[justify]Tuần trước, Hoàng gia Anh choáng váng khi tờ News of the World tung ra một đoạn băng quay lén cảnh Công nương xứ York Sarah Ferguson “bán” chồng cũ - Hoàng tử Andrew. Phóng viên của News of the World đã giả làm một doanh nhân quốc tế đến nói chuyện với bà Ferguson. Công nương đã nói rõ nếu “doanh nhân” này chịu trả cho bà 500.000 bảng thì bà sẽ giúp ông ta tiếp cận Hoàng tử Andrew để xây dựng quan hệ và nhận nhiều đặc lợi trong chuyện làm ăn. Công tước xứ York Andrew, con trai thứ hai của Nữ hoàng Elizabeth II, hiện là đại diện đặc biệt của Anh về thương mại và đầu tư quốc tế.[/justify]
[justify]Sau đó, công nương phải lên tiếng xin lỗi còn Điện Buckingham tuyên bố Hoàng tử Andrew không biết gì về vụ việc. Bên cạnh Công nương Sarah, nhân vật chính thứ hai trong đoạn băng là một cái tên vừa quen thuộc vừa bí ẩn đối với người Anh. Đó là Mazher Mahmood, Trưởng ban Phóng sự điều tra của News of the World, và cũng chính là tay “tài phiệt quốc tế” kia.[/justify]
[justify]Những cái bẫy khó lường[/justify]
[justify] Mahmood là phóng viên điều tra đang được kính trọng nhất hoặc đáng khinh nhất nước Anh, tùy theo ý kiến từng người. Nhưng chắc chắn ông là kẻ đáng ngại nhất đối với những người nổi tiếng và giới “tai to mặt lớn” ở đảo quốc sương mù. Lối săn tin của Mahmood vừa đơn giản vừa kỳ công.[/justify]
John Higgins, một “nạn nhân” nổi tiếng của Mahmood |
[justify]
Với mạng lưới tay trong rộng khắp, ông có thể nắm được tin tức của một nhân vật nào đó. Mahmood sẽ tiếp cận đối tượng trong lốt cải trang, cố dụ họ vào bẫy như đồng ý bán ma túy cho ông chẳng hạn rồi bí mật quay phim hoặc ghi âm. Với sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng đến từng chi tiết và khả năng đóng kịch siêu phàm, hầu như không một ai có thể an toàn với Mahmood.[/justify]
[justify]Hồi đầu tháng này, chính ông làm rúng động làng billiards & snooker khi dụ tay cơ số 1 thế giới John Higgins đồng ý nhận 261.000 bảng Anh để buông một vài ván vào cuối năm nay. Chỉ vì gật đầu với đề nghị của “tay môi giới cá độ” Mahmood mà Higgins đã bị cấm thi đấu trong thời gian chờ điều tra.
Năm 2006, trong vai một hoàng thân Ả Rập, Mahmood tiếp cận huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Anh khi đó là Sven-Goran Eriksson và đề nghị ông này về làm huấn luyện Aston Villa, đội bóng Mahmood “sắp mua”. Eriksson sập bẫy “ngon ơ” và cam kết sẽ tìm cách chấm dứt hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Anh ngay sau khi World Cup 2006 kết thúc. Sau vụ đó, huấn luyện viên Thụy Điển bị chỉ trích kịch liệt và theo nhiều người đó là một trong những nguyên nhân khiến ông phải ra đi trong cùng năm đó.[/justify]
[justify]Năm 2003, Mahmood vào vai một tên tội phạm tài tới mức được một băng nhóm mời tham gia âm mưu bắt cóc ca sĩ nổi tiếng Victoria Beckham, vợ của ngôi sao bóng đá David Beckham. Thông tin do ông cung cấp dẫn tới một cuộc điều tra khiến cả nước nín thở theo dõi vì khi đó nhà Beckham là cái tên nóng nhất xứ sương mù và băng tội phạm trên bị hốt gọn.
