Đọc một tác phẩm văn học, độc giả luôn tìm kiếm thông điệp mà tác giả muốn gửi đến mình qua đó. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có chiều sâu trí tuệ rất khác người. Tác phẩm của ông vẫn là cách kể chuyện theo chương hồi của tiểu thuyết cổ điển Minh - Thanh nhưng vượt xa người xưa với phong cách rất hấp dẫn. Thiên Long bát bộ là ví dụ tiêu biểu của phong cách này.
Tư tưởng triết học phương Đông
Một số tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã xuất bản tại Việt Nam Ảnh: Hoàng Lê
Trong Thiên Long bát bộ, câu chuyện liên quan đến 7 nước: Tống, Khiết Đan, Tây Hạ, Thổ Phồn, Nữ Chân, Đại Lý, Đại Yên được sắp xếp, liên kết với nhau một cách rạch ròi, khoa học.
Theo kinh điển Phật giáo, “Thiên Long bát bộ” là 8 nhân vật thần phật, yêu quái; mỗi người tượng trưng cho cái thiện hoặc cái ác. Kim Dung cũng xây dựng 8 nhân vật trung tâm tượng trưng cho thiện - ác, mỗi người đi theo một đường lối riêng. Cuối cùng, những nhân vật ác bị loại trừ, 3 nhân vật thiện còn lại là Tiêu Phong (Khiết Đan), Đoàn Dự (Đại Lý) và Hư Trúc (Tống) kết nghĩa anh em, chung sống hòa bình.
Đọc Kim Dung, ta tiếp cận những nguồn tư tưởng lớn trong triết học Đông phương. Có người tượng trưng cho phong thái Nho giáo, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc - Phạm Trọng Yêm) như Đoàn Dự, vương tử Đại Lý. Cũng có người giả bộ theo phong cách nhà nho để dối dời, dối người mà Kim Dung gọi là ngụy quân tử, như Nhạc Bất Quần - chưởng môn phái Hoa Sơn trong Tiếu ngạo giang hồ.
Đọc Kim Dung, ta bắt gặp thái độ hiền triết, lối sống lãng mạn theo tư tưởng Lão - Trang. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Độc cô cửu kiếm mà Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung là chỉ sử kiếm ý, không sử kiếm chiêu; ý nghĩ đến đâu kiếm chiêu đi theo đến đó; lấy mềm yếu thắng cứng rắn, lấy nhẹ nhàng thắng trầm trọng.
Kim Dung xây dựng hẳn một phái Tiêu Dao (Thiên Long bát bộ), võ công thanh thoát, cầm kỳ thư họa đều giỏi. Phái Tiêu Dao chính là sản phẩm từ chương Tiêu dao du trong Nam hoa kinh của Trang Tử. “Con chim hồng bay cao chín ngàn dặm, nương mây cưỡi gió mà bay” là tinh thần của con người Tiêu Dao.
Tư tưởng Đại thừa, tư tưởng Thiền tông của Phật giáo lại càng đậm nét hơn trong tiểu thuyết Kim Dung. Trong 12 bộ tiểu thuyết của ông, bộ nào cũng nhắc đến các nhà sư phái Thiếu Lâm sẵn sàng hành hiệp giúp người, chống lại nhưng không tiêu diệt kẻ ác.
Nhà sư Thiếu Lâm dùng phương tiện sạn - cây gậy tha thứ cho kẻ khác - làm vũ khí. Họ dùng võ công để khống chế cái ác, chữa bệnh tham si, sân hận cho những kẻ lầm đường; dùng kinh kệ để giảng giải, phong tỏa ma công. Ỷ thiên đồ long ký xây dựng nhân vật Trương Vô Kỵ võ công tuyệt thế, dùng công phu Càn khôn đại na di tan bia vỡ đá cao nhất của Minh giáo mà đấu vẫn không lại 3 sợi dây mềm và tiếng tụng kinh của 3 nhà sư già Thiếu Lâm. Bởi lẽ, ma không bao giờ thắng nổi Phật.
