[justify]Cô đau đớn với tấm thân quấn băng kín mít trên giường bệnh, mẹ của cô lần mò từ một tỉnh miền Trung ra chăm con gái còn đau hơn gấp ngàn lần khi niềm hy vọng lớn nhất đời bà có nguy cơ tàn phế.
Vụ tự thiêu làm rúng động dư luận Hà thành (Ảnh minh họa) |
Gia cảnh thương cảm
Những ngày cuối năm, khi ngoài đường người người rộn ràng chuẩn bị mua sắm đón Tết, chuẩn bị kế hoạch về quê đoàn tụ với gia đình thì Lê Thị Mai (SN 1986, trú tại thôn Quyết, Đội 5, xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thanh Hóa) lại nằm thiêm thiếp trên giường bệnh Khoa hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia.
Trước đó, vào hồi 21h ngày 31/12/2011, Mai đến nhà bạn trai là anh Lương Mạnh T. (SN 1984, Sinh viên Cao đẳng Giao thông Hà Nội, trú tại ngõ 14, phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi nói chuyện một hồi, đột nhiên cô gái lao ra ngoài rồi lấy chai xăng đổ vào mình châm lửa. “Ngọn đuốc sống” này sau đó đã được mọi người dập tắt, Mai được chuyển tới bệnh viện cấp cứu.
Bên giường bệnh, chị Nguyễn Thị Tiến (52 tuổi, mẹ nạn nhân) vừa khóc vừa truyền súp qua đường ống bằng bơm kim tiêm loại to cho con gái. Mở đầu cuộc nói chuyện, chị Tiến đã ôm mặt khóc nức nở một hồi. Chị kết hôn năm 1981 và có hai người con, con trai SN 1982 và con gái Lê Thị Mai. Sau đó vài năm chồng chị phát hiện mình bị bệnh tim, đến cuối năm 2001 thì anh bị suy tim độ bốn, gia đình quyết gom góp đủ tiền để anh mổ nhưng các bác sĩ đã không giành lại được anh từ tay thần chết.
Chồng qua đời, một mình chị với bốn sào ruộng nuôi hai con tiếp tục ăn học. Sau cái chết của chồng, chị tiếp tục đón nhận một cú sốc nữa là việc phát hiện ra người con trai của mình cũng có biểu hiện bệnh giống bố. Khi đưa con đi khám tại bệnh viện Bạch Mai, chị được các bác sĩ cho hay con mình bị bệnh tim bẩm sinh, khả năng chạy chữa rất khó nên gia đình phải lo liệu dần đi là vừa. Nhìn con trai chết dần chết mòn trước mắt mình, người mẹ khóc cạn cả nước mắt nhưng đành bất lực không thể nào níu giữ được.
Chị tâm sự: “Năm Mai nó học lớp 9, nhà không đủ tiền để lo cho bố nó chữa bệnh nên tôi đành phải bảo cháu nghỉ học. Nó tiếc và cũng khóc nhiều lắm nhưng nó là đứa biết nghe lời nên cũng ngoan ngoãn thu xếp sách vở lại, nó còn xin tôi sẽ đi học lại khi có dịp. Năm sau thì bố nó qua đời, tôi thương cháu học giỏi mà dở dang nên lại đưa con tới trường học tiếp. Cũng từ đó nó học tốt hơn và lúc nào cũng tâm sự nhiều chuyện với tôi”.
Câu chuyện của chúng tôi với chị thi thoảng lại dở dang bởi những tiếng nấc nghẹn ngào thương con và cả những cú điện thoại của người thân hỏi han xem tình hình con gái chị ra sao. Chị vừa khóc, vừa giãi bày: “Chi phí tiền thuốc một ngày đã hết 5 triệu, còn tiền mổ, tiền chi phí khác nữa phát sinh tôi không biết phải xoay sở như thế nào”. Chị Tiến có một khoản tiền 270 ngàn đồng/tháng tiền trợ cấp thời gian phục vụ trong quân đội. Ngoài ra, người phụ nữ tảo tần này thường nhận phụ việc trong các gia đình để kiếm thêm nhưng không đáng là bao so với chi phí phải chữa trị cho đứa con dại dột.
Uẩn khúc nào sau hành động mê muội?
Mai đang là sinh viên năm thứ hai của một trường Cao đẳng Dược đóng trên địa bàn Hà Nội. Do hoàn cảnh khó khăn và thương mẹ vất vả, từ khi ra Thủ đô học, Mai đã xin vào làm cô giáo phụ việc cho một trường mầm non với mức lương đủ chi trả cho sinh hoạt thường ngày.