Một năm sau, Mahmood “biến thân” thành phần tử của một tổ chức Hồi giáo bí mật và phối hợp với cảnh sát phá kế hoạch mua nguyên liệu chế bom bẩn của một nhóm khủng bố quốc tế. Ngoài ra, rất nhiều đường dây buôn bán ma túy, vũ khí và cung cấp gái mãi dâm bị phá nhờ Mahmood.[/justify]
[justify]Nhân vật bí ẩn[/justify]
[justify]Tính chất công việc khiến Mahmood luôn giữ kín thông tin về bản thân. Đến nay, người ta chỉ biết ông chừng 40 tuổi, gốc Pakistan và chính thức gia nhập tờ News of the World vào năm 1991 sau một thời gian lăn lộn qua nhiều tờ báo khác nhau từ năm 16 tuổi. Rất ít người biết được mặt thật của “quái kiệt” này vì ông hầu như không xuất hiện công khai và trong hợp đồng của ông với tờ báo có điều khoản quy định ảnh của Mahmood sẽ không bao giờ xuất hiện hoặc phải bôi đen.[/justify]
Một trong những hình ảnh hiếm hoi của Mahmood được công bố |
[justify]Thậm chí có người nghi ngờ không biết Mazher Mahmood có phải là tên thật của ông không. Thật ra, Mahmood buộc phải cẩn thận vì ông có khá nhiều kẻ thù. Theo BBC, có kẻ từng ra giá 100.000 bảng cho mạng sống của ông và những người thân quen cho biết lúc nào Mahmood cũng phải có vệ sĩ đi kèm.[/justify]
[justify]Đối với nhiều người, Mahmood là phóng viên điều tra số 1 nước Anh. Ông là một trong những nhân tố chính giúp News of the World, thuộc sở hữu của trùm truyền thông Mỹ Rupert Murdoch, trở thành một trong những tờ báo tiếng Anh bán chạy nhất thế giới. Năm 1999, Mahmood được trao giải Phóng viên của năm. Lên nhận giải là một người ăn mặc kiểu Ả Rập và trùm kín mặt. Tuy nhiên khi người ta lột tấm vải che mặt ra thì đó lại là Kelvin Mackenzie, cựu biên tập của tờ The Sun.[/justify]
[justify]Tuy nhiên, không ít người xem Mahmood là minh chứng rõ ràng nhất cho mặt trái tồi tệ nhất của giới truyền thông. “Bất chấp thủ đoạn”, “lừa đảo”, “đê tiện” là những từ thường được dùng để mạt sát phương pháp điều tra của ông. “Cách làm việc của Mahmood sỉ nhục nghề báo”, phóng viên kỳ cựu Roy Greenslade viết trên tờ The Independent.
“Tất cả chỉ vì doanh số của News of the World”, Time dẫn lời luật sư của Huân tước xứ Hardwicke Joseph Philip Sebastian Yorke nói trong phiên tòa xử thân chủ ông tội buôn bán cocaine - kết quả từ một pha sắp đặt của Mahmood. Việc ông gắn bó với tờ báo lá cải News of the World được cho là vì chỉ có tờ này phù hợp với cách săn tin “lừa đảo” như vậy.[/justify]
[justify]Không phải lúc nào sự nghiệp của Mahmood cũng trơn tru. Các vụ phá âm mưu bắt cóc Victoria Beckham và kế hoạch mua nguyên liệu chế bom thật ra là những thất bại. Tòa án đã không buộc tội bất cứ nghi phạm nào sau khi phát hiện Mahmood đã trả tiền cho các tay trong để mua thông tin. Năm 2006, Mahmood và News of the World thua kiện chính trị gia George Galloway sau khi “gài hàng” ông này bất thành và buộc phải công bố một bức ảnh cũ của “Vua điều tra”.[/justify]
[justify]Tuy nhiên, Mahmood cho rằng những bài điều tra của ông luôn có ích cho xã hội vì chúng phơi bày mặt xấu xa của giới thượng lưu hay giúp phá những vụ án lớn. “Tôi đã đưa hơn 100 tên tội phạm ra tòa. Chắc chắn việc tôi làm là đúng đắn”, ông nói. Vì thế chỉ cần pháp luật không ngăn cấm và độc giả còn chưa chán những tin tức giật gân thì Mahmood vẫn còn đất tung hoành và những người nổi tiếng vẫn phải dè chừng bất cứ tỉ phú hay doanh nhân Ả Rập nào tới thăm.[/justify]