Chuyện lạ 2012-07-20 07:48:44

Kỳ lạ người đàn bà 4.000 đêm không ngủ (I)


Tôi chữa trị khắp nơi nhưng cũng không xong. Giờ thì đêm hay ngày tôi đều phải thức. Nó dài vô tận. Thế nên, họ hàng có việc thì với tôi là món quà to lớn bởi tôi không phải đối đầu với những đêm nằm nghe tiếng dế” – bà Bảy xác nhận



Từ năm 2000 đến nay, bà Trần Thị Bảy (72 tuổi, ngụ thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chưa một lần được ngủ. Bà làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, những lúc mệt mỏi nằm lên giường mà không tài nào chợp mắt.

Tuy nhiên, có một điều lạ kỳ là dù gần 12 năm không ngủ nhưng bà Bảy vẫn khỏe mạnh, đi làm công việc đồng áng bình thường. Người đàn bà này cảm giác như thế giới dài vô tận, chỉ có ngày không có đêm.

Bà ước mơ được một lần chợp mắt trước khi bước qua thế giới bên kia, nhưng dù đã đi chữa bệnh khắp nơi nhưng không khỏi. Hiện tượng mất ngủ kéo dài nhưng sức khỏe không bị ảnh hưởng vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Hiện trên thế giới chỉ có một số rất ít người mắc phải chứng “bệnh” như bà Bảy.

Những đêm dài không chợp mắt




Dù đã 72 tuổi và gần 12 năm không ngủ nhưng bà vẫn khỏe mạnh lạ thường




Theo quốc lộ 14B thẳng vào xã Đại Hiệp, đến chợ trung tâm xã, hỏi đường vào nhà bà Trần Thị Bảy ở thôn Phú Quý không ai không biết. Một người dân nói, “bà Bảy “ngoại quốc” hả? đi theo đường làng này rồi rẽ phải là đến”.

Các biệt danh bà Bảy “ngoại quốc” không biết từ đâu mà có, nhưng theo những người ở đây thì do có nhiều đoàn khách nước ngoài hiếu kỳ đến gặp, hỏi chuyện về bà nên họ đặt tên ngoại quốc cho bà luôn. Những người chạy xe ôm ở quanh chợ cũng sốt sắng dẫn khách vào con đường bê tông, chỉ tận nhà bà Bảy.

Trong căn nhà nhỏ nằm cuối làng, vợ chồng bà Bảy sinh sống cùng gia đình người con trai thứ sáu. Rót ly nước chè đặc quánh mời khách, bà Bảy kể:

“Hơn 10 năm về trước, ông Đề (chồng bà, năm nay gần 80 tuổi – PV) đổ bệnh nặng do bị tai nạn lao động trước đó và phải nằm một chỗ, không thể gánh vác chuyện đồng áng, ruộng vườn.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái lần lượt đi hỏi vợ, gả chồng nên tôi phải một mình cáng đáng công việc ruộng vườn, vừa chăm lo thuốc thang cho ông nhà. Để lo đủ miếng ăn cho gia đình, ngoài làm ruộng, tôi còn làm thuê ruộng, vườn cho các hộ gia đình trong xóm.

Chẳng nề việc gì, hễ ai có việc thì tôi làm, ban ngày không hết việc tôi lại làm ban đêm miễn sao kiếm được nguồn thu nhập. Ngoài ra tôi còn lên rừng chặt tre, nứa về vót để đan rổ rá vào ban đêm để kiếm tiền.

Và cũng từ đó giấc ngủ của tôi ít hơn. Nhưng lúc đó tôi nghĩ, chẳng qua là “tuổi già, gà gáy sớm” nên nó sinh ra như vậy”.

Nghĩ rằng vấn đề ngủ ít chỉ là bệnh tất yếu của tuổi già, cộng thêm nỗi tất bật trong công việc nên bà Bảy không hề lo lắng mà còn mừng vì có thêm thời gian để lao động. “Ban đầu thấy mình ngủ ít tôi lại thấy hay hay, vì mình lại có thêm thời gian để làm việc, để kiếm tiền.

