
Nhận thấy vai trò và trách nhiệm của báo chí, ngày 5/2/1985 Ban Bí thư TW Đảng CSVN đã ra Quyết định số 52 và lấy ngày 21/6 hàng năm là ngày Báo chí Việt Nam. Và để khẳng định trách nhiệm cao hơn đối với dân tộc và đất nước, được sự chấp thuận của Ban Bí thư TW Đảng CSVN ngày 21/6/2000, theo đề nghị của Hội nhà báo Việt Nam, ngày Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
Hơn ¼ thế kỷ đã trôi qua, cùng với sự lớn mạnh của Đất nước, nền báo chí VN cũng ko ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Trước Cách mạng tháng 8/1945 chúng ta có số lượng báo chí “khiêm tốn” với 91 ấn phẩm, trong đó kể đến như: báo Thân Ái, do Nguyễn Ai Quốc sáng lập năm 1928 tại Thái Lan; báo Búa Liềm, báo Lao Động, báo Tranh Đấu (1930); báo Cờ Vô Sản (1931), báo Giác Ngộ; báo Dân Chúng (1938-1938), báo Cờ Giải Phóng (1943-1945); báo Sự Thật (1945)…
Cho đến nay theo số liệu trên website của Bộ thông tin và truyền thông thì số lượng báo in hiện giờ đã lên tới con số 812 cơ quan báo chí với 1.084 ấn phẩm. Và chưa kể đến 15.453 các cơ quan xuất bản, phát hành, trong lĩnh vực báo chí, in ấn tài liệu với hàng triệu đầu sách, tài liệu phát hành mỗi năm.
Bên cạnh những sản phẩm báo chí “truyền thống”, báo hình, báo ảnh, báo nói; cùng với sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin chúng ta còn có báo mạng, báo hình online được cấp phép, tin tức hóng hổi được cập nhật thường xuyên. Thị trường báo chí trở nên “chật chội” đối với độc giả.
Hòa chung với niềm vui của các nhà báo trong cả nước, những nhà báo đang sống và làm việc tại nước ngoài, xin gửi lời chúc mừng đến các anh chị, những chiến sỹ thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc, chúc các anh chị vững vàng một ý chí, rực lửa lòng nhiệt huyết.