Thi thoảng, nếu thời gian cuối tuần không vướng việc học, cô sinh viên này lại bắt xe về nhà thăm mẹ. Nhiều đêm hai mẹ con ôm nhau tâm sự và Mai thường kể cho mẹ nhiều câu chuyện của mình nhưng tuyệt nhiên cô không bao giờ thổ lộ chuyện riêng tư, tình cảm. Đây cũng là lý do khiến chị Tiến không hiểu vì sao Mai lại có hành động dại dột tự thiêu như vậy.
Chị Tiến cho biết: “Tôi cũng biết bạn trai của con. Có đôi lần cậu ấy cũng lên nhà chơi và xem chừng hai đứa nó cũng có ý với nhau nhưng tôi chỉ nghĩ chúng nó là bạn bè. Khi xảy ra chuyện này, nhiều người nói với tôi là mâu thuẫn bởi chuyện tình cảm giữa thằng T. và con gái nhưng khi chưa nghe chính con mình kể lại thì tôi không tin ai cả”.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện, chúng tôi tìm gặp một bạn cùng phòng với Mai và cũng là giáo viên dạy cùng trường mầm non. Qua câu chuyện, người bạn này cho biết chị khá bất ngờ khi nghe chuyện Mai tự thiêu. Cô kể lại hôm xảy ra sự việc: “Chiều hôm đó bọn em cùng làm bữa cơm chia tay năm cũ rất vui vẻ, Mai không hề có biểu hiện nào thể hiện sự buồn bã và lo lắng. Đến chiều tối thì em thấy Mai phóng xe ra ngoài, em cũng không hỏi nhưng đoán chắc Mai xuống chỗ bạn trai đi chơi tối. Được một lúc thì thấy em họ của T. gọi điện bảo Mai châm lửa tự thiêu thì rất bất ngờ”.
Gạt nước mắt vì thương bạn, cô gái kể tiếp: “Khi em xuống đến nơi thì thấy các bác sĩ đang băng bó tạm thời cho Mai rồi. Suốt cả buổi tối hôm đó T. có mặt cùng bọn em nhưng sau cũng ra về. Anh ấy tỏ vẻ buồn nhưng không hề nói chuyện gì với ai cả. Còn từ hôm cấp cứu Mai tới giờ, anh ấy chưa hề xuống thăm bạn em thêm lần nào nữa”. Người bạn của nạn nhân cho biết thêm, trong mắt cô, Mai là một người khôn ngoan và nhanh nhẹn: “Thường ngày, Mai ít nói nhưng cô ấy vốn là người cẩn thận và khá thành thạo trong mọi việc dù đó là công việc trái với ngành nghề của mình”.
Khi chúng tôi đề cập tới mối quan hệ tình cảm giữa cặp trai gái này, cô bạn nhận xét: “Anh T. thi thoảng đến chỗ bọn em chơi nhưng rất ít nói, bọn em cũng ít có dịp để bắt chuyện. Trong vụ việc này, chắc chắn giữa hai người đã xảy ra chuyện gì đó, có thể là khúc mắc chuyện tình cảm hay chuyện gì đó. Em không tin tự dưng Mai lại có hành động bồng bột và dại dột đến vậy”.
Bạn bè của nạn nhân cho biết, Mai và T. có mối quen biết với nhau từ khi họ còn học trên ghế trường cấp ba rồi trở thành người yêu của nhau. Hôm xảy ra sự việc, nhiều người xung quanh quả quyết họ nghe tiếng hai người cãi vã chuyện gì đó, một lát sau cô gái chạy ra ngoài và nhìn thấy có chai xăng ở gần đó liền dội thẳng vào người châm lửa.
Khi chúng tôi tìm đến căn nhà của T. thì cửa im lìm khóa chặt. Hỏi một số hàng xóm của T., được biết anh này mấy ngày nay ra ngoài và thường xuyên không có ở nhà. Hàng xóm cho biết ngôi nhà tại phố Triều Khúc này được bố mẹ T. quê ở Thanh Hóa mua để con mình tiện việc học hành.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Viện bỏng Quốc gia, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Mai) cho biết: “Nạn nhân bị bỏng xăng, diện tích cơ thể bị bỏng khoảng 15%, con số này tuy không lớn nhưng gây nguy hiểm bởi có tới hơn 10% là bỏng sâu. Do vết bỏng sâu tập trung chủ yếu ở vùng mặt, đặc biệt là nơi mũi nên kèm theo cả bỏng hô hấp. Khả năng bệnh nhân sau khi hồi phục bị viêm đường hô hấp hoặc viêm phổi khí quản là cao. Đó là chưa kể trường hợp này có nguy cơ có thể bị mắc chứng ARDS, tức là khi thời tiết thay đổi có thể dẫn đến ngộp thở và bắt buộc phải thở bằng máy”.
Hiện chị Tiến đang rất cần sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm để có thể chạy chữa cho con gái mình hồi phục sau ca bỏng nặng. Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về: chị Nguyễn Thị Tiến (thôn Quyết, Đội 5, xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Điện thoại: 097.885.7505
[/justify]