Kỳ I :Tướng cướp Bạch Văn Chanh và cuộc truy lùng đẫm máu Rút chạy khỏi những hang động trên núi Tam Thanh, băng cướp Bạch Văn Chanh chọn ải Chi Lăng, lấy Quỷ Môn Quan làm địa bàn hoạt động. Y tìm đến những chiến hữu cũ như Chiến "quắc", Chiến "mèo", rủ rê nhập bọn. Thời gian này, băng của Chanh gây án không chỉ ở Lạng Sơn mà còn nhảy cả sang Bắc Giang. Trong bữa nhập băng, Chanh cùng Chiến sang Bắc Giang, cướp ba chiếc xe minsk. Chạm trán ở cây số 88 Bị công an Bắc Giang truy lùng, cả bọn quay về Quỷ Môn Quan hoạt động, chuyên chặn xe khách cướp tiền bạc, tài sản. Tình thế buộc các trinh sát phải cắt cử nhau đóng giả người đi đường trà trộn vào các hành khách. Những trang phục lực lượng trinh sát dùng để đóng giả người đi đường. Ngày 8/1/1992, tổ ba người do cảnh sát Hoàng Thanh Hảo cùng Bình, Trọng, hai sinh viên thực tập, bám theo xe từ Lạng Sơn về Bắc Giang. Đến Bắc Giang, do bị cảm nên Trọng được gửi lại bệnh xá Công an Bắc Giang, còn hai người tiếp tục theo xe quay về Lạng Sơn. Khoảng 3h ngày 9/1/1992, chiếc xe vừa đi đến km 88, địa phận xã Đồng Tâm, huyện Hữu Lũng thì trước mặt xuất hiện ba chiếc xe Mink dàn hàng ngang, đèn pha sáng rực. Trước địa thế hai bên là vách đá vôi dựng đứng, bác tài chỉ còn cách dừng xe, hai cảnh sát chỉ kịp thì thầm với nhau “gặp hàng rồi” thì 6 tên cướp (gồm Chanh, Dinh, Minh, Trường, Bình, Thùng) đã áp sát với súng ống trên tay. Chúng không hề biết trên xe có hai cảnh sát. Trường xông lên buồng lái, gí súng vào đầu tài xế, quát: “Tất cả ngồi im, chúng tao chỉ cần 'thóc' (tức là tiền), ai chống cự tao bắn chết luôn”. Năm tên còn lại bắt đầu thò tay qua cửa sổ, lục tìm tài sản trong khi hành khách sợ hãi nằm ép xuống băng ghế. Một phát súng vang lên, tên Trường đổ gục. Liền sau đó là tiếng hô của tướng cướp: “Chỉ có mấy thằng công an thôi chúng mày ơi, tấn công”. Cả 5 tên đồng loạt giương súng AK, bắn như vãi đạn vào chiếc xe, hai trinh sát nhảy xuống gốc nhãn ven đường, tìm vị trí chiến đấu. Thấy chỉ có hai cảnh sát, bọn cướp hò nhau xông lên, anh Hảo bị Chanh bắn gãy chân. Một tay anh giữ chặt phía trên vết thương để máu bớt chảy, tay kia vẫn tiếp tục nhả đạn về phía nhóm cướp, làm Minh “già” chết tại chỗ. Nhìn hai đồng bọn chết, Chanh hăng máu xông lên trước, ba tên "lâu la" theo sau. Trong đợt đấu súng này, Dinh bị bắn lòi ruột, ôm bụng chạy vào nhà dân, sau đó bị bắt khi đang vẫy xe chạy trốn. Còn ba tên tháo chạy lên núi, vứt lại ba chiếc xe máy là tang vật vụ cướp ở Bắc Giang. Trận đấu súng tiêu diệt gọn ba tên cướp làm người dân hết sức phấn khởi. Họ nhanh chóng đưa hai trinh sát về Công an tỉnh Lạng Sơn điều trị vết thương. Với thành tích này, chàng sinh viên thực tập 22 tuổi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai, còn anh Hảo được tặng bằng khen của Bộ Công an. Về Hà Nam bắt cướp Sau trận đụng độ, Bạch Văn Chanh cùng Triệu Quốc Bình và cô nhân tình tìm đường về quê lánh nạn, để lại “cơ ngơi” cho đàn em cai quản. Ngày 28/3/1992, tổ công tác của Hoàng Quang Vọ, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an Lạng Sơn, lên đường về Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, truy bắt tên tướng cướp. Biết Chanh sẽ làm lễ đưa vong bố đẻ lên chùa hai ngày sau đó nên họ lên kế hoạch đón lõng y ngay tại đường vào chùa. Chiếc xe đã tham gia chuyến về Hà Nam bắt tên Bạch Văn Chanh. Ảnh: Thu Trinh. Các trinh sát hóa trang thành bộ đội, giả vờ hỏng xe dọc đường, ngồi sửa chữa. Khi Chanh, Bình cùng cô tình nhân đi từ thị trấn Đồng Văn về qua, họ bật cửa xe hô: “Chanh, giơ tay lên!”