Những đêm dài khó ngủ, tôi lại lôi tre nứa ra đan, sáng sớm đem chợ bán”. Thấy bà Bảy thức khuya dậy sớm, người nhà lấy làm lo nhưng được bà thuyết phục do bệnh người già “dở chứng” nên cũng nguôi ngoai.

Có những sáng sớm, khi gà chưa kịp gáy, mặt trời chưa kịp mọc bà Bảy đã lọ mọ vác cuốc ra đồng làm việc. Biết bà khó ngủ, nhiều gia đình hàng xóm cũng đồng cảm, dậy sớm hơn một chút để cùng ra đồng cho bà Bảy vui.

Dần dần, bà Bảy cứ dậy sớm hơn nữa, hàng xóm cũng không theo nổi để cùng bà ra đồng. Từ đó, bà Bảy thui thủi vác cuốc một mình khi thời khắc vừa bắt đầu điểm sang ngày mới.

Thời gian ngủ càng ngày càng rút ngắn khiến bà Bảy bắt đầu sinh lo “Chỉ trong vòng hơn hai tháng, thời gian ngủ của tôi rút ngắn đến không ngờ. Ban đầu tôi còn chợp mắt, ngủ chút xíu nhưng về sau thì giấc ngủ đến rất trễ, một đêm chỉ ngủ vẻn vẹn hai tiếng đồng hồ và hai tháng sau thì giấc ngủ tắt lịm.

Dù ngày hay đêm, làm mệt tới đâu tôi cũng không sao chợp mắt” - bà Bảy tâm sự. Cũng từ thời gian đó đến nay (gần 4.000 đêm), bà Bảy không còn biết tới giấc ngủ là gì? Ngủ với bà chỉ còn được biết trong quá khứ.

Đêm đến, khi mặt trời vừa khuất, màn đêm buông xuống thì với bà là một nỗi kinh hoàng. Vừa cặm cụi nẹp lại cạp rổ, bà vừa nói với chúng tôi: “Có thức đêm mới biết đêm dài, gần 4.000 đêm không ngủ nó dài như không tưởng, nó dai dẳng khiến tôi bức bối, lo sợ vô cùng”.

Dạo đầu bị mất ngủ, bà Bảy nằm không yên nên thường đi loanh quanh làm các việc vặt để mong đêm chóng qua nhanh. Nhưng vì thế mà con cháu trong nhà thường bị đánh thức bởi những tiếng động ban đêm.

Rồi có những đêm, bà lần ra đồng xem người đám trai làng đánh cá, bắt cua. Thấy vậy, gia đình càng lo bà già yếu, đi đêm vấp ngã, nguy hiểm nên khuyên bà ở nhà nghỉ.

Để con cái yên tâm và không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người xung quanh nên dù không buồn ngủ nhưng đêm đến bà Bảy vẫn nằm lên giường nhắm mắt.

Nhưng rồi, dù mắt nhắm hay mở thì giấc ngủ cũng không ùa về, bà chỉ còn biết đếm lá rơi, nghe tiếng thạch sùng, tiếng dế kêu của đêm đen dài vô tận.

Nghe các cụ xưa thường nói “mệt trệt mắt” – làm việc mệt thì mắt sẽ trệt xuống, buồn ngủ và sẽ có giấc ngủ sâu nên bà Bảy cũng gắng làm thật nhiều vào ban ngày để thân xác mệt mỏi chỉ để mong sao có một giấc ngủ vào ban đêm.

Thế nhưng dù mệt tới đâu thì giấc ngủ vẫn không đến với bà. “Có những đêm, tôi mệt rã rời, cứ nghĩ tới việc nằm lên giường sẽ được chìm vào giấc ngủ mà cảm giác thèm muốn vô cùng. Nhưng dù mệt tới đâu thì tôi vẫn không sao ngủ nổi, mắt nhắm để đó chờ đêm qua đi.

Chỉ có khi nào tiếng gà bắt đầu gáy thì tôi mới khẽ nhoẻn miệng cười mãn nguyện”. Bà Bảy nói với chúng tôi rồi thở dài ngao ngán “Chú biết không, tôi chỉ ước sao mình có một đêm được ngủ như bao người khác. Đêm không ngủ, với tôi nó là một thế giới mới, hoàn toàn khác và đáng sợ”.

Khi xóm làng bắt đầu lên đèn bà Bảy lại chuẩn bị đón nhận một thế giới riêng mà thế giới đó chỉ có mình bà với bóng đêm dài dằng dặc. Không được làm những việc bà muốn và không có bất kỳ ai bên cạnh.

“Một, hai năm đầu chỉ khi mặt trời bắt đầu xuống núi, đèn bắt đầu thắp là tôi sợ đến run người. Tôi sợ vì đêm xuống, khi mọi người ngủ hết chỉ còn lại một mình tôi. Hết trở mình tôi lại nghe tiếng cuốc kêu, tiếng lá rơi buồn thảm và đáng sợ lắm”.

Với bà Bảy, màn đêm buông xuống là thời khắc đáng sợ bởi bà như lạc vào thế giới riêng cô đơn, lạnh lẽo của riêng bà. Dù ban ngày có làm mệt tới đâu nhưng bà Bảy vẫn thấy vui bởi không phải cô quạnh một mình, không phải bất động trên giường vì sợ ảnh hưởng tới người khác.

Ban ngày bà được làm, được nói, được cười. Còn ban đêm bà chỉ một mình nhìn bóng đêm u tịch. Mỗi khi họ hàng, xóm làng có việc cưới, giỗ, hay cỗ bàn thì với bà niềm vui càng nâng lên gấp bội.

Chẳng phải bà ham vui, ham cỗ mà vì lúc đó bà được thức thâu đêm làm việc và được trò chuyện, cười nói mà không lo ảnh hưởng tới người khác.

“Những dịp họ hàng, làng xóm tiệc tùng tôi đều có mặt. Nhiều người ở xa về không biết tôi bị mất ngủ nên cứ khuyên tôi già rồi về nghỉ sớm cho khỏe. Thực tâm, tôi chỉ mong có một đêm ngủ như một người bình thường nhưng không được.

Tôi chữa trị khắp nơi nhưng cũng không xong. Giờ thì đêm hay ngày tôi đều phải thức. Nó dài vô tận. Thế nên, họ hàng có việc thì với tôi là món quà to lớn bởi tôi không phải đối đầu với những đêm nằm nghe tiếng dế” – bà Bảy xác nhận

Nhưng có một điểm kỳ lạ là dù đã 72 tuổi và gần 12 năm nay không một phút chợp mắt nhưng bà Bảy vẫn khỏe mạnh, đôi mắt lúc nào cũng ráo hoảnh và không hề có vết thâm quầng để lại. Bà bảo đó là nhờ bà cố ăn để níu giữ sức khỏe.

Dù có ngon miệng hay không bà cũng gắng ăn đủ ngày ba bữa và không để bụng đói bao giờ. Nhìn dáng người gầy nhỏ, ốm yếu của bà khó ai tin rằng đến tuổi này bà vẫn một mình quần quật với 2 sào ruộng và một đàn heo.

“Giờ tôi chỉ có một ước mơ là được tìm về lại với giấc ngủ mà hơn chục năm trước đây tôi đã có. Dù có đánh đổi bằng tiền của, sức khỏe, tôi cũng muốn một lần được ngủ, được có cảm giác chợp mắt. Nhưng có lẽ đến cuối đời, tôi vẫn không thể thực hiện được điều đó” bà Bảy nói giọng buồn buồn.

(Kỳ II: Kỳ lạ người đàn bà 4.000 đêm không ngủ )

Hạ Nguyên


Nguồn : Phunutoday
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)