. Tình hình kinh doanh của tôi tiến triển tốt hơn", ông Kirshan nhấn mạnh.
Trước đó, vào khoảng những năm 1950, một người đàn ông, có tên K.H Mohammed, cũng mở quán trà bên ngoài nghĩa địa. Và ông Nair cũng giúp bạn mình điều hành cửa hàng. Công việc kinh doanh khá thuận lợi, vì vậy nhà hàng mở rộng diện tích, cho đến khi bức tường bao quanh cả những nấm mồ.
Nguồn : zing