. Nhanh như cắt, tên tướng cướp cáo già rút súng K54 bắn liền bốn phát, may mà anh Hoàng Quang Vọ kịp nấp vào chiếc cột bê tông bên đường nên thoát chết. Một trinh sát bắn hai phát về phía tên cướp nhưng Chanh tránh được, bỏ chạy vào làng. Triệu Quốc Bình, đồng bọn của Chanh, nhảy ùm xuống ao, lắp súng AK nhưng chưa kịp bắn thì bị anh Vọ bắn trúng vai, đành phải giơ tay, lóp ngóp bò vào bờ, miệng lắp bắp: “Cháu xin hàng, cháu xin hàng”. Nhưng chân vừa chạm mặt đường, hắn đã co giò chạy tuốt vào làng, một lúc sau mới bị bắt. Đường làng quê ngoằn ngoèo, nhiều ngóc ngách, trong khi các trinh sát Lạng Sơn không biết đường, còn công an Hà Nam lại không biết mặt tên Chanh. Vì thế, Chanh giả dạng nông dân vác cuốc ra đồng với quần đùi, nón lá và chạy thoát. Ngay đêm đó, tên Bình được di lý về Lạng Sơn, các trinh sát lại quay lại Hà Nam truy bắt tên Chanh. Trong khi đang ráo riết truy lùng Bạch Văn Chanh, các trinh sát nhận được tin Bình vừa hồi phục đã trốn trại. Ban chuyên án nhận định, một tên cướp điên cuồng, tàn ác như Bình, bắt đã khó, khi trốn thoát sẽ càng hung hăng. Và quả thật, hắn đã nhanh chóng cùng đồng bọn gây ra vụ cướp ở huyện Lộc Bình. Các trinh sát cho rằng, rất có thể Bình đang cần tiền mang về Hà Nam tiếp tế cho thủ lĩnh, trên đường về xuôi sẽ ghé qua người bà con ở Na Dương xin tiếp tế. Kế hoạch truy bắt nhanh được tiến hành. Tuy nhiên, Bình nhìn thấy ở cánh đồng cách nhà hắn không xa chiếc xe U-oát trắng đã gặp sau nhiều lần đụng độ. Hắn biết đó là xe của công an nên lẩn vào rừng. Sau lần bị bắt hụt, Bình cho rằng trong bọn có kẻ làm “tay trong” nên thay mặt thủ lĩnh “thịt” những kẻ không tham gia cướp như Cường, Hùng “Tuệ”. Từ khi Chanh rời xứ Lạng, Bình tỏ ra hung bạo hơn, sẵn sàng giết bất kỳ ai có dấu hiệu làm hắn bị lộ. Hắn mua thêm súng, quay về núi Tam Thanh tiếp tục dùng “bài” nửa đêm gõ cửa nhà dân cướp tiền. Biết Bình là kẻ đa nghi, các trinh sát phải dùng một thiếu niên dũng cảm “cài” vào đội ngũ bọn cướp, qua đó biết tên Bình có một khẩu súng AK, một khẩu Colt quay và một quả lựu đạn. Để tiêu diệt hắn, các trinh sát dựng màn kịch đưa người yêu lên thăm rồi chuốc cho hắn uống rượu say để ập vào bắt. Thế nhưng khi nghe thấy tiếng hô: “Triệu Quốc Bình, muốn sống hãy đầu hàng”, tên cướp nhất định không chịu quy hàng. Trước sự điên cuồng chống trả của hắn, sau hơn hai giờ thuyết phục không được, lực lượng truy bắt đã xả súng tiêu diệt tên cướp khét tiếng. Hôm đó là ngày 25/9/1992. Sau khi Bình bị tiêu diệt, đám đàn em lần lượt bị bắt, chỉ có La Văn Thùng biết thế nào cũng bị tử hình nên đã dùng súng kết liễu đời mình sau một bữa nhậu say. Về phần Bạch Văn Chanh, sau khi về Hà Nam gây ra một loạt các vụ trộm cướp và bị công an Nam Hà truy đuổi, y về nhà đào hầm cố thủ. Trước lời thuyết phục của thiếu tá Phạm Ngọc Giao, cán bộ phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Hà, tên cướp khét tiếng đã buông súng đầu hàng. Khi xuống hầm, các trinh sát thấy trong đó có ba khẩu AK cùng hàng trăm viên đạn. Chanh được di lý lên Lạng Sơn và mấy tháng sau ra pháp trường. (Còn Tiếp) |