Man di vẫn thắng thiên triều
Hơn các nhà văn khác, Kim Dung dám đặt lại những vấn đề lịch sử, dân tộc. Trước nay, lịch sử Trung Quốc chỉ được nhìn một chiều; người Trung Hoa vẫn tự cho mình là dân tộc cao quý, trăm họ 4 phương toàn là dân mọi rợ. Họ gọi các dân tộc lân bang là tứ di - 4 giống mọi rợ: Đông di, Tây nhung, Bắc địch, Nam man. Vậy mà trong tiểu thuyết Kim Dung, man di vẫn thắng thiên triều!
Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật lại chuyện Triệu Hú (Tống Triết Tôn) vung gươm dọa cho bà nội là thái hậu chết sớm để không còn người ngăn cản y gây chiến với Khiết Đan. Đối lập với Triệu Hú là một Gia Luật Hồng Cơ - hoàng đế Khiết Đan - thông minh, mưu lược, dũng cảm. Kết quả của vụ gây hấn này là 18 châu Yên Vân (trong đó có Yên Kinh, nay là Bắc Kinh) bị Khiết Đan thôn tính; các hoàng đế Tống triều sau đó phải triều cống cho Khiết Đan.
Trong Bích huyết kiếm, Kim Dung thuật chuyện Càn Long sai Triệu Tuệ làm Định biên tướng quân, đánh qua đất Hồi Hồi (nay là Duy Ngô Nhĩ), bắt Hương Hương công chúa Kha Tư Lệ về nạp phi. Kha Tư Lệ quyết không thần phục, cuối cùng vào một thánh đường Hồi giáo ở Bắc Kinh tự vẫn để bảo vệ mối tình với Trần Gia Lạc, giữ tấm thân mình trong trắng. Kim Dung cho ta thấy cường quyền bạo lực của một hoàng đế không thắng nổi một cô gái Hồi tộc tràn đầy sức mạnh tinh thần.
Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung hư cấu nhân vật Vi Tiểu Bảo - con của một gái điếm thành Dương Châu - lọt vào hoàng cung, trở thành sủng thần của vua Khang Hy. Vi Tiểu Bảo dùng ngôn ngữ chợ búa, hầm hố của Dương Châu, chửi “tưới hột sen”, gọi thái hậu là “mụ điếm già”, công chúa là “con đượi non”, hoàng đế Thuận Trị là “lão con rùa”…
Với Vi Tiểu Bảo, thứ bậc, giai cấp của triều đình phong kiến đảo lộn hết ráo! Chiếc ghế của Khang Hy trong ngự thư phòng cũng bị Vi Tiểu Bảo ngồi lên và hắn cho là chẳng “sướng gì cái mông” cả! Vậy mà không biết bao nhiêu triều đại phong kiến đã tranh giành nhau chỉ để được ngồi trên cái ghế vô vị đó đọc sách và phê duyệt tấu chương.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-11
Kỳ tới: Vẫn cần tỉnh táo, cảnh giác
Chưa thoát “quỹ đạo thiên triều” [justify]Trung Quốc vừa bình chọn 10 nhà văn lớn có tác phẩm để đời. Trong đó, văn học hiện đại có Lỗ Tấn và Kim Dung. Với AQ chính truyện, Lỗ Tấn giúp bạn đọc nhìn lại con người Trung Quốc qua mấy ngàn năm, một con người muốn “làm bố thiên hạ” nhưng bị đánh, bị mắng, bị phạt vạ và bao giờ cũng tự huyễn hoặc cho mình hơn người: “Thứ mày là cái đồ gì, ông cha nhà ta còn bề thế hơn nhà mày nhiều”![/justify] [justify]Hơn cả Lỗ Tấn và những bậc cựu trào tiền bối như Ngô Thừa Ân, La Quán Trung…, Kim Dung thẳng thắn cảnh báo người đọc nên đặt lại những vấn đề lịch sử và dân tộc của Trung Quốc. Tác phẩm của ông chừng mực nào đó có sự công bằng khi nhìn lại phẩm giá của “Tứ di”. Tuy nhiên, là người Trung Quốc - dù là viết tại Hồng Kông - Kim Dung vẫn chưa thoát khỏi cái “quỹ đạo thiên triều” khi nhìn các dân tộc lân bang.[/justify] [justify] [/